Giữa biển người chật cứng tại nhà ga Nội Bài, anh Tuấn mang vẻ mặt ngao ngán khi nhận tin nhắn báo chuyến bay bị chậm (delay) thêm gần 1 giờ. Anh không thể cằn nhằn hay đòi hỏi hãng bay chịu trách nhiệm khi thời tiết xấu và việc đang sửa đường băng là nguyên nhân gây ra tình trạng trên.
Quay ra nhìn hơn 150 khách đứng ngồi la liệt tại sảnh chờ, anh Tuấn biết không phải ai cũng hiểu việc delay là bất khả kháng. Và nhiều người đã chất vấn chất lượng dịch vụ của công ty lữ hành khi phải miễn cưỡng chờ đợi.
Vạ vật ở sân bay
Anh Tuấn là chủ một doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội. Vào mùa cao điểm du lịch, anh kiêm vai trò dẫn tour.
Chiều 20/7, 2 đoàn khách của anh với tổng cộng 150 người phải chờ đợi hàng giờ ở sân bay Nội Bài vì chuyến bay delay hàng loạt. Hôm sau, thêm 1 đoàn khách khác bị delay.
Đợt cao điểm mùa hè trước, số chuyến bay delay chỉ khoảng 10%. Từ khi Nội Bài và Tân Sơn Nhất đóng cửa 1 đường băng, cứ 10 chuyến bay đặt cho khách, anh Tuấn thấy có 7 chuyến bị delay.
Hành khách vạ vật chờ đợi tại Nội Bài trong chiều 20/7. Ảnh: Khánh Huyền. |
"Lịch chuyến bay từ Hà Nội vào TP.HCM là 17h nhưng khi chúng tôi dẫn đoàn đến sân bay thì được Vietnam Airlines thông báo delay thêm 45 phút. Thêm vài lần báo delay và 2 tiếng sau mới được bay", anh Tuấn cho biết.
Trong số 150 khách hàng của anh Tuấn có 30 trẻ em. Sau thông báo delay, việc tìm chỗ ngồi nghỉ cho từng ấy con người cũng khó khăn vì nhà ga đông nghẹt hành khách.
Theo thông tin Zing có được, cơn dông ập đến vào chiều 20/7 khiến hàng loạt chuyến bay phải dừng cất hạ cánh. Ít nhất 3 chuyến bay chuẩn bị hạ cánh tại Nội Bài phải chuyển hướng sang sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) khiến bãi đỗ chật cứng. Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Vietnam Airlines cho biết sự cố ùn tắc chiều 20/7 khiến chỉ số bay đúng giờ (OTP) hôm đó tụt xuống còn 68,8%. Các hãng bay còn lại như VietJet, Bamboo cũng đều bị tụt OTP, nhiều chuyến bay đến Nội Bài phải chuyển hướng. Khi trời hết dông, hành khách vẫn phải chờ thêm hàng giờ trong nhà ga vì quá trình điều phối lại các chuyến bay mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, việc Nội Bài chỉ hoạt động 1 đường băng cũng khiến cho tình trạng ùn tắc chậm được khắc phục. Đến 20h ngày 20/7, tình trạng ùn ứ hành khách trong nhà ga vẫn chưa được cải thiện.
"Các cửa hàng dịch vụ tha hồ tiếp khách. Họ bán chai nước lọc giá gấp 4, 5 lần bên ngoài mà khách vẫn phải mua vì đợi lâu sẽ khát và mệt", anh Tuấn chia sẻ.
Ngày 21/7, thời tiết tốt hơn hôm trước nhưng tại sân bay Nội Bài vẫn xuất hiện nhiều chuyến bay delay.
Thiếu 1 đường băng trong 2 mùa hè liên tiếp
Sự cố ùn tắc như chiều 20/7 vẫn xảy ra tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất từ khi 2 sân bay này bắt đầu đóng cửa 1 đường băng để sửa chữa. Chỉ số bay đúng giờ của các hãng bay vì thế cũng lên xuống thất thường. OTP thường thấp nhất vào các ngày cuối tuần hoặc thời điểm xảy ra sự cố.
Cục Hàng không đã yêu cầu giãn tần suất cất - hạ cánh trong một khung giờ tại 2 sân bay. Các hãng bay cũng buộc phải giảm bớt chuyến bay giờ đẹp nhưng tình trạng delay tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất vẫn tái diễn do năng lực điều phối không lưu bị giảm.
Hàng loạt chuyến bay phải vòng chờ vì ùn tắc không lưu. Ảnh: Flightradar. |
Trao đổi với Zing, đại diện đơn vị quản lý bay (VATM) cho biết hoạt động cất hạ cánh bị đình trệ (thời tiết xấu hoặc sự cố) sẽ khiến các chuyến bay dồn toa. Khi thời tiết tốt trở lại, tình trạng delay vẫn có thể kéo dài thêm vài tiếng. "Sân bay chỉ có 1 đường băng thì thời gian giải tỏa ách tắc sẽ lâu hơn khi có đủ 2 đường băng", vị này nói.
Tình cảnh khai thác 1 đường băng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất dự kiến còn kéo dài đến sát Tết Nguyên đán 2020. Để kịp tiến độ đưa đường băng mới vào khai thác trong dịp cao điểm Tết, các đơn vị thi công đang phải làm việc 3 ca.
Công việc tại Nội Bài căng thẳng hơn Tân Sơn Nhất bởi cả 2 đường băng đều phải sửa chữa. Dự kiến đến cuối năm, đường băng 1B sẽ hoàn thành trước 3.200 m, đủ cho máy bay cất cánh nhưng không thể hạ cánh. Sau Tết, nhà thầu tiếp tục thi công nốt phần còn lại của đường băng này.
Đến tháng 5/2021, đường băng 1B sẽ hoàn chỉnh và đơn vị thi công tiếp tục đóng đường 1A lại để sửa chữa trong 6 tháng. Như vậy, trong 2 dịp cao điểm hè năm 2020 và 2021, sân bay Nội Bài đều phải hoạt động trong tình trạng thiếu 1 đường băng.
Điều đáng lo hơn là tiến độ hoàn thành đường băng sẽ còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết và tần suất khai thác tại sân bay. Đơn vị thi công cho biết quá trình xây dựng các đường lăn sẽ bị chậm nếu thời tiết bất lợi và mật độ bay quá dày đặc.
Dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài gồm cải tạo, nâng cấp đường băng 11L/29R (1A) và đường băng 11R/29L (1B), xây mới 3 đường lăn thoát nhanh và nâng cấp các đường lăn hiện hữu, xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước...
Dự án có tổng mức đầu tư 2.031 tỷ đồng, được triển khai từ tháng 7/2020 và hoàn thành trước Tết nguyên đán 2022.
Dự án cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất gồm cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L và xây mới các đường lăn thoát nhanh, đường lăn song song và nâng cấp các đoạn đường lăn nối, công trình quản lý bay, đèn tín hiệu... Tổng mức đầu tư của dự án là 2.015 tỷ đồng, thời gian hoàn thành cùng lúc với dự án nâng cấp đường băng Nội Bài.