Chương trình diễn ra tại 15 cửa hàng trong chuỗi thời trang ở Hà Nội, kéo dài từ 14 đến 23/8. Sau khi lựa chọn sản phẩm ưng ý, khách sẽ tự định giá sản phẩm và gửi tin nhắn đến số của hệ thống cửa hàng, bao gồm họ tên, giá tiền và mã số sản phẩm. Sau khi cửa hàng nhận được tin nhắn, xác nhận thẻ học sinh, sinh viên hoặc chứng minh nhân dân, sẽ xác nhận thanh toán cho người mua.
Hiện tại, cửa hàng có hơn 50 mẫu sản phẩm nằm trong chương trình khuyến mại trên. Mỗi khách hàng chỉ được tham gia một lần cho một sản phẩm trong suốt chương trình. Số tiền định giá một món đồ được quy định không dưới 1.000 đồng.
Chương trình khuyến mại đặc biệt không lợi nhuận được một chuỗi cửa hàng ở Hà Nội áp dụng để tri ân khách hàng. Ảnh: Ngọc Lan. |
Theo chị Phương Huyền, quản lý cửa hàng ở Cầu Giấy, cửa hàng có hơn 50 mẫu sản phẩm được tung ra thị trường và chỉ bán trong chương trình khuyến mại lần này. Phần lớn là áo phông, sơ mi, quần sooc, chân váy… phù hợp mặc mùa hè và thu đông dành cho học sinh, sinh viên.
Sau một ngày diễn ra chương trình, mức giá khách trả thấp nhất là 1.000 đồng, cao nhất cũng chỉ 55.000 đồng. Trong đó, 2/3 khách trả giá sản phẩm dưới 10.000 đồng. Theo chủ cửa hàng, hơn 50 mẫu hàng trong chương trình khuyến mại này đều có giá bán trên thị trường dao động 150.000-170.000 đồng một chiếc.
Chị Trang Linh, chủ đầu tư cho biết, chỉ trong một ngày diễn ra chương trình khuyến mại đặc biệt, 15 cửa hàng ở Hà Nội đã bán được hơn 3.000 sản phẩm. Dự kiến tới ngày 23/8 sẽ bán hết khoảng 15.000 sản phẩm.
“Chương trình tri ân khách hàng trùng với thời điểm học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học lên Hà Nội chuẩn bị cho năm học mới. Khuyến mại của chúng tôi rất ý nghĩa và phù hợp với nhu cầu mua sắm cho năm học mới của các bạn trẻ, nhất là các sinh viên khó khăn", chị Linh cho hay.
Chỉ trong một ngày diễn ra chương trình khuyến mại, cửa hàng đã bán được 3.000 sản phẩm. Ảnh: Ngọc Lan. |
Chị Linh chia sẻ thêm, là người kinh doanh trong ngành may mặc, chị mong muốn khách hàng của mình có thể nhận biết chất lượng và định giá sản phẩm mình đang dùng. "Với giá khách hàng tự định trong chương trình, cửa hàng gần như cho không. Tuy nhiên, cách làm của chúng tôi tạo nên sự gần gũi giữa khách và cửa hàng. Qua đó, cũng giúp các bạn có hứng thú khi đi mua sắm", chủ chuỗi cửa hàng trên cho hay.
Đồng thời với chương trình khuyến mại trên, chuỗi cửa hàng còn tung chương trình khuyến mại giảm giá 20% cho các sản phẩm khác.
Lê Thị Nguyên, sinh viên Đại học Giao thông vận tải khá bất ngờ về chương trình khuyến mại trên. Cô cho biết: "Ban đầu mình nghi vấn đây là một hình thức khuyến mại trá hình để trừ tiền tin nhắn điện thoại. Tuy nhiên, sau khi trả giá chiếc áo thun 2.000 đồng và nhận được sản phẩm, mình mới tin chương trình có thật".
Theo chủ chuỗi cửa hàng thời trang trên, 2/3 khách hàng định giá sản phẩm dưới 10.000 đồng. Ảnh: Ngọc Lan. |
Trần Thanh Loan, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng 7 bạn học đã tới cửa hàng trên để tham gia chương trình. Khách hàng này cho biết, cả nhóm thống nhất trả 3.000 cho một sản phẩm và kêu gọi bạn bè tới mua. Theo Loan, các sản phẩm thuộc chương trình khuyến mại tự định giá có chất lượng ở mức trung bình, phù hợp với học sinh, sinh viên. Dù kiểu dáng đơn điệu, nhiều khách mua dễ đụng hàng, nhưng mức giá trên gần như cửa hàng đã cho không.
Theo chị Nguyễn Ngân Hà, chủ nhà hàng ăn (Cầu Giấy, Hà Nội), chương trình khuyến mại theo hình thức khách hàng tự định giá sản phẩm từng xuất hiện nhiều ở nước ngoài, song chưa từng thấy ở Việt Nam. Chị cho biết đã từng lên kế hoạch tương tự để áp dụng cho nhà hàng. Tuy nhiên, văn hoá mua sắm của người Việt Nam, phần lớn sẽ đưa ra mức giá thấp nhất có thể. Vì thế, muốn thực hiện, chủ hàng phải chịu đầu tư lớn.