Năng lượng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng chính sách phát triển bền vững ngành năng lượng nói riêng và an ninh năng lượng quốc gia nói chung. Đây cũng là yếu tố chủ chốt để Việt Nam phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2019-2025 và 8-10% trong giai đoạn 2019-2030.
Để đạt được mục tiêu này, ngoài hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm cho người dân, Nhà nước cần triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý kỹ thuật, tập trung vào những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm môi trường như giao thông vận tải, xây dựng…
Góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các cơ quan, tổ chức và người dân trong việc sử dụng năng lượng, Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu chương trình Phát triển kinh tế năng lượng, với các giải pháp hữu hiệu trong việc tiết kiệm điện năng. Tập mới nhất có chủ đề “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” vừa lên sóng vào ngày 14/11 trên VTV2.
Lắp pin mặt trời, sử dụng thiết bị thông minh… giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiết kiệm năng lượng. Ảnh cắt từ clip. |
Với chủ đề “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, tập phát sóng mang đến nhiều thông tin hữu ích. Hiện nay, khoảng 30% sản lượng điện cả nước được dành cho chiếu sáng (dân dụng, công cộng…). Nếu sử dụng công nghệ đèn LED để tiết kiệm một nửa số điện hiện dùng, Việt Nam có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân công suất khoảng 4.000 MW.
Hay với điều hòa nhiệt độ, Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu chiếc trên cả nước. Việc sử dụng điều hòa ở nhiệt độ thấp (18-22 độ C) có thể ảnh hưởng sức khỏe người dùng, đồng thời gây lãng phí tài nguyên năng lượng điện. Nếu sử dụng công nghệ mới, cả nước có thể tiết kiệm được khoảng 10% lượng điện.
Tiết kiệm năng lượng đồng nghĩa tối ưu tài chính, giảm được nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu lửa, than đá, khí ga tự nhiên... Việc hạn chế sử dụng các nhiên liệu này giúp giảm lượng khí CO2 - nguyên nhân chính khiến Trái đất nóng lên.
Chương trình “Phát triển kinh tế năng lượng” được phát sóng vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần trên VTV2. Với thời lượng khoảng 10 phút, chương trình góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cải thiện hành vi sử dụng điện năng của người lao động, cộng đồng dân cư, khách du lịch, học sinh - sinh viên…
Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS); Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV POWER), Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (PVTRANS-PAC).
Bình luận