Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khuyến khích mở các đường bay mới để thu hút khách du lịch quốc tế

Cùng với việc đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, lưu trú cho khách quốc tế, Thủ tướng khuyến khích hãng hàng không mở những đường bay mới kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Kết luận Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam sáng 21/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan sớm hoàn thiện và trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng về thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, cụ thể hóa Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.

Bởi theo người đứng đầu Chính phủ, trước đại dịch, du lịch Việt Nam cũng chưa có khả năng cạnh tranh cao, sau đại dịch lại chưa có đột phá do các nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Về định hướng, Thủ tướng lưu ý phát triển du lịch xanh, bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, lãnh đạo Chính phủ quán triệt cần cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền; chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực…

mo cac duong bay moi anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Cùng với việc rà soát, bổ sung các chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế, trong đó các vấn đề liên quan visa, thuế…, Thủ tướng lưu ý phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực du lịch.

Ông yêu cầu đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại, lưu trú cho khách du lịch quốc tế. Đặc biệt, tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới, trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng.

Ngoài ra, theo người đứng đầu Chính phủ, để du lịch thực sự là ngành mũi nhọn phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương; sự hợp tác, cạnh tranh bình đẳng và luôn làm mới chính mình của các doanh nghiệp.

"Tất cả cùng phải cố gắng, cùng tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, lợi thế đất nước, chung sức đồng lòng khôi phục và phát triển ngành du lịch hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.

Hơn 2 năm qua, du lịch Việt Nam là một ngành chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Năm 2020, lượng khách quốc tế giảm tới 80%, tổng thu từ khách du lịch giảm đến 59% so với cùng kỳ. Năm 2021, lượng khách quốc tế giảm gần 96%, nguồn doanh thu giảm sâu.

Từ tháng 3/2022, Việt Nam đã mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, đón khách quốc tế sớm hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 chưa được như kỳ vọng, mới đạt khoảng 42% so với kế hoạch đề ra.

Những cuốn sách hay về xã hội

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Thủ tướng: Vì sao du lịch mở cửa sớm nhưng lại ‘đi trước, về sau’?

Việt Nam có chủ trương mở cửa sớm sau đại dịch song theo Thủ tướng, còn nhiều vấn đề cần làm rõ khiến phục hồi du lịch “đi trước, về sau”.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm