Trong những ngày nghỉ Quốc khánh 2/9, đa số người dân chọn đi du lịch hoặc về quê thư giãn. Nhưng một nhóm nhân viên của Thái Hà Books vẫn quyết định ở lại Hà Nội, âm thầm làm những món quà sách để kịp gửi tặng cho các trường học nhân dịp khai giảng năm học mới.
Những gói quà từ sách dành tặng học sinh. Ảnh: Tuyết Minh. |
Món quà cho năm học mới
Theo đó, những món quà cho năm học mới được gói từ các bộ sách thiếu nhi như Ước mơ của bé, Tò mò kể chuyện văn hóa Việt, Bạn thân mến - Chúng mình làm bạn nhé, Tri thức khoa học, Theo chân người tí hon…
Còn những cuốn của tác giả Kazuo Inamori và những cuốn như Đại học đừng học đại, Khát vọng Việt, Kinh điển về khởi nghiệp… phù hợp làm quà cho sinh viên.
Khai giảng năm học mới luôn là dịp để nhiều cá nhân, tập thể thực hiện công tác khuyến đọc. Học sinh, sinh viên là đối tượng được quan tâm hàng đầu bởi các em là bạn đọc hiện tại lẫn tương lai của đất nước.
Trong những ngày nghỉ lễ này, Thái Hà Books - đơn vị phát động dự án "Khuyến đọc Việt Nam" từ hồi tháng 2 - cũng tận dụng cơ hội để triển khai một số chương trình truyền cảm hứng đọc, hướng dẫn cách đọc sách, bàn luận về việc ứng dụng sách vào công việc và cuộc sống.
Rõ ràng, khuyến đọc và khuyến học có liên quan mật thiết đến nhau. Khuyến học không thể thiếu khuyến đọc và ngược lại, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đang nhộn nhịp chuẩn bị cho khai giảng năm học mới.
Hình ảnh tại lễ khởi động dự án "Khuyến đọc Việt Nam" hồi tháng 2. Ảnh: Thu Huệ. |
Nỗ lực cho văn hóa đọc phát triển
Trên thế giới, triển lãm sách Petaling Jaya 2022 đang diễn ra. Nơi đây là cầu nối để giới thiệu nhiều sách hay, sách đẹp đến bạn đọc từ khắp vùng miền.
Mới đây, lãnh đạo Hiệp hội Xuất bản ASEAN cũng có cuộc thảo luận về hội nghị Hiệp hội Xuất bản Thế giới lần thứ 33 (sẽ diễn ra trong 2 ngày 10-11/11 tại Jakarta, Indonesia). Đây là lần đầu tiên hội nghị của ngành xuất bản thế giới được tổ chức tại một quốc gia ASEAN, đồng thời cũng là cơ hội vàng để thúc đẩy hơn nữa công tác khuyến đọc trong khu vực.
Trong những chuyến đi tới hội sách tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Cuba, Anh, Italy... giới xuất bản Việt Nam đã chứng kiến nhiều câu chuyện rất thật và ý nghĩa về khuyến đọc. Những bài học và trải nghiệm quý giá từ văn hóa đọc ở các nước cần được nghiên cứu, ứng dụng từng bước vào Việt Nam.
Ngay trong lúc này, đoàn công tác đến hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair cũng đã sẵn sàng chờ ngày lên đường. Sự kiện này sẽ diễn ra trong 5 ngày (19-23/10) với nhiều hội nghị, hội thảo quan trọng, đầy ắp thông tin quý giá. Đây cũng là dịp để mang hình ảnh văn hóa đọc và những nỗ lực khuyến đọc của Việt Nam ra thế giới.
Cũng trong những ngày này, Hội Xuất bản Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia (diễn ra vào tháng 10) và kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành xuất bản.
Ở Việt Nam cũng có nhiều tấm gương khuyến đọc. Họ không chỉ chăm đọc sách mà còn thường xuyên mua sách tặng, khuyến khích mọi lãnh đạo gương mẫu cùng đọc.
Bên cạnh đó còn có những cá nhân đứng lên lập ra không gian khuyến đọc. Có thể kể đến ông Bắc Cường - người lập ra “Không gian đọc”, thầy giáo Trần Thanh Hiệp - người sáng lập “Go Books”, bạn trẻ Cao Đức Thái lập ra “Sách và hành động”, bạn Hải Đăng điều hành Câu lạc bộ Yêu sách Thái Hà...
Văn hóa đọc đang len lỏi đến từng con phố, doanh nghiệp, trường học và từng ngôi nhà. Bằng những nỗ lực của giới xuất bản và người làm công tác khuyến đọc trong thời gian qua, văn hóa đọc của Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều đổi mới, được quan tâm đúng mức và thúc đẩy phát triển hơn nữa.