Trong nghiên cứu, nhóm chuyên gia Đại học Reading, Anh, phân tích 3 họ khủng long để tìm kiếm dấu vết về thời điểm tuyệt chủng.
Họ phát hiện rằng quá trình tuyệt chủng đã bắt đầu xảy ra trong một thời gian dài, khoảng 50 triệu năm trước khi thiên thạch Chicxulub rơi xuống trái đất. Sự suy giảm này có thể đã khiến chúng dễ bị "xoá sổ".
Theo CBC News, phát hiện trên trái ngược với các kết quả nghiên cứu trước đây. Nhiều chuyên gia cho rằng khủng long phát triển rất mạnh cho đến khi thiên thạch xuất hiện và chúng bắt đầu biến mất dần khoảng 5-10 triệu năm trước kỳ tuyệt diệt cuối cùng.
Va chạm thiên thạch từ lâu được cho là nguyên nhân khiến khủng long tuyệt chủng. Ảnh: Shutterstock |
"Va chạm thiên thạch từ lâu vẫn được coi là nguyên nhân hàng đầu khiến khủng long biến mất hoàn toàn. Nghiên cứu của chúng tôi sẽ thay đổi cách nhìn nhận của chúng ta về số phận của loài vật khổng lồ này. Thiên thạch có thể là nguyên nhân, nhưng có một lý do khác đã ngăn cản sự phát triển và tiến hoá loài mới khi loài cũ chết dần", người đứng đầu nhóm nghiên cứu Manabu Sakamoto cho biết.
Theo Manubu, khủng long đã suy giảm nhanh hơn khả năng chúng có thể thay thế về loài cũng như số lượng.
Nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt diệt của loài khủng long là một chủ đề gây tranh cãi. Nhiều ý kiến băn khoăn rằng liệu có phải thiên thạch đã đảo ngược số phận của khủng long, hay khủng long vẫn đấu tranh sinh tồn và tác động của vụ va chạm đã đẩy chúng đến bờ vực tuyệt chủng.
Thiên thạch Chicxulub được cho là rơi xuống bờ biển ở bán đảo Yucatan của Mexico, cách đây 66 triệu năm, gây cháy rừng trên diện rộng và chặn hết ánh sáng mặt trời, làm biến đổi khí hậu.