Khủng long lông vũ tí hon khai sinh loài chim
Các nhà khoa học tuyên bố, việc phát hiện một loài khủng long lông vũ mới sẽ làm thay đổi mãi mãi nhận thức của nhân loại về quá trình hình thành và phát triển của loài chim từ thời cổ đại.
Hóa thạch một loài sinh vật dài 30 cm sống ở kỷ Jura vừa được phát hiện, mở ra cái nhìn mới về tổ tiên loài chim. Trong một nghiên cứu đột phá, các chuyên gia tiết lộ cách thức loài khủng long có lông vũ có tên Eosinopteryx, xuất hiện rất lâu trước loài vật được coi là tổ tiên của chim.
Loài khủng long lông vũ mới được chứng minh tồn tại. |
Trước đây, các nhà khoa học tin rằng, loài chim là thành quả của sự biến đổi của loài khủng long mang tên Theropods ở thời kỳ kỷ Phấn Trắng sớm, cách đây chừng 120–130 triệu năm. Tuy nhiên, những khám phá tại Trung Quốc cho thấy tồn tại những loài khủng long lông vũ từ thời kỳ nửa cuối kỷ Jurassic. Nó làm lay động toàn bộ lý thuyết cũ, vốn được coi là chính xác từ rất lâu.
Hóa thạch được phát hiện ở vùng Đông Bắc Trung Quốc chỉ ra rằng, sở hữu cơ thể đầy lông vũ nhưng loài vật này không thể bay được vì sải cánh quá bé cũng như cấu trúc xương chưa tiến hóa hết khiến chúng gặp vô số khó khăn trong quá trình đập cánh. Chính vì vậy, loài khủng long này phát triển những ngón chân đặc biệt, phù hợp hơn với việc di chuyển trên mặt đất trong khi lông đuôi ít giúp chúng dễ dàng giữ thăng bằng khi chạy nhanh.
Con Archaeopteryx, hiện đang được công nhận là tổ tiên loài chim. |
Theo đó, loài Eosinopteryx tồn tại trên trái đất trong khoảng thời gian 145 triệu năm trước. Tiến sĩ Gareth Dyke, giảng viên cao cấp về cổ sinh vật học có xương sống tại Đại học Southampton, Anh và các đồng nghiệp đã đưa ra một báo cáo với những phát hiện thú vị, mang tính lịch sử. “Phát hiện của chúng tôi cho thấy, nguồn gốc những lần cất cánh đầu tiên phức tạp hơn so với những gì con người từng nghĩ”, tiến sĩ Dyke khẳng định.
Hồng Duy
Theo Infonet