Thêm tuổi thêm duyên tiếp cận các vấn đề rất thẳng thắn và đầy hài hước. Ảnh: Nhã Nam. |
Thêm tuổi thêm duyên của hai tác giả Caroline de Maigret và Sophie Mas là một cẩm nang sống dành cho phái đẹp, cụ thể hơn là những người phụ nữ đang loay hoay với các khủng hoảng của tuổi trung niên đầy biến động.
Buổi tọa đàm “Đối mặt với khủng hoảng tuổi trung niên” đã được tổ chức tại Hà Nội hôm 17/12.
Một tác phẩm đáng mong chờ
Đề tài về phong cách sống dành cho phái đẹp hay các vấn đề của tuổi trung niên không mới nhưng dưới ngòi bút của Caroline de Maigret cùng Sophie Mas - hai tác giả từng thành công với Sống như người Paris, Thêm tuổi thêm duyên - tiếp cận mọi vấn đề ở lứa tuổi này một cách sắc sảo, hài hước và gần gũi.
Cuốn sách là suy nghĩ, cảm nhận và lời khuyên của những phụ nữ hiểu biết trong hành trình già đi của mình. Cuốn sách cũng nêu lên các sự thật (fact) đầy bất ngờ, gần như người phụ nữ nào cũng từng trải qua nhưng lại chưa thực sự gọi tên được chúng.
Tham gia buổi tọa đàm có PGS.TS Trần Thu Hương, nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Tâm lý học, Đại Học KHXH&NV; dịch giả Đỗ Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Sách & Hội thảo, Viện Pháp tại Việt Nam và dịch giả Nguyễn Thục Anh - đang học thạc sĩ chuyên ngành TESOL (Giảng dạy tiếng Anh) tại Đại học Monash, Australia.
Như đã đề cập, Thêm tuổi thêm duyên là sự hợp tác tiếp theo của Caroline de Maigret cùng Sophie Mas sau Sống như người Paris. Nếu tác phẩm trước gợi mở bí mật của một cô nàng Paris - đầy đẹp đẽ, thơ mộng thì trong Thêm tuổi thêm duyên, độc giả được tiếp cận ở một góc độ khác. Đó là những trải nghiệm, khám phá tình yêu, cuộc sống khi phụ nữ bước vào tuổi trung niên.
Trong cuốn sách, hai tác giả đã hé lộ những điều “khó nghe” bằng một giọng văn thẳng thắn nhưng đầy lôi cuốn, gợi mở và hài hước. Điều này khiến độc giả dù không muốn vẫn giật mình nhận ra chính bản thân cũng từng ở trong tình huống đó.
“Theo tạp chí Vogue UK, Thêm tuổi thêm duyên là cuốn sách bạn sẽ đọc một mạch trong đêm và rồi mua tặng người bạn gái của mình.
Khủng hoảng tuổi trung niên có thực sự đáng sợ?
Đối với PGS.TS Trần Thu Hương, bà từng tham gia nhiều buổi tọa đàm về tâm lý thanh thiếu niên nhưng hiếm khi nào trải nghiệm trực tiếp một sự kiện nói về lứa tuổi của mình. Đây sẽ là cơ hội quý giá để bà có thể hiểu hơn về chính bản thân mình cũng như những người cùng trang lứa.
Theo chuyên gia tâm lý học, tuổi trung niên bắt đầu khi bước qua tuổi 40. Tuy nhiên trong thời đại hiện nay, giai đoạn này đến sớm hơn hẳn. Đó là lúc chúng ta cảm nhận được rõ ràng sự thay đổi về sức khỏe thể chất. Nhưng đáng sợ hơn, đó cũng là lúc sức khỏe tinh thần có thể gặp nhiều biến động sau những va vấp được tích lũy lâu dài từ lứa tuổi 25-30, 30-35.
Các vấn đề tích lũy từ các giai đoạn trước sẽ dồn dập phát sinh tại tuổi trung niên. Ảnh: Hopkinsmedicine. |
Trong một ngày, lứa tuổi trung niên có thể xuất hiện nhiều màu sắc cảm xúc khác nhau, diễn biến thất thường, lên xuống khó kiểm soát. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn bình thường và hầu hết mỗi chúng ta đều sẽ gặp phải. Đáng sợ là những trường hợp cảm xúc cứ “chạy đều”, không có sự lên xuống của độ tuổi. Bởi đó là khi con người ta có thể đang rơi vào tình trạng trơ lì cảm xúc, dễ dẫn đến trạng thái trầm cảm nếu duy trì trong một thời gian dài.
Khi được hỏi về những khó khăn ở tuổi trung niên, nỗi lo đầu tiên của dịch giả Đỗ Thị Minh Nguyệt chính là những buổi khám sức khỏe định kỳ, mà nhìn rộng hơn, đó chính là sức khỏe về thể chất.
Theo bà Minh Nguyệt, đó chỉ là đôi chút hồi hộp mà thôi. Điều khiến bà thực sự lo lắng đến từ những khó khăn trong tâm lý. Thời gian 24 giờ trong một ngày dường như không đủ để bản thân dịch giả nói riêng và các chị em phụ nữ nói chung có thể thực hiện hết những việc mình mong muốn một cách hoàn hảo nhất.
Từ đó, áp lực được sinh ra một cách vô hình mà không ai ngờ tới. Và từ áp lực, chúng ta sẽ phải đối mặt với hai lựa chọn khi tiếp cận vấn đề: Tích cực hay tiêu cực. Không ít trường hợp tự ép bản thân phải gồng mình lên để lo toan cho tất cả mọi vấn đề, giải quyết mọi khúc mắc mà vô tình quên đi chính mình, quên cả cách tự yêu bản thân.
Theo PGS.TS Trần Thu Hương, xét trên phương diện khoa học, nếu lúc nào chúng ta cũng u sầu về tuổi tác hay các suy nghĩ tiêu cực sẽ khiến giảm lượng hoóc môn tốt cho cơ thể, lượng collagen cũng sụt giảm đáng kể khiến cho “cái già” đến nhanh hơn.
Đối với những khó khăn trên, bà Thu Hương cho rằng giải pháp chỉ đúng với một vài người chứ không thể áp dụng cho toàn bộ. Mỗi người luôn cần một phương pháp riêng phù hợp với hoàn cảnh, tính cách của mình.
Đầu tiên, câu trả lời hoàn toàn có thể là các hoạt động giải trí hoặc rèn luyện, có thể là gym, yoga hoặc thiền. Đối với những người năng động hơn, họ hoàn toàn có thể đi phượt, trekking hay leo núi. Quan trọng với mỗi người là tìm được niềm vui, tìm được nơi để xả tiêu cực và nạp tích cực.
Quan trọng hơn, chúng ta phải học cách vị tha hơn, khoan dung hơn. Nhưng những điều này phải áp dụng trên chính mỗi người. Bởi chỉ có học cách yêu bản thân mình, chúng ta mới có thể yêu thương người khác đúng cách.
Và để yêu thương, hạnh phúc thực sự, một điều đặc biệt nữa mỗi người phải học là sự buông bỏ. Buông bỏ ở đây được hiểu theo nghĩa loại bỏ những điều khó chịu, tiêu cực, kéo lùi cảm xúc ra khỏi trí não, cuộc đời. Từ đó, dành thời gian chăm chút cảm xúc chính mình nhiều hơn để hiểu bản thân thực sự cần điều gì. Khi ấy, hạnh phúc thực sự sẽ đến.
Tóm lại cuốn sách là một cẩm nang giúp độc giả nhìn nhận một cách đúng đắn và tích cực về tuổi trung niên cũng như những biến động khó lường mà nó đem tới cho mỗi chúng ta.
Giống tiếng vang vọng trong một hang động, thái độ và cách tiếp cận khi có vấn đề xảy ra sẽ phản ánh phần nào cách hành xử cũng như kết quả mà mỗi người nhận được.