Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khủng hoảng ở CLB Quảng Ninh và giấc mơ hiệp hội cầu thủ Việt Nam

Việc CLB Quảng Ninh nợ lương và có thể không trả cho cầu thủ là bài học cho những người theo nghiệp quần đùi áo số tại Việt Nam về ý thức tự bảo vệ quyền lợi.

Xuất phát từ câu chuyện nhiều cầu thủ CLB Quảng Ninh mất phương hướng khi có nguy cơ không nhận được 70 tỷ đồng tiền nợ, câu hỏi “ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ Việt Nam" lại một lần nữa được đặt ra.

Sự việc ở Quảng Ninh cho thấy nhu cầu ra đời một tổ chức đại diện cho tiếng nói của cầu thủ, một tổ chức đủ quyền lực để bảo vệ họ là điều cần thiết với bóng đá Việt Nam.

clb quang ninh no luong anh 1

Nhiều cầu thủ CLB Quảng Ninh phải im lặng, chịu thiệt thòi khi đội bóng nợ lương trong gần 2 năm. Ảnh: Minh Chiến.

Giấc mơ về việc thành lập hội cầu thủ

Trả lời Zing, luật sư Nguyễn Đức Chánh, cũng là đại diện pháp lý cho một số cầu thủ, chia sẻ: “Các cầu thủ CLB Quảng Ninh có thể kiện đội bóng cũ và thậm chí là thắng kiện. Nhưng họ có lẽ sống quá tình cảm nên đến thời điểm, thì hệ lụy của vụ việc đã quá lớn. Nếu cầu thủ thắng kiện, CLB Quảng Ninh cũng chưa chắc còn khả năng thi hành án. Còn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) không có chức năng và cũng không có khả năng đi đòi nợ cho cầu thủ”.

Tương tự luật sư Chánh, nhiều người cũng tự đặt câu hỏi tại sao các cầu thủ ở CLB Quảng Ninh dễ dàng chấp nhận việc bị nợ lương lâu đến như vậy. Điều 14bis luật FIFA được cập nhật vào tháng 1/2021 quy định nếu CLB không trả lương đúng hạn trong vòng 2 tháng, cầu thủ có lý do chính đáng để chấm dứt hợp đồng.

Nhưng cầu thủ Quảng Ninh không làm vậy. Họ thậm chí có lẽ không biết về quy định này. Cộng thêm lối ứng xử duy tình vốn phổ biến ở bóng đá Việt Nam, họ trở thành người chịu thiệt.

Phần đông cầu thủ Việt Nam thường chọn cách thu mình lại, chấp nhận thiệt thòi trong những tranh chấp về mặt pháp lý. Điều này đến từ sự thiếu hụt kiến thức về pháp lý hoặc “chiêu thức” của các ông bầu đánh vào tâm lý cầu thủ. Thuyết phục có, hứa hẹn có, dọa nạt có, tất cả làm cầu thủ chấp nhận chờ đợi.

Nhưng khi rắc rối xảy ra, rất nhiều cầu thủ chẳng biết trông cậy vào ai. Họ không cho một tổ chức liên quan trực tiếp đủ mạnh, một đơn vị hỗ trợ về pháp lý hay tiếng nói.

Tình thế của cầu thủ Quảng Ninh sẽ dễ chịu hơn nhiều nếu Việt Nam có một hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp. Ở nhiều nền bóng đá, khi gặp thua thiệt, cầu thủ có thể nhờ đến sự che chở từ hiệp hội. Ví dụ tiêu biểu nhất là hiệp hội cầu thủ Anh (PFA) được thành lập từ năm 1907. Tiếng nói của PFA với các CLB và cả Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) đầy sức nặng, có thể làm thay đổi quyết định để đảm bảo quyền lợi cho cầu thủ.

Còn ở Việt Nam, cầu thủ chỉ biết trông chờ vào... truyền thông và dư luận để tìm kiếm sự chia sẻ, cảm thông. Năm 2017, trên trang cá nhân của mình, tiền vệ Lê Quốc Phương từng viết: “Nên có một hiệp hội bảo vệ cầu thủ. Bóng đá không chỉ là đam mê mà còn là kế sinh nhai. Nhiều cầu thủ Việt Nam có xuất thân vất vả. Giờ có chuyện xảy, cầu thủ luôn là người thiệt thòi nhất".

"Đến lúc có một cái sai chung, ai cũng được bảo vệ nhưng đâu ai đứng ra bảo vệ cầu thủ. Cùng lắm, chúng tôi chỉ biết trông chờ vào các nhà báo mình quen biết viết cho một vài bài báo. Nhưng rồi, mọi thứ cũng qua đi. Tôi rất mong những người có quyền lực có một cái nhìn khách quan và thực sự trân trọng chúng tôi, những người trực tiếp đá bóng trên sân”, tiền vệ của CLB Thanh Hóa chia sẻ.

Những gì cầu thủ sinh năm 1991 nói đang dần trở thành hiện thực ở sự việc của CLB Quảng Ninh. Tiền vệ Nguyễn Hải Huy dường như đã buông xuôi, một số cầu thủ khác tuyên bố sẽ kiện đội bóng nhưng bao giờ kiện thì... chưa rõ. Có cầu thủ khác thì đợi nếu đội vẫn tiếp tục đá V.League thì mới kiện.

clb quang ninh no luong anh 2

Sau cuộc tháo chạy của hàng loạt trụ cột, CLB Quảng Ninh giờ chỉ còn thủ môn Nguyễn Hoài Anh (áo xanh), Đào Duy Khánh và một số cầu thủ trẻ. Ảnh: Minh Chiến.

Tại sao hội cầu thủ chưa thể thành lập?

Nói với Zing, chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải thẳng thắn: “Chính tôi là người từng theo đuổi việc thành lập hội cầu thủ từ ngày còn công tác cho đến khi về hưu. Cho đến giờ, tôi vẫn còn nhớ những câu chuyện xưa. Tôi bắt đầu hoàn tất hồ sơ để thành lập hội cầu thủ tại thành phố Hà Nội từ năm 2007, nhưng đến năm 2014 thì chính thức bỏ. Tôi vẫn còn giữ hồ sơ, các giấy tờ và dữ liệu tham khảo từ nước ngoài”.

Theo tìm hiểu của Zing, hội cầu thủ muốn thành lập, cần phải có được sự đồng ý từ Bộ Nội vụ, sau đó cần sự đồng thuận từ phía ngành thể thao và cụ thể hơn là VFF. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dự định của ông Vũ Mạnh Hải chưa thể thành hiện thực.

Ông Hải thẳng thắn: “Hội cầu thủ cần phải đứng độc lập với liên đoàn bóng đá, đây là thông lệ quốc tế. Chúng ta không thể cứ mãi đóng cửa chơi với nhau. Khi những chuyện bất công như ở Quảng Ninh xảy ra, cầu thủ cũng không biết làm thế nào, không ai bênh vực họ”.

Trên thế giới, hiệp hội cầu thủ tạo sự cân bằng giữa người lao động là cầu thủ với đội bóng và liên đoàn bóng đá. Ở Anh, PFA bị xem là “cái gai” trong mắt FA và các đội bóng. Mới đây nhất, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các CLB ở Anh có ý định giảm lương cầu thủ từ 30-50% dù đã nhận được gói hỗ trợ trả lương nhân viên từ Chính phủ Anh.

Lập tức, PFA lên tiếng trên truyền thông và là đơn vị trực tiếp đàm phán với các cơ quan quản lý bóng đá cũng như phía CLB về quyền lợi của cầu thủ. PFA đảm bảo việc cầu thủ không phải nhận những quyết định bất lợi mang tính áp đặt từ phía CLB chủ quản. Còn việc sẻ chia với xã hội thế nào là chuyện cá nhân của mỗi cầu thủ.

Từ những sự việc này, cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải phân tích: “Có hội cầu thủ tốt cho liên đoàn và tốt cho mọi thứ. Giống như công nghệ VAR vậy, mọi thứ ngày càng phát triển thì phải có công nghệ để hỗ trợ tạo sự công bằng. Tương tự như vậy, hội cầu thủ cũng sẽ là công nghệ VAR trong những tranh cãi”.

Cầu thủ CLB Quảng Ninh phấn khởi trong ngày được trả 7 tháng lương Chiều 15/4, các cầu thủ Quảng Ninh tập luyện với tâm trạng thoải mái khi nhận đủ tiền lương của 7 tháng bị nợ.
clb quang ninh no luong anh 3

Hai cầu thủ HAGL bị nợ lương ở CLB Quảng Ninh

Thủ môn Huỳnh Tuấn Linh và hậu vệ Nguyễn Văn Việt đang tự hỏi liệu họ có thể đòi được khoản nợ 1 tỷ 760 triệu đồng từ CLB Quảng Ninh.

Cầu thủ chia tay CLB Quảng Ninh vẫn có thể kiện đội bóng

Một điều khoản trong biên bản thanh lý hợp đồng của Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh đang gây nhiều khó khăn cho các cầu thủ trong việc nỗ lực đòi lại quyền lợi.

Lâm Biên

Bạn có thể quan tâm