Cú giảm "kinh hoàng" của cổ phiếu Facebook khiến vốn hóa công ty này bay hơn 120 tỷ USD trong phiên giao dịch gần đây. Đây là mức giảm kỷ lục của cổ phiếu Facebook và cũng là mức giảm vốn hóa trong một phiên lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ.
Ngay khi thị trường chứng khoán New York mở cửa sáng 26/7 (đêm 26/7 giờ Việt Nam) giá cổ phiếu của Facebook lập tức giảm 18%. Nguồn: SIX. |
'Thảm họa chưa từng thấy'
Nhận định về cú giảm điểm của cổ phiếu Facebook vừa qua, các nhà phân tích của Barclays nói trên CNBC: “Chúng tôi chưa từng thấy thảm họa tương tự như thế này kể từ vụ LinkedIn đánh sập toàn bộ NASDAQ vào quý I/2016".
Barclay cho rằng lý do Facebook dự báo doanh thu giảm mạnh trong quý III và quý IV năm nay do 2 nguyên nhân. Một là, họ không muốn tạo ra kỳ vọng lớn trong khi sản phẩm của mình đang đại diện cho những vấn đề trong xã hội. Hai là, sản phẩm cốt lõi của Facebook đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mà họ đang phải cố gắng sửa chữa.
Tờ New York Times nhận định độ dốc của sự suy giảm cho thấy các nhà đầu tư đang đánh giá lại tính khả thi trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của Facebook - thu thập dữ liệu phong phú về người dùng để họ có thể nhắm mục tiêu tốt hơn bằng quảng cáo.
Báo cáo của Facebook cho thấy lượng người dùng hoạt động hàng ngày không đạt như kỳ vọng, và mạng xã hội này cũng dự đoán tăng trưởng doanh thu sẽ tiếp tục giảm tốc trong 2 quý còn lại của năm 2018.
Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy đạo luật bảo mật mới của châu Âu và bê bối bảo mật Cambridge Analytica đã thực sự có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Facebook, CNBC nhận định.
Trước đó, Facebook đã cảnh báo về việc chi phí gia tăng mạnh trong quý II, do phải tăng cường bảo mật. Tổng chi phí trong quý của hãng này tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, lên 7,4 tỷ USD. Lợi nhuận quý II của Facebook đạt 5,1 tỷ USD, tương đương với dự báo của giới phân tích trước đó.
Doanh thu của mạng xã hội này là 13,2 tỷ USD, tăng trưởng 42% trong quý II - mức tăng chậm nhất trong gần 3 năm. Do tác động của luật bảo mật mới, lượng người dùng hàng ngày của Facebook trong quý tại châu Âu giảm 3 triệu người. Trong khi đó, trên toàn cầu, lượng người dùng của Facebook tăng chậm quý thứ 6 liên tiếp, đạt 1,5 tỷ người.
Dù vậy, lượng người dùng hàng tháng của mạng xã hội này đã vượt hơn 2,5 tỷ người.
Động lực tăng trưởng mới không đủ lớn để xoay chiều
CNBC cũng dẫn lời các nhà phân tích tại J.P. Morgan rằng kết quả kinh doanh quý II và triển vọng của Facebook khá thất vọng, tuy nhiên có lẽ dùng từ ‘đáng ngạc nhiên’ thì chuẩn hơn. Không nhiều người dự đoán được cục diện này.
"Facebook đang phải đấu tranh với quy mô của mình và hàng loạt đạo luật mới, với tăng trưởng doanh thu nhìn chung giảm tốc trong 2 năm qua. Facebook gặp nhiều trở ngại liên quan tới chính sách và hành vi của người dùng. Chúng tôi cho rằng công ty này đang muốn hướng các kỳ vọng vào những mục tiêu nằm trong khả năng đạt được", các nhà phân tích của J.P. Morgan nói.
Số lượng người dùng Facebook tại thị trường Âu, Mỹ sụt giảm trong khi khu vực này đóng góp phần lớn doanh thu. |
Còn UBS hạ mức khuyến nghị cho cổ phiếu Facebook từ “Mua vào” xuống “Trung lập”.
"Trong ngắn hạn, các động lực tăng trưởng mới của Facebook (Instagram, Watch, Stories, Messenger/WhatsApp, VR) sẽ không đủ lớn để xoay chiều tăng trưởng đang giảm tốc và áp lực về lợi nhuận của mạng xã hội này”, các nhà phân tích của UBS cho biết.
Một vấn đề khác được quan ngại, theo Guardian, là tương lai tăng trưởng doanh thu của người khổng lồ công nghệ không đến từ sản phẩm cốt lõi - nền tảng Facebook, mà từ các sản phẩm khác, bao gồm ứng dụng nhắn tin và Instagram.
Nhật báo uy tín của Mỹ New York Times nhận định sau 2 năm tưởng chừng bất khả xâm phạm dù đối mặt một loạt bê bối liên quan đến thông tin dữ liệu, Facebook cuối cùng đã phải chịu tổn thất kinh tế, thể hiện qua báo cáo mới nhất.
Và việc sụt giảm giá trị thị trường của cổ phiếu Facebook chính là hồi chuông cảnh tỉnh về quyền riêng tư mà thị trường gửi tới Mark Zuckerberg.
Hình ảnh mạng xã hội lớn nhất này đã bị ố hoen kể từ sau cuộc khủng hoảng bắt đầu vào cuối 2016, với đầy rẫy nghi ngờ về những tin giả bị phát tán trên nền tảng. Sự việc càng trở nên trầm trọng hơn khi xuất hiện liên tiếp các cáo buộc về vai trò của công ty trong bảo mật dữ liệu người dùng, gây ảnh hưởng đến tính dân chủ, cam kết của Facebook trong việc tạo ra không gian web lành mạnh cho người dùng.
Mark Zuckerberg đã phải điều trần trước các nhà lập pháp của Mỹ, xin lỗi liên tục và hứa sẽ hành động một cách mạnh mẽ hơn.
Chính phủ nhiều nước cũng bắt đầu triển khai một loạt động thái thắt chặt quản lý với Facebook, buộc mạng xã hội này tuân thủ tốt hơn các quy định về bảo mật lẫn nghĩa vụ đóng góp thuế với các quốc gia mà nước này hoạt động.
Và cuối cùng thì những bê bối đã nhắm vào điểm có thể gây tổn thương với mạng xã hội này: mức tăng trưởng, Bloomberg nhận định.