Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính (CERN) Mỹ vừa cho biết hướng khắc phục hai lỗ hổng Meltdown và Spectre trên chip Intel hiện chỉ mang tính tạm thời. Để giải quyết triệt để vấn đề này chỉ có cách duy nhất là thay chip mới.
Hiện Intel và đối tác mới chỉ đưa ra giải pháp bịt lỗ hổng Meltdown và Spectre bằng phần mềm. Thế nhưng, miếng vá bảo mật này lại tiềm ẩn rủi ro, cụ thể là nguy cơ khiến hiệu suất hệ thống giảm tới 30%.
Miếng vá làm chậm máy
Hiệu năng máy tính Windows dùng chip Intel có thể giảm 30% nếu dùng bản vá lỗi. |
Theo phân tích của nhiều chuyên gia bảo mật độc lập, bản thân bản vá lỗi chip Intel có thể khiến hệ thống chạy chậm 5-30%, và điều này rất khó chấp nhận.
Hiện Microsoft đã phát hành bản vá lỗi cho máy tính Windows 10, đồng thời có kế hoạch cập nhật Windows 7 và Windows 8 trong thời gian sớm nhất.
Về phần Intel, hãng sẽ đưa ra hướng giải quyết cụ thể trong tuần tới. Tạm thời, giải pháp được tính đến là dùng phần mềm sửa lỗi.
Hầu hết mẫu chip Intel sản xuất trong vòng 20 năm qua đều dính lỗi Meltdown. Trong khi đó, Spectre xuất hiện trên cả chip Intel, AMD và ARM. Dải sản phẩm ảnh hưởng rất rộng, từ smartphone, máy tính bảng tới laptop, PC và máy chủ Internet.
Meltdown và Spectre cho phép tin tặc xâm nhập vào bộ nhớ hệ thống để đánh cắp dữ liệu nhạy cảm như mật khẩu, bản ghi dữ liệu, thông tin bí mật và các tệp tin quan trọng khác.
Trong thông báo gần nhất, Intel bác bỏ thông tin cho rằng vá lỗi chip sẽ làm giảm hiệu năng hệ thống. Tuy nhiên, khẳng định này không đủ sức thuyết phục giới chuyên gia.
Giải pháp đớn đau
Trong khi Intel khăng khăng sự cố mới nhất không ảnh hưởng gì nhiều, giới công nghệ lại chỉ ra điều ngược lại.
CERN Mỹ khẳng định rằng tất cả các giải pháp khắc phục bằng phần mềm hiện tại đều vô nghĩa. Nó chỉ giải quyết phần ngọn mà không loại trừ được phần gốc. Hướng giải quyết duy nhất, một lần và mãi mãi, là thay CPU mới.
Giải pháp này sẽ được các doanh nghiệp, công ty lớn và tổ chức chính phủ cân nhắc cho dù tốn kém. Rõ ràng, một hệ thống tiềm ẩn nguy cơ là điều khó chấp nhận với các tổ chức này.
Trong khi đó, người dùng cá nhân không có điều kiện sẽ phải chấp nhận dùng bản vá lỗi phần mềm. Tuy không triệt để nhưng cách thức này cũng hạn chế tối đa nguy cơ Meltdown và Spectre gây ra.
Intel bị cha đẻ Linux mắng nhiếc
Trong số tiếng nói chỉ trích Intel mạnh nhất phải kể đến Linus Torvalds, cha đẻ hệ điều hành Linux. Ông này lớn tiếng chê trách cách giải quyết vấn đề của Intel, đồng thời cho rằng Intel đang cố tình làm giảm tính nghiêm trọng của sự việc.
Linus Torvalds lớn tiếng chỉ trích cách giải quyết vấn đề của Intel. |
“Tôi nghĩ ai đó của Intel cần nghiêm túc nhìn nhận lại sự việc, dũng cảm thừa nhận họ đang gặp vấn đề thay vì đưa ra thông tin PR chung chung rằng mọi thứ vẫn ổn”, Torvalds viết trong e-mail gửi đối tác Linux ngày 4/1.
“Hay Intel có thể nói ‘chúng tôi cam kết bán cho bạn thứ vớ vẩn và không bao giờ sửa chữa bất cứ thứ gì’”, Torvalds tỏ ra gay gắt.
Là một trong số các nhà lập trình nổi tiếng nhất thế giới, Torvalds vẫn liên quan mật thiết tới phát triển Linux, hệ điều hành nguồn mở miễn phí được ông công bố năm 1991.
Linux được ứng dụng nhiều nhất cho máy chủ và siêu máy tính, mặc dù một số người vẫn dùng hệ điều hành này thay thế cho Windows hoặc macOS.
Hai lỗ hổng Meltdown và Spectre có trong vi xử lý Intel thường được dùng cho laptop chạy Windows. Ngoài ra, dòng chip Intel có vấn đề còn xuất hiện trên cả máy chủ Linux vận hành rất nhiều website và dịch vụ điện toán đám mây lớn hiện nay.
Intel nói rằng hãng đang làm việc với đối tác và đối thủ để khắc phục vấn đề. Spectre còn ảnh hưởng tới cả chip AMD và ARM nhưng khó bị khai thác hơn Meltdown, vốn chỉ có trên chip Intel.
Torvalds phụ trách nhân Linux nên ông hoàn toàn có quyền xử lý vấn đề. Torvalds không thích cách nói của Intel bởi Linux là nền tảng mở và ông không làm việc cho các công ty lớn như Google hay Microsoft, vốn là đối tác của Intel.
Nói một cách dễ hiểu, Torvalds không sợ mất lòng Intel, trong khi Google và Microsoft phải ăn nói nhỏ nhẹ. Ở thời điểm hiện tại, cả Google và Microsoft chưa đưa ra bình luận nào về sự cố này.
Dựa trên các phân tích ban đầu, nếu bản vá lỗi làm chip Intel chậm 30%, Torvalds cho rằng chip của ARM sẽ là giải pháp tốt hơn cho các nhà phát triển Linux.
Sếp Intel bán sạch cổ phiếu sau sự cố lỗi chip
CEO Intel, Brian Krzanich, đã kịp tẩu tán lượng lớn cổ phiếu trước khi scandal lỗi chip lộ ra ngoài. |
CEO Intel, Brian Krzanich, đã bán sạch 23 triệu USD cổ phiếu từ tháng 11/2017, nhiều tháng sau khi ông này được thông báo về vụ việc.
Sự cố lỗi chip Intel tuy mới được công khai ra dư luận nhưng Intel đã được Google thông báo từ tháng 6/2017.
Mặc dù đại diện Intel nói rằng động thái bán lượng lớn cổ phiếu của lãnh đạo nằm trong kế hoạch từ trước nhưng tờ tin Business Insider chỉ ra rằng kế hoạch này mới chỉ có từ cuối tháng 10/2017.
Và như vậy, có sự giấu giếm ở đây và đương nhiên hành động của Brian Krzanich không được đối tác đánh giá cao. Chắc chắn, CEO này đã lường trước tình thế hiểm nghèo và có động thái “chạy làng” trước khi cổ phiếu Intel rớt thảm.