Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Khúc mắc xung quanh kênh A41 ở TP.HCM

Người dân cho rằng chủ đầu tư dự án kênh A41 bất cập trong thiết kế xây dựng và ảnh hưởng chủ quyền nhà họ, trong đó có người quá bức xúc đã xuống cống để tự kiểm tra.

tranh cai quanh dong kenh A41 anh 1

“Cách đây hơn 2 tuần tôi đã xuống dưới cống để tận mắt chứng kiến và chỉ ra cho chủ đầu tư thấy đường uốn cong của công trình chồng vào phần đất nhà tôi”, bà Lê Thị Sửa (56 tuổi, số nhà 124/1 đường Cộng Hòa, phường 4, quận Tân Bình) thuật lại với Zing.

Nhà bà Sửa là một trong 142 trường hợp phải giải tỏa liên quan dự án cải tạo kênh A41, gồm 135 hộ dân và 7 tổ chức. Trong đó, các chủ nhà nhiều lần gửi đơn khiếu nại vì không chấp nhận phương án của chủ đầu tư, khiến dự án dai dẳng chưa thể triển khai.

Theo ông Trương Tấn Sơn, Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình, thời gian qua dự án phát sinh 20 đơn thư cá nhân và tập thể mang tính chất phản ánh, kiến nghị. UBND quận Tân Bình đã gặp, làm việc với 13 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

“Qua tiếp xúc, người dân có những phản ánh chung về lộ giới, vỉa hè, giá đền bù. Ngoài ra, một số kiến nghị xem xét nguồn gốc sử dụng đất, đề nghị đo đạc lại thông số nhà cửa và dự án, đề nghị hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở mới…”, ông Trương Tấn Sơn nói.

Tim kênh "né" doanh nghiệp?

Trong dự án cải tạo kênh A41 (đoạn từ đường Phan Thúc Duyện đến đường Cộng Hòa, quận Tân Bình), chủ đầu tư sẽ lấp các đoạn mương lộ thiên để lắp đặt cống hộp dưới lòng đất và xây đường giao thông ở trên. Nhà bà Lê Thị Sửa nằm gần cuối đoạn kênh.

tranh cai quanh dong kenh A41 anh 2

Cống hộp hiện hữu dưới mặt đường thuộc kênh A41. Toàn bộ phần lộ thiên hiện tại sẽ được thay bằng cống hộp và san lấp bên trên để mở đường giao thông, giảm kẹt xe khu sân bay. Ảnh: Ý Linh.

Những tranh cãi của người dân và chính quyền quận Tân Bình kiêm chủ đầu tư bắt nguồn từ việc quy hoạch dự án. Hình ảnh bản quy hoạch của dự án thể hiện tim dòng kênh bị thay đổi, khiến nhiều phần đất, nhà cửa của người dân và doanh nghiệp sẽ bị giải tỏa.

Công ty In tài chính (Bộ Tài chính) nằm sau nhà bà Sửa, cách nhau một dòng mương thoát nước 32-35 m. Năm 2004, công ty này đề nghị được làm chủ đầu tư lắp đặt đoạn cống hộp cạnh nhà số 132 đường Cộng Hòa thay cho mương, đã được Sở Giao thông cho phép. Năm 2005, việc thi công được các hộ dân xung quanh đồng ý, trong đó có nhà bà Sửa.

Tuy nhiên, tháng 6/2007, bà Lê Thị Sửa gửi đơn khiếu nại đến UBND quận Tân Bình, UBND TP.HCM, Sở Xây dựng.

tranh cai quanh dong kenh A41 anh 3

Bà Lê Thị Sửa xuống lòng cống hộp hôm 20/6. Ảnh: NVCC.

Theo đơn này, bà Sửa khiếu nại Công ty In tài chính xây tòa nhà 7 tầng sát mép kênh, xâm phạm lộ giới kênh thoát nước sân bay, lấn chiếm hành lang kênh gần 8 m từ tim kênh.

Khi dự án cải tạo kênh A41 được phê duyệt vào năm 2016, bà Sửa tiếp tục khiếu nại vì việc nắn chỉnh tim kênh khiến nhà bà bị ảnh hưởng nhiều.

Đến ngày 20/6, sau khi bà Sửa xuống cống hộp để tham gia đo đạc cùng đoàn cơ quan chức năng quận, thì thêm dữ liệu về việc đặt cống chưa đúng vị trí.

“Cống do công ty in đặt đã lệch về phía đất nhà tôi, khiến nhà tôi bị đẩy sát ranh hành lang kênh. Theo quy hoạch, việc nắn chỉnh tim kênh đã ‘né’ công ty, nhà tôi sẽ bị cắt đi 8 m, mất nửa căn nhà hiện tại. Đồng thời, giá bồi thường do chủ đầu tư đưa ra chưa thỏa đáng. Do đó, tôi khiếu nại”, bà Sửa cho biết.

Xác định vỉa hè, đường đi và giá bồi thường

Đi cùng dự án cải tạo kênh A41 là công trình lấp mương làm đường giao thông. UBND quận Tân Bình xác định tuyến đường với mặt cắt ngang 20 m (gồm 12 m lòng đường và 2 vỉa hè mỗi bên 4 m). Kèm theo đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm cây xanh, hệ thống chiếu sáng, nước thải, hào kỹ thuật.

Mục tiêu của công trình trên được UBND quận xác định là giải quyết ùn tắc giao thông, tiêu thoát nước cho sân bay và cải tạo cảnh quan môi trường cho khu vực. Trong quá trình tổ chức đối thoại lấy ý kiến người dân, các hộ hoàn toàn ủng hộ chủ trương của quận.

Tuy nhiên, nhiều nhà dân nằm trong quy hoạch đường cho rằng kích thước này sai với Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam (TCXDVN) 104-2007 do Bộ Xây dựng ký và ban hành ngày 30/5/2007. Khúc mắc ở đây là về quy hoạch ảnh hưởng nhà cửa và giá bồi thường đất đai.

“Khu đường như Đồ Sơn, Giải Phóng, Ba Vì… vốn là đường nội bộ, có 3-4 ngã ba, ngã tư. Nếu bây giờ xây đường mới thì nhiều nhà dân ở mấy chục năm phải phá dỡ, chưa kể bị cắt đất với giá bồi thường thấp hơn”, chị Mai Hoa (chủ ngôi nhà nằm ở điểm đầu tiên của dự án cải tạo kênh, đường Đồ Sơn giao Phan Thúc Duyện) nêu quan điểm.

Trao đổi với Zing, chị Mai Hoa cho biết gia đình sẵn sàng phá dỡ một phần nhà, nếu chủ đầu tư “linh động” giảm vỉa hè còn 3 m ở đoạn nhà chị này, vì chỉ thêm 1 m nữa thì ngôi nhà phải bị phá phần cột trụ quan trọng khiến thay đổi kết cấu, có nguy cơ đổ sụp. Phần giá bồi thường thấp hơn, chị có khả năng cao chấp nhận.

tranh cai quanh dong kenh A41 anh 6

Một ngôi nhà trên đường Ba Vì (phường 4, quận Tân Bình) sẽ bị cắt 2/3, đến vị trí người đàn ông đứng. Dãy nhà dọc đó (nơi dòng kênh chạy song song) cũng bị cắt đất để làm đường giao thông. Ảnh: Ý Linh.

Tỷ lệ đồng thuận cao, dự án có thể được triển khai

Tại buổi họp báo của thành phố về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình Trương Tấn Sơn, kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của quận, đã phản hồi về các khúc mắc trên với báo chí và người dân.

Ông Sơn cho biết về đơn giá bồi thường đã thực hiện theo đúng quy định pháp luật về quy trình. Cơ quan chức năng đã giải thích rõ cho từng hộ dân tính pháp lý để đưa ra giá đền bù như thế nào. Đồng thời, về quy hoạch công trình (hướng tuyến, tim kênh), tổ công tác đã và sẽ liên hệ tại nhà người dân để kiểm tra, giải thích cho chủ sở hữu nắm rõ.

“Bà con nói giá bồi thường không đúng quy định, nhưng thực sự để ra con số đó là công thức tính từ giá đất nhân hệ số K và diện tích nhà. Năm 2014, thành phố ban hành quyết định 51 về giá đất các năm 2015-2019 và sau này là quyết định số 02 cho các năm 2020-2024. Hệ số điều chỉnh K cũng theo quy định của UBND TP.HCM. Hệ số K này đã được thành phố thẩm định và thông qua. Vì thế, chúng tôi thực hiện đúng theo quy định”, ông Sơn trình bày.

Tháng 4, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của quận đã niêm yết chính sách bồi thường. Đến 30/6, có 114/142 trường hợp đồng thuận phương án bồi thường, chiếm tỷ lệ 80,8%, trong đó quận đã chi trả cho 84 trường hợp.

“UBND quận Tân Bình nhận thấy các cơ quan đã thực hiện đúng quy định, chủ trương trong đầu tư dự án. Và với tỷ lệ người dân đồng thuận cao, dự án này có cao độ được thực hiện”, Phó chủ tịch UBND quận Trương Tấn Sơn khẳng định.

Hiện quận tiếp tục chi trả cho các hộ đã chấp nhận phương án bồi thường giải tỏa mặt bằng. Đối với các trường hợp còn khúc mắc, UBND quận Tân Bình nhận thấy một số nội dung của người dân kiến nghị có thể xem xét và giải quyết theo thẩm quyền. Những nội dung không thuộc thẩm quyền của quận cũng được ghi nhận và đưa ra làm việc với các sở, ngành liên quan để hạn chế những thiệt thòi của người dân.

Mưa là ngập khu vực Tân Sơn Nhất vì kênh A41 mãi chưa cải tạo xong

Dự án kênh A41 là một trong 3 lối thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng gặp nhiều vướng mắc suốt 6 năm qua.

Ý Linh

Bạn có thể quan tâm