Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Khúc hoan ca của 'người Hòa Bình' vượt giông bão 35 năm

Những người làm việc ở Tập đoàn Hòa Bình thường nhận mình là “người Hòa Bình”, coi công ty là nhà và hết mình vì mục tiêu góp phần thay đổi diện mạo đất nước.

Tap doan Hoa Binh,  cong ty xay dung anh 1

Chừng 1-2 thập kỷ trước, trong làng xây dựng, Hòa Bình nổi lên là doanh nghiệp nhà thầu uy tín, cạnh tranh với các “ông lớn” của ngành. Hòa Bình tăng tốc nhanh, ghi dấu ấn với các công trình tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Năm 2018, doanh nghiệp này đạt kỷ lục 75 triệu giờ công an toàn, đón nhận nhiều giải thưởng chất lượng trong và ngoài nước. Nhiều người ngạc nhiên khi biết thương hiệu Hòa Bình xuất thân từ một doanh nghiệp gia đình.

Lần đổ bê tông đặc biệt trong ký ức kỹ sư

Ngược thời gian về thế kỷ trước, thời điểm những năm sau đổi mới, đất nước còn khó khăn, một nhóm gồm 5 anh em kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư trẻ đã tập hợp lập ra văn phòng xây dựng mang tên Hòa Bình tại TP.HCM (năm 1987).

"Văn phòng… nhiều không", nhớ về những tháng ngày thô sơ thiếu thốn đó, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải - thành viên sáng lập Hòa Bình - hay đùa như vậy. Đó là căn nhà nhỏ trên con đường nhỏ. “Không nhà máy, không phương tiện vận tải, không phương tiện thi công, không kinh nghiệm kinh doanh, không hệ thống quản lý, không công nghệ, không người hướng dẫn, không người đỡ đầu, không uy tín thương hiệu, không có nhiều tiền, không nhà tài trợ, song chúng tôi lại có khát vọng đổi mới đất nước, làm giàu cho bản thân và gia đình. Chúng tôi có đam mê làm nghề xây dựng, nhiệt huyết của tuổi trẻ và truyền thống gia đình”, ông Hải trải lòng.

Tap doan Hoa Binh,  cong ty xay dung anh 2

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình - trong những ngày đầu xây dựng công ty.

Là người đồng hành bền bỉ, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Sấm có thâm niên gần 20 năm gắn bó với Hòa Bình từng kể về một sự kiện, cũng là kỷ niệm rưng rưng của đời anh: Lần đổ bê tông bằng chiếc máy trộn tại chỗ đầu tiên.

Năm 1990, anh Sấm mới ra trường, được tham gia công trình xây dựng tòa nhà của Nhà hàng Food Center (393 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM). Chủ đầu tư là công ty nước ngoài liên doanh đầu tư với Việt Nam, xây dựng một nhà hàng ẩm thực Hoa - Việt lớn.

Đó cũng là công trình ở nấc thang mới, huy động những kỹ sư, chỉ huy giỏi nhất của Hòa Bình. Trước giờ G, chỉ huy trưởng, chỉ huy phó tất bật kiểm tra công tác về coffa, sắt… Các kiến trúc sư, kỹ sư giám sát cùng nhiều anh em khác cùng chuẩn bị sẵn sàng cho lần đổ bê tông lớn nhất thời bấy giờ của Hòa Bình.

Không chỉ vậy, các anh em kỹ sư ở công trình khác cũng tập hợp về dự án để hỗ trợ lần đổ bê tông thú vị này. Anh Sấm đang thi công từ Nhà máy dệt Thắng Lợi cũng chạy đến 393 Trần Hưng Đạo hỗ trợ trong sự tự hào xen lẫn háo hức.

Tap doan Hoa Binh,  cong ty xay dung anh 3

Sự đoàn kết, chung tay tạo nên sức mạnh cho Tập đoàn Hòa Bình.

Thời điểm đó, Hòa Bình vừa mạnh dạn đầu tư mua máy trộn bê tông, trộn được tối đa hai bao xi măng. Nhìn những đống cát vàng ươm đứng cạnh đống đá một hai màu xanh xám cùng hàng trăm bao xi măng Hà Tiên đang nằm chờ lệnh, mọi người đều chung tâm trạng hồi hộp.

Chiếc máy trộn bê tông trở thành trung tâm của mọi sự chú ý, nằm chễm chệ hiên ngang. Để hoàn thành sàn bê tông đầu tiên của tầng trệt rộng mênh mông lúc ấy, các công nhân và kỹ sư phải mất hai ngày hai đêm thay nhau làm liên tục trong một thời gian kỷ lục.

Anh Sấm xúc động như sống lại thời khắc ấy: "Công nhân đến từ nhiều miền của đất nước, mặc đủ sắc màu quần áo, thoăn thoắt chuyền từng xô bê tông từ lúc bắt đầu đến kết thúc".

Đầm dùi thuở ấy chưa có, công nhân lấy búa gõ thành và sử dụng cây sắt to để dùi bê tông xuống. Chịu khó, cần mẫn, từng người áo ướt đẫm mồ hôi động viên nhau cố gắng.

So với ống sắt dẫn bê tông ngày nay, hình ảnh dây chuyền người cùng nhau làm việc khá thủ công, thô sơ, nhưng đã theo anh Sấm nhiều năm tháng. Mọi thứ như một ký ức đặc biệt, trở thành biểu tượng cho sự nỗ lực, không ngại khó, luôn giúp đỡ đoàn kết, sẵn sàng vươn lên của người Hòa Bình.

Mỗi khi ôn lại kỷ niệm, anh Sấm hay nói với lớp lớp đồng nghiệp: “Gắn bó với nhau từ trong gian khó, tình bạn chúng tôi cũng tròn theo tuổi của Hòa Bình. Mỗi công trình dựng xây đều mang lại bài học kinh nghiệm vô giá. Những con người đã, đang gắn bó cùng Hòa Bình như những viên gạch nhỏ màu đất nung từ đất mẹ quý giá, làm nên tòa nhà Hòa Bình”.

Sự gắn bó kéo dài nửa đời người

Hơn 1/3 thế kỷ đã qua, khoa học công nghệ thay đổi sâu sắc xã hội và đời sống con người. Người thợ xây Hòa Bình hôm nay mỗi ngày thêm hiện đại, chuyên nghiệp. Máy móc có mặt trong nhiều công đoạn, sức người được giải phóng để tập trung chuyên sâu cho chất lượng.

Hòa Bình thực hiện những dự án quy mô lớn, tầng tầng lớp lớp phần việc chi tiết và phức tạp. Công trình càng khó, càng thách thức những khối óc và thúc đẩy người Hòa Bình tiến về phía trước. Mỗi lần vượt cột mốc đặt ra, “những anh bạn đồng hành” lại siết chặt tay nhau, bồi thêm quyết tâm chinh phục chân trời mới.

Rất nhiều người gắn bó với Hòa Bình đến nửa đời người. Bước vào khi là cô cậu công nhân, kỹ sư trẻ măng, nay tóc hai màu sương gió. Nhiều người chia sẻ họ không thể chuyển sang nơi làm việc khác do quyến luyến môi trường nhân ái, tử tế.

Có mặt trong đại gia đình Hòa Bình từ năm 1990, ông Nguyễn Văn Tịnh - Chánh văn phòng HĐQT - chia sẻ: “Năm 1990, công ty còn rất nhỏ với quy mô gia đình, đúng hơn là một ông thầu tư. Vậy mà, bao nhiêu tiền lời (và vốn) được đầu tư để lo cho đời sống của công nhân, anh em kỹ sư, kiến trúc sư. Đặc biệt, công ty chú trọng sắm máy vi tính để anh em làm việc. Tôi nhớ hồi đó máy vi tính giá rất cao, có thể bằng cả một gia tài. Nếu đem mua nhà mua đất, có lẽ Hòa Bình bây giờ đã có quỹ đất mênh mông...”.

Tap doan Hoa Binh,  cong ty xay dung anh 4

Những cán bộ công nhân viên Hòa Bình thời kỳ đầu.

Ở một câu chuyện khác, ông Tịnh nhớ rõ những năm của thập niên 90, đời sống công nhân và kỹ sư đều rất nghèo. 100% công nhân đều đi làm bằng xe đạp. Cũng có kỹ sư, kiến trúc sư đi làm bằng xe đạp hay xe gắn máy cũ kỹ, rẻ tiền.

Trong cuộc họp giao ban hàng tuần năm 1997-1998, ông Lê Viết Hưng - lãnh đạo công ty - nói: “Mục tiêu của chúng ta là 100% công nhân có xe máy đi làm”. Và sau đó, mục tiêu trở thành hiện thực.

Suốt chiều dài 35 năm, có những cơn bĩ cực của thời cuộc, của ngành “làm nhàu” trán người đứng đầu, nhưng công ty vẫn cố gắng không giảm hay nợ lương. “Kỳ tích” chỉ chậm lương đúng hai lần trong suốt 35 năm qua, phía sau là cả câu chuyện dài trăn trở. Ngay sau hai lần đó, lãnh đạo công ty đều giải thích, xin lỗi, mong được anh em thấu hiểu chia sẻ.

“Phụ nữ làm gì trong công ty xây dựng?”

Rất nhiều chị em nữ ở Hòa Bình khi ra ngoài nhận được câu hỏi: “Phụ nữ làm gì trong công ty xây dựng?”. Họ nhận thấy sự ngưỡng mộ của người đối diện ngay trong câu hỏi thú vị ấy.

Chị Cao Thị Diễm Châu - Trưởng phòng Quản trị nguồn nhân lực - thường cười giòn khi nhắc đến những tháng ngày là bóng hồng duy nhất ở công trường toàn bê tông xi măng, sắt thép.

Tap doan Hoa Binh,  cong ty xay dung anh 5

"Ngôi nhà Hòa Bình" của hàng nghìn cán bộ công nhân viên.

Thời ấy, chị Châu xung phong đảm nhận vị trí thư ký công trường, kế toán công trường kiêm kế toán kho và làm luôn việc lập bảng thanh toán cho thầu phụ.

"Tôi xin tham gia trực đêm đổ bê tông cùng các anh. Sau những ngày làm việc mệt nhọc, tôi được đi team building, sống những tháng ngày như ‘dân công trường’ thứ thiệt. Vì tôi là đứa em gái duy nhất nên luôn được các anh lớn ở công trường yêu thương, quan tâm như em nhỏ trong gia đình. Hạnh phúc nhất là được đội nón bảo hộ của kỹ sư công trường, trên nền nón trắng có logo Hòa Bình màu trời xanh biếc. Trông tôi lúc ấy thật là oách”, chị Châu nhớ lại.

Chị Nguyễn Thị Hoa - Trưởng phòng Đấu thầu miền Bắc - cũng chia sẻ rằng thường nhận sự cảm thông cùng thắc mắc: "Phụ nữ mà làm trong ngành xây dựng liệu có cực, khô khan quá không?".

"Những lúc ấy, tôi chỉ mỉm cười và lắc đầu nhẹ. Trong công ty xây dựng đa phần là nam giới. Phụ nữ có thể không trực tiếp ra ‘chiến trường’ thi công, nhưng có thể đóng vai trò quan trọng trong các phòng ban hậu cần chủ chốt. Phụ nữ là phe yếu, không ai phủ nhận điều đó. Cũng có lúc tôi gặp khó khăn trong công việc. Những lúc như thế, tôi lại nhớ đến quãng thời gian 10 năm gắn bó với Hòa Bình, nhớ mình là một người Hòa Bình, cần cố gắng, nỗ lực ra sao. Cứ thế, tôi lại mỉm cười vượt qua chông gai, thử thách”, chị chia sẻ.

Tap doan Hoa Binh,  cong ty xay dung anh 6

Giá trị doanh nghiệp tạo nên từ sự đồng lòng, vì mục tiêu chung.

Cùng với niềm tin là tình yêu, khát vọng

Hòa Bình đến nay tiếp tục phát triển dù trải qua thăng trầm của các cơn địa chấn kinh tế, dịch dã. Hôm nay, mỗi ngày vẫn có khoảng 20.000 nhân viên, công nhân làm việc với cả trăm công trình cùng lúc sáng đèn trải dài khắp đất nước. Người Hòa Bình đều mong muốn đem bản lĩnh, kỷ cương, niềm tin và tình yêu nghề góp sức lớn trong công cuộc thay đổi diện mạo đất nước, hiện đại hóa bộ mặt đô thị.

35 năm, nếu so với cuộc đời thì tuổi 35 là độ sung sức, trưởng thành, chững chạc. Từng bước chắc chắn, Hòa Bình đánh dấu mình ở những công trình lớn để được tiếp thêm niềm tin vào tương lai.

Tap doan Hoa Binh,  cong ty xay dung anh 7

Những lãnh đạo nòng cốt của Tập đoàn Hòa Bình ngày nay.

Người Hòa Bình bây giờ không chỉ xây những “ngôi nhà cao cao mãi” trên dải đất Việt Nam, mà còn ra nước ngoài làm chuyên gia quản lý dự án và hướng đến mục tiêu làm nhà thầu đẳng cấp quốc tế.

Hòa Bình được xếp hạng là nhà thầu uy tín nhất Việt Nam theo đánh giá của Vietnam Report, doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất ngành xây dựng và kiến trúc, nhà thầu duy nhất vào top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam… Thành tích là kết quả của hành trình “những ông bạn đồng hành” vượt giông bão suốt 35 năm. Tử tế - tiên phong - kỷ cương - kiên cường là những phẩm chất người Hòa Bình không ngừng vun đắp hệ giá trị của mình để tiếp tục hướng về phía trước.

Giang Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm