Những ngày này có hàng trăm xe tải từ khắp các nơi đổ về huyện Văn Giang (Hưng Yên), vùng trồng nhiều cây cảnh phục vụ Tết, để nhập hàng. Khá nhiều lao động cũng đổ xô về đây kiếm tiền bằng việc đào cây, vận chuyển từ vườn lên xe. Các nhóm thợ này phần nhiều đến từ Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc… và làm việc trong khoảng nửa tháng giáp Tết.
Anh Nguyễn Bình, chủ một vườn quất cảnh tại huyện Văn Giang, cho biết năm nay anh bán ra thị trường khoảng 2.000 gốc quất cảnh. Để đưa được số lượng lớn quất này khỏi vườn, vận chuyển lên các xe tải của thương lái, anh thuê 6 người thợ, trong đó có 4 người nam quê Hòa Bình, còn lại là 2 lao động nữ tại xã bên cạnh.
Những người thợ đào quất cảnh ở Văn Giang thường được trả công 300.000-400.000 đồng/ngày và được bao ăn, ở. Ảnh: Hiếu Công. |
Lao động nam sẽ làm nhiệm vụ đào, đánh quất cảnh rồi vận chuyển lên xe, lao động nữ làm những việc nhẹ hơn như dùng nilon bó tán cây và dùng vải bạt bó lại bầu đất. Nhà nào trồng ít thì thuê 2-3 người. Nhà nào trồng nhiều cần đến 5-10 người làm mới kịp bán Tết.
Anh Bình cho biết trước Tết hơn tháng anh phải nhờ người quen thuê 4 người thợ từ Hòa Bình xuống và bắt đầu làm từ Rằm tháng Chạp. Lương trung bình mỗi lao động là 300.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra chủ vườn sẽ hỗ trợ chi phí ăn uống cả ngày và chỗ ngủ. Với nữ giới, tiền lương thấp hơn với giá khoảng 250.000 đồng/người/ngày.
“Bắt đầu từ Rằm tháng Chạp, lái buôn sẽ về mua quất. Càng cận Tết thì cường độ làm việc càng lớn vì xe đến nhập hàng nhiều”, anh Bình chia sẻ.
Nhu cầu đào và vận chuyển cây ở Văn Giang rất lớn vì đây là vựa quất kiểng cung ứng cho thị trường Tết. Ảnh: Hiếu Công. |
Chủ một vườn khác là chị Hoàng Minh tại xã Mễ Sở, cho biết việc thuê lao động đào quất ngay tại địa phương rất khó, hầu hết chủ vườn phải thuê thợ rất sớm và từ nơi khác đến. Chị cũng ước tính tại xã dịp Tết này đang có hàng trăm người ở các vùng khác đổ về làm việc đào cây cảnh thuê. Lực lượng này đóng góp rất lớn việc vận chuyển một khối lượng khổng lồ quất cảnh, bưởi cảnh, cam cảnh đi tiêu thụ.
Anh Đỗ Hải (33 tuổi) quê tại Lạc Sơn, Hòa Bình, cho biết mình cùng vài người bạn cùng xóm thông qua một người quen xuống Hưng Yên đào thuê quất từ ngày 14 tháng Chạp. Anh làm nông nên giáp Tết, nhân lúc nhàn rỗi thường đi làm thêm việc thời vụ này để tăng thu nhập.
Cũng theo anh Hải, nhiều người cùng xóm anh đã làm công việc đào, vác cây kiểng vài mùa Tết liên tục. Với khoảng 15 ngày làm việc, anh có thể kiếm được 5 triệu đồng tiêu Tết. Ngoài ra, các chủ vườn có thể thưởng thêm nếu cây cảnh tiêu thụ tốt. Anh Hải tính khoảng sáng 30 Tết mới được về quê.
Quất cảnh được vận chuyển lên xe mang đi tiêu thụ. Ảnh: Hiếu Công. |
Thông thường một xe tải chở khoảng 50 cây quất thì nhóm 5-6 người thợ sẽ làm xong trong 1 giờ. Nhóm thợ phối hợp với nhau khá nhanh, người thì đào bình, người cuộn tán bằng nilon, người bó bình đất. Sau đó cả nhóm cùng chuyển cây từ vườn lên xe tải. Việc chuyển quất mất nhiều thời gian và công sức nhất.
Anh Bùi Thành, (42 tuổi, quê Thanh Thủy, Phú Thọ) cũng cho biết mình đã làm công việc đào quất cảnh định kỳ đến nay được 3 năm. Anh nói khá thoải mái với công việc này do không làm kéo dài.
Cái khó nhất theo anh Thành là làm việc phụ thuộc vào xe về nhập hàng. Có thể xe về nhập ban đêm, sáng sớm cũng phải làm cho kịp. Các xe từ nhiều nơi đổ về nhập hàng không có giờ giấc cụ thể nhưng ai cũng muốn nhập hàng nhanh về bán nên lao động phải làm bất cứ thời gian nào.
“Chỉ làm khoảng nửa tháng là tôi đủ chi tiêu Tết. Đây là một cơ hội công việc ở quê tôi không có. Tuy về ăn Tết muộn hơn bình thường nhưng tôi cảm thấy vui vì có thêm thu nhập trang trải”, anh Thành chia sẻ.