Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khu công nghệ cao cần phát triển các ngành và lĩnh vực ở tầm quốc gia

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh trọng tâm của khu công nghệ cao là phát triển năng lực nội sinh, tập trung phát triển các ngành và lĩnh vực có tác động lan tỏa tầm quốc gia.

Chiều 11/5, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc với Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP).

Báo cáo tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, đã báo cáo về thực tiễn phát triển khu công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, các giải pháp thu hút chuyên gia làm việc tại SHTP.

Được thành lập từ năm 2002, SHTP đã triển khai đồng bộ 7 phân khu chức năng theo quy hoạch tổng thể, tạo môi trường thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao. Tính đến cuối tháng 4, tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao đã giải ngân được hơn 10.000 tỷ đồng.

Đến nay, khu công nghệ cao thu hút được 160 dự án. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm tăng dần hàng năm, trong đó năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự kiến năm 2023 đạt 26 tỷ USD. Đến cuối năm 2022, tổng lao động trong các dự án khu công nghệ cao là gần 52.000 người.

Khu công nghệ cao đã hợp tác với ĐH Quốc gia TP.HCM và một số đơn vị triển khai các hoạt động R&D, đạt được một số kết quả như cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp... Qua đó hình thành và phát triển năng lực nội sinh về công nghệ cao cho TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

"Điều quan trọng là tại khu công nghệ cao đã hình thành những hệ sinh thái ngành mạnh và cơ sở hạ tầng về khoa học công nghệ làm tiền đề cho sự phát triển ở giai đoạn tiếp theo với trọng tâm là phát triển năng lực nội sinh", PGS.TS Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh, đồng thời cho biết tầm nhìn đến năm 2045, khu công nghệ cao sẽ trở thành tiểu đô thị khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, động lực tăng trưởng mới của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước.

Số lượng chuyên gia người nước ngoài và Việt kiều làm việc trong các doanh nghiệp khu công nghệ cao hơn 570 người. Trong đó, hơn 20 chuyên gia Việt kiều đã trở về làm việc theo cơ chế cộng tác viên, 5 chuyên gia theo cơ chế chính sách thu hút chuyên gia.

Thời gian qua, đội ngũ trí thức này đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của các đơn vị trong khu công nghệ cao, đặc biệt ở một số lĩnh vực với sản phẩm công nghệ cao đang được thương mại hóa, đồng thời giúp mở rộng quan hệ quốc tế.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao hoạt động của khu công nghệ cao. Ông Nghĩa nhấn mạnh trọng tâm của khu công nghệ cao trong giai đoạn tới là phát triển năng lực nội sinh, tập trung phát triển các ngành và lĩnh vực có tính nền tảng, có tác động lan tỏa cao ở tầm quốc gia, gắn với các hệ sinh thái ngành mạnh đã hình thành tại khu công nghệ cao.

Đồng thời, đơn vị cần tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên cơ sở khai thác các thế mạnh về nguồn nhân lực trình độ cao, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Do đó, đơn vị cần tiếp tục phát triển chất lượng nhân lực từ nguồn có sẵn, khuyến khích học tập và nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời, SHTP tăng cường hợp tác nghiên cứu với các viện, trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm R&D tại các doanh nghiệp đang làm việc tại khu công nghệ cao; xác lập và triển khai các dự án chuyển giao công nghệ.

Sau buổi làm việc, đoàn công tác đã tham quan Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (IETC) theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Trước đó, SHTP đã thành lập mô hình Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu công nghệ cao (SCDC).

SCDC và IETC sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho 2 công đoạn thiết kế vi mạch và ứng dụng vi mạch, giúp thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn của khu vực và thế giới.

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

'Báo chí cần hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ'

"Báo chí có quyền phản biện, phản ánh xã hội nhưng phải đưa tin chính xác, khách quan và hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ", Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý.

Vân Trang

Bạn có thể quan tâm