Biệt thự long lanh bị bỏ rơi
Cả con phố vắng lặng, đèn đỏ quạch hắt xuống nền đường Thăng Long. Phía sau dãy biệt thự sang trọng là cỏ lau, cây dại mọc ken dày. Thấp thoáng từ xa, những bóng người dật dờ lúc ẩn, lúc hiện khiến người đi đường lạnh gáy và nhắm mắt phóng xe bạt mạng như ma đuổi.
Tại thời điểm xây dựng 2003-2004, mỗi căn biệt thự có giá hơn 1 tỷ đồng. Đây là nhà ở ưu tiên dành cho các chuyên gia, huấn luyện viên và vận động viên có thành tích cao được Đà Nẵng mời về theo diện thu hút nhân tài. Ngay cả cầu thủ Lê Huỳnh Đức, khi chân ướt chân ráo đến Đà Nẵng, cũng được thành phố bố trí ở đây.
Dãy biệt thự bị bỏ hoang, cỏ mọc cao quá đầu người. |
Song, đã nhiều năm nay, cả dãy biệt thự bị bỏ hoang. Sau mỗi mùa mưa bão, cỏ lau nở trắng, phủ kín trên khu đất vàng. Những căn biệt thự sang trọng một thời ở trung tâm thể thao Tuyên Sơn giờ xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều trang thiết bị, kể cả tường rào, cổng ngõ, lan can, cửa sổ, cửa chính,... bị tháo gỡ, đánh cắp hoặc hư hỏng.
Phía mặt tiền của khu biệt thự nhìn ra sông Hàn là cả khu rừng rậm, vì cây bụi hoang dại mọc dày, xen lẫn lau lách um tùm.
Ngoài ra, dải phân cách được xây dựng giống như bồn hoa, đường Vũ Trọng Phụng cũng đầy cỏ mọc. Hàng trụ đèn trang trí ngã đổ, bị những người nhặt phế liệu gỡ đem bán. Sâu phía sau là khu đất bỏ hoang cũng cùng chung cảnh lau lách cao quá đầu người. Nơi đây trở thành chỗ cho trâu bò nhẩn nha gặm cỏ ban ngày, nơi tụ tập của những bóng người dặt dẹo ẩn hiện như những bóng ma vào ban đêm.
Tại khu nhà thi đấu trên đường Thăng Long - Vũ Trọng Phụng cũng bị bỏ hoang, trở thành chỗ trú ngụ của những người vô gia cư, nơi tập kết phế liệu.
Lãng phí đất vàng, đất bạc
Chính quyền TP. Đà Nẵng từng xem ngành thể dục thể thao như con cưng, nên đã kỳ vọng xây dựng nơi đây thành một làng thể thao lớn nhất nước.
Ông Lê Nguyên Hồng, nguyên Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao Đà Nẵng kể: “Làng thể thao Tuyên Sơn được thành phố đầu tư, xây dựng với đầy đủ nhà thi đấu, sân tập đá bóng, nơi nghỉ dưỡng, ăn ở của CLB,... Sở Thể dục - Thể thao khi đó nhận bàn giao theo kiểu chìa khoá trao tay, bắt đầu từ năm 2004”.
Chính quyền TP. Đà Nẵng từng xem ngành thể dục thể thao như con cưng, nên đã kỳ vọng xây dựng nơi đây thành một làng thể thao lớn nhất nước. |
TP đã trưng dụng một nửa trong số 12 căn biệt thự để làm nhà khách, còn lại bố trí chỗ ở cho đội tuyển U 19.
Đến năm 2007, toàn bộ hạ tầng, cơ sở vật chất ở khu Tuyên Sơn này đã bàn giao lại cho Ngân hàng SHB và câu lạc bộ SHB quản lý, theo chủ trương xã hội hoá đội bóng, với kinh phí hơn 160 tỷ đồng.
Sự hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật, chỗ ở sang trọng, tiện ích đã góp phần tạo cho đội bóng đá Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, thuộc hàng đầu Việt Nam thời bấy giờ.
Con đường Thăng Long to đẹp chạy ngang trước dãy biệt thự sang trọng vắng người qua lại. |
Số phận của làng thể thao Tuyên Sơn với hàng chục ha đất vàng rồi đây sẽ được định đoạt. Bởi, lãnh đạo TP. Đà Nẵng cho biết, Công ty CP SHB Đà Nẵng đang đầu tư, xây dựng tại Hoà Minh (quận Liên Chiểu) một tổ hợp thể thao - giải trí - nhà nghỉ - dịch vụ vui chơi - thương mại. Sau khi hoàn thành, toàn bộ làng thể thao Tuyên Sơn sẽ chuyển lên quận Liên Chiểu.
Còn những căn biệt thự thuộc khu đất vàng làng thể thao Tuyên Sơn bên bờ sông Hàn sẽ bị đập bỏ, nhường đất cho một kế hoạch khác đang được ông chủ của nó, là bầu Hiển, toan tính.
Để khai thác cả khu đất vàng rộng hàng chục ha này, chỉ tính tiền đất đã có giá hàng chục triệu USD, thì với 160 tỷ đồng Ngân hàng SHB bỏ ra chẳng thấm vào đâu. Đó là chưa kể với vị trí đắc địa của nó, dù có nhiều tiền cũng khó mà sở hữu được.