Sáng 3/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020. Phiên họp tập trung đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn, đồng thời thảo luận về các giải pháp cấp bách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh vẫn phải chống dịch.
Tuyệt đối không chủ quan
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng đánh giá nhờ tinh thần chủ động, quyết liệt, “chống dịch như chống giặc”, hệ thống chính trị đã chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 một cách căn bản, đạt kết quả đáng mừng.
“Việt Nam đã bình tĩnh, có thể rất tỉnh táo trong nhìn nhận vấn đề theo nhãn quan của mình và chuẩn bị sẵn sàng mọi khả năng từ rất sớm”, Thủ tướng nói.
Ông khẳng định Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam. Ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19, song người đứng đầu Chính phủ lưu ý tình hình dịch bệnh tại nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, số người mắc tăng nhanh, lan rộng sang nhiều nước.
Thủ tướng yêu cầu “tuyệt đối không được chủ quan, do dự, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng chống dịch đã đề ra”.
Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết do dịch Covid-19, tất cả nền kinh tế lớn của thế giới đều ảnh hưởng. Doanh thu hàng không toàn cầu dự báo thiệt hại khoảng 30 tỷ USD, du lịch thiệt hại khoảng 80 tỷ USD. Tâm lý bi quan khiến tất cả thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh. USD tăng giá mạnh (đã tăng 4% kể từ đầu năm); giá vàng tăng cao nhất trong 7 năm qua; giá dầu thế giới đã giảm thấp, có thời điểm xuống dưới 50 USD/thùng.
Thủ tướng yêu cầu “tuyệt đối không được chủ quan, do dự, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng chống dịch đã đề ra”. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Đối với Việt Nam, dịch Covid-19 có tác động trước hết đến hàng không, du lịch, dịch vụ, tiếp đến là thương mại, đầu tư, đặc biệt là gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất.
“Có những khách sạn gần như đóng cửa, nhiều khu du lịch vắng người”, Thủ tướng nêu thực tế nhưng cũng cho rằng không thể vì doanh thu, mở cửa đón khách du lịch tràn lan để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý cho chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
“Sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ thấu hiểu điều này, các ngành, các cấp phải thấu hiểu điều này để có biện pháp chỉ đạo sát hơn”, Thủ tướng nói.
Tác động lên tất cả lĩnh vực của nền kinh tế
Nhiều chuyên gia nhận định dịch Covid-19 có tác động rất mạnh, thậm chí là nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam, bởi tác động của nó là nhiều chiều, lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.
Theo đó, dịch bệnh có 3 tác động chính vào tăng trưởng, đầu tư và thương mại; làm gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng, tác động lớn đến dịch vụ và du lịch.
Dịch Covid-19 tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhóm ngành du lịch, dịch vụ. Ảnh minh họa: Hồng Quang. |
Vì thế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch Covid-19 thời gian tới và khả năng khống chế dịch bệnh.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 xuất hiện nhiều dấu hiệu có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô; nhiều chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước. Song bên cạnh đó vẫn còn nhiều điểm sáng rất đáng mừng.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, ổn định; giá nhiều nhóm mặt hàng về cơ bản giữ ổn định hoặc giảm; CPI tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước. Xuất khẩu vẫn tăng trưởng, ước đạt 36,9 tỷ USD (tăng 2,4% so với cùng kỳ), nhập siêu trong kiểm soát.
Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng. Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, các ngành công nghiệp vẫn duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kỳ với trên 17.400 doanh nghiệp thành lập mới cùng số vốn đăng ký gần 364.000 tỷ đồng (tăng 9,1% về số doanh nghiệp và tăng 47,1% về số vốn đăng ký). Có gần 12.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 17,1%).
Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, vốn FDI thực hiện giảm 5%; Khách quốc tế tăng 4,8% - mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%) - mức tăng cao nhất trong 7 năm qua.
Một số ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do diễn biến về giá cả và thời tiết. Khu vực dịch vụ là khu vực bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống. Lượng khách quốc tế trong tháng 2/2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách - giảm 49,8% so với tháng trước và giảm 35,8% so với cùng kỳ.
Theo nhận định, những thành tựu đạt được của năm 2019 là đáng khích lệ, nhưng nền kinh tế nước ta đang bị thách thức nghiêm trọng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như các tác động tiêu cực khác từ bên ngoài.
Trước thực tế đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, các thành viên Chính phủ sẽ thảo luận các giải pháp bảo đảm thực hiện mục tiêu kép "vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội để làm sao đạt được thắng lợi kép trong năm 2020".