Anh Nguyễn Ngọc Q. (Hà Nội) cho biết cuối tháng 2 vừa qua, trong thời gian làm thủ tục gia hạn thẻ tín dụng Visa của Techcombank, anh bất ngờ được phía ngân hàng thông báo đang có một khoản nợ xấu tại Công ty tài chính VPBank (FE Credit) được lưu giữ trên Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CIC). Đặc biệt, đây đã là khoản nợ xấu ở nhóm cao nhất (Nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn).
Trước thông tin này, anh Q. cho biết chưa từng làm thủ tục vay tiền hay phát sinh khoản vay nào bên phía FE Credit. Trong khi đó, khoản nợ xấu của anh Q. đã bị lưu giữ trên CIC từ năm 2019 mà anh này không hề hay biết.
Không vay tiền vẫn có khoản nợ
“Tôi không hề để lộ thông tin chứng minh nhân dân mà bị làm giả chứng minh nhân dân, giả hợp đồng để vay tiền bên FE Credit. Thậm chí, các thông tin cá nhân trên hợp đồng còn sai so với thông tin gốc nhưng phía công ty tài chính này vẫn duyệt cho vay và giải ngân”, anh Q. chia sẻ.
Đến ngày 2/3, khi tra cứu thông tin trên website của FE Credit, anh Q. nhận được thông tin cho thấy số CMND của mình đang có khoản vay phát sinh tại công ty này. Cùng ngày, anh Q. gọi lên tổng đài hỗ trợ khách hàng của công ty tài chính để khiếu nại.
Trong lần đầu gọi lên tổng đài công ty, sau khi nhân viên tiếp nhận thông tin thì khẳng định số CMND của anh Q. không có khoản vay tiêu dùng nào tại FE Credit. “Tôi đã đọc đi đọc lại số CMND và yêu cầu xác nhận nhiều lần nhưng nhân viên vẫn bảo không có khoản vay, trong khi thông tin trên wesite cho kết quả ngược lại”.
Đến lần thứ 2 gọi lại, anh Q. lại được một nhân viên khác khẳng định số CMND của mình có khoản vay 35 triệu đồng đã quá hạn không trả nợ.
“Sau khi giải thích, khiếu nại, nhân viên FE Credit có cung cấp thêm thông tin gồm hợp đồng vay của số CMND đó là nữ, ngày tháng năm sinh và giới tính không trùng với CMND của tôi”, anh Q. thuật lại.
Một số khách hàng phản ánh về việc không vay vốn nhưng vẫn có khoản nợ tại FE Credit, nghi bị làm giả hồ sơ vay. Ảnh: FE Credit. |
Nghi bị làm giả hồ sơ vay vốn, nhân viên FE Credit đã yêu cầu anh Q gửi thông tin gồm ảnh chụp CMND 2 mặt, ảnh chân dung để xác minh, xử lý. Tuy nhiên, anh Q cho biết chưa gửi các thông tin như phía công ty yêu cầu vì lo ngại rủi ro.
“Trưa hôm qua (3/3), phía FE Credit gọi điện lại để hỗ trợ. Yêu cầu tôi cung cấp CMND 2 mặt và ảnh chân dung. Tôi chỉ gửi mặt trước CMND và ảnh chân dung là đủ để chứng minh hồ sơ bị làm giả. Tuy nhiên, phía công ty không đồng ý xử lý và từ chối giải quyết với lý do khách không hợp tác”, anh Q bức xúc.
Sau những khiếu nại không được giải quyết, anh Q cho biết đã làm đơn khiếu kiện gửi thanh tra Ngân hàng Nhà nước về vụ việc.
Anh Q chia sẻ lý do không cung cấp thông tin theo yêu cầu của phía FE Credit vì đã xác nhận 2 thông tin cơ bản nhất là ngày sinh và giới tính trên CMND gốc khác với thông tin trong hợp đồng vay nhưng công ty vẫn không chấp nhận giải quyết.
“Tôi lo ngại nếu gửi đủ 2 mặt CMND và ảnh chân dung cho FE Credit, hoàn toàn có thể xảy ra tình huống công ty này tráo lại hồ sơ vay giả, cập nhật để làm chuẩn thông tin. Do không có bên thứ 3 làm chứng, nội bộ công ty thay đổi gì hệ thống thì tôi không thể xác minh”, anh Q nói.
FE Credit nói gì?
Thực tế, không riêng anh Q. rơi vào tình cảnh này khi trở thành nạn nhân trong các vụ làm giả hồ sơ để vay tiêu dùng.
Theo đó, anh Trịnh Xuân M. (Hà Nội) cho biết mình và một người bạn khác cũng từng rơi vào trường hợp tương tự khi bị làm giả hồ sơ vay vốn tại FE Credit dẫn tới nợ xấu. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc thì phía công ty này đã xóa khoản nợ và CIC cũng không còn lưu thông tin khoản nợ xấu liên quan thông tin của anh M.
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Đắc G. (Hải Dương), anh G. cho biết mình thậm chí đã phát hiện có kẻ gian làm giả thông tin cá nhân để vay tiêu dùng tại FE Credit.
“Ngay khi phát hiện có kẻ gian lợi dụng, tôi đã báo với FE Credit hủy hợp đồng vay vốn và không giải ngân cho kẻ gian đang giả mạo thông tin để lừa rút tiền”, anh G. chia sẻ.
Kẻ gian sau khi có thông tin cá nhân khách hàng còn chiếm đoạt mã OTP gửi về điện thoại của khách để làm thủ tục vay tiêu dùng. Ảnh: Ngọc Dương. |
Vị khách này khẳng định đã báo FE Credit hủy giải ngân ngay thời điểm phát sinh giao dịch và phía nhân viên tổng đài cũng báo lại đã thông tin đến bộ phận nghiệp vụ để hủy giao dịch, đồng thời trấn an khách hàng.
Tuy nhiên, đến ngày 24/2, khi yêu cầu xác minh lại thì phía FE Credit thông báo số tiền đã được rút ra lúc 14h12 ngày 23/2 tại bưu điện Hòa Bình, trong khi anh G. đang sống và làm việc tại Hải Dương.
Trả lời về vấn đề này, FE Credit cho biết nguyên nhân dẫn tới các trường hợp kể trên là do kẻ gian làm giả hồ sơ vay vốn. Theo đó, khi khách hàng bị mất hoặc bị đánh cắp thông tin cá nhân, CMND, kẻ gian đã sử dụng các thông tin này để làm giả hồ sơ vay vốn.
“Với các trường hợp này, FE Credit sẽ xác minh lại, nếu đúng là khách hàng bị làm giả hồ sơ vay và chứng minh được mình không đứng tên khoản vay thì công ty sẽ xóa khoản vay, điều chỉnh lại thông tin CIC”, vị đại diện chia sẻ.
Phía doanh nghiệp cũng khẳng định sẽ không có chuyện khách cung cấp thông tin cá nhân để xác minh khoản vay nhưng bị đánh tráo để hợp thức hóa hồ sơ vay giả mạo. Theo đó, mọi quy trình làm việc với khách hàng qua tổng đài của doanh nghiệp đều được ghi âm và có thể trích xuất nếu khách hàng yêu cầu.
“Khách hàng lo lắng cũng có lý do vì tự nhiên bị vướng vào nợ xấu. Tuy nhiên, trong các trường hợp này FE Credit cũng là bên bị hại. Vì vậy, việc khách hàng hợp tác cung cấp thông tin để xác minh khoản vay là rất cần thiết”, vị này nói.
FE Credit khẳng định với các trường hợp tương tự, nếu công ty nắm được sẽ giải quyết ngay cho khách hàng. Từ phía nội bộ, doanh nghiệp cũng thường xuyên thực hiện các biện pháp rà soát để giảm thiểu tối đa rủi ro có thể xảy ra.
Trường hợp khách hợp tác và cung cấp thông tin theo yêu cầu để xác minh, quy trình xử lý có thể chỉ mất 2-3 ngày làm việc để xóa khoản vay không chính xác. Tuy nhiên, nếu khách hàng không cung cấp thông tin, thời gian xử lý có thể kéo dài hơn do công ty phải tự truy xuất và tìm dữ liệu để đối chiếu.
Bình luận