Trong suốt 6 năm trời, một người đàn ông 46 tuổi phải chung sống với một triệu chứng lạ. Ông thường xuyên cảm giác như say rượu, dù không hề đụng vào một giọt rượu hay bia.
Câu trả lời về căn bệnh bí ẩn này chỉ được tìm ra sau 6 năm. Trong nghiên cứu mới công bố tại tạp chí Y khoa tiêu hóa của Anh, người đàn ông này mắc chứng bệnh rất hiếm gặp là "bệnh tự chuyển hóa rượu bia" (ABS).
Dù khẳng định không uống rượu bia, người bệnh vẫn luôn cảm thấy triệu chứng như say rượu. Ảnh: Shutterstock. |
Theo mô tả của báo cáo, bệnh này khiến các vi khuẩn sống trong đường ruột của bệnh nhân chuyển hóa carbohydrate thành các chất cồn. Bệnh sẽ ngày càng nặng nếu người bệnh dùng các đồ ăn, đồ uống chứa nhiều carbohydrate và đường. Khi đó, người bệnh có cảm giác say như vừa uống cả két bia.
"Người này không làm gì được, thường là sau khi ăn", bác sĩ Fahad Malik, đồng tác giả nghiên cứu chia sẻ. Năm 2011, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi anh được kê thuốc kháng sinh vì một chấn thương bàn tay. Có lẽ các loại thuốc uống trong thời gian này đã làm thay đổi các vi khuẩn đường ruột.
Khi bị "say", bệnh nhân cảm thấy chóng mặt, mất phương hướng, tính cách không ổn định. Ông thậm chí từng bị bắt vì lái xe khi say rượu, với nồng độ cồn trong máu gấp 2 lần mức cho phép. Cả cảnh sát lẫn bệnh viện đều không tin khi người đàn ông biện bạch.
Bệnh của ông chỉ được phát hiện khi người thân đọc được một trường hợp với triệu chứng tương tự. Khi nghiên cứu phân của người này, bác sĩ phát hiện các loại nấm men thường có trong men bia. Sau khi kiểm tra lại bằng cách cho anh ăn đồ ăn chứa carb và thử nồng độ cồn trong máu sau 8 giờ, các bác sĩ xác nhận trường hợp bệnh hiếm gặp.
Sau khi được kê thuốc triệt nấm và chế độ ăn không có carbohydrate, triệu chứng vẫn quay lại, khiến người đàn ông này bị tai nạn. Một thời gian sau, ông mới được đưa đi chữa trị tại New York, và cuối cùng cũng loại bỏ được các loại vi khuẩn tạo cồn.