Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không thể tùy tiện trang trí loè loẹt trên đường phố Sài Gòn

Hình thức trang trí ngày càng rườm rà, nhiều màu sắc đến “nhức mắt”, hai bên đường phải dựng thêm nhiều cây, cột làm đường phố trông càng chật chội, không gian phía trên nặng nề.

Những đoạn đường trang trí loè loẹt tại trung tâm Sài Gòn tiếp tục là đề tài gây tranh cãi. Zing.vn giới thiệu đến bạn đọc ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. 

Từ khoảng mười năm trước, mỗi dịp năm hết tết đến, ở trung tâm TP.HCM lại xuất hiện những “đường hoa” được trang trí đèn màu, hoa vải trên hàng cây hai bên đường, rồi sau đó là những pano trên cao được trang trí hoa đèn cờ giăng ngang đường phố.

Có thể nói cách thức làm đẹp và làm mới cho đường phố, cùng với “đường hoa Nguyễn Huệ” đã trở thành “biểu tượng văn hóa” vào dịp xuân về của thành phố năng động, trẻ trung này.

Việc người dân thành phố và nhiều tỉnh nô nức đi chơi, ngắm cảnh, chụp hình từ lễ Giáng sinh cho đến Tết Nguyên đán trên những con đường được trang trí mới lạ này cho thấy sự ghi nhận của nhân dân đối với việc làm đầy thiện ý của chính quyền thành phố.

Dung trang tri tien nao quang cao ay nhu pho Sai G anh 1
Đoạn đường dài chưa đến 500 m nhưng có đến hơn chục dải đèn trang trí. Ảnh: Lê Quân.

 

Những năm sau này, thành phố đã có cố gắng thay đổi mẫu mã, loại hình, màu sắc đa dạng hơn, chứ không chỉ hoa mai, hoa đào rồi hoa sen như vài năm trước... khu vực trang trí mở rộng ra những con đường chính ở quận 1, quận 3, đường từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm…

Tuy nhiên, nếu như mười năm trước đây TP.HCM đi đầu với kiểu trang trí mới lạ so với các nơi khác trong cả nước thì bây giờ việc này đã phổ biến ở nhiều tỉnh thành. Cho nên sự giống nhau, lặp lại trong mẫu mã trang trí... không còn nét riêng, đặc sắc của TP.HCM nữa. Đó là điều đáng tiếc vì TP.HCM luôn là nơi có nhiều sự đổi mới, không chấp nhận cái cũ, kiểu cũ, cách làm cũ...

Vài năm nay, các hình thức trang trí ngày càng rườm rà, nhiều màu sắc đến “nhức mắt”, hai bên đường phải dựng thêm nhiều cây, cột... làm đường phố trông càng chật chội, không gian phía trên nặng nề kín mít... Và thật sự các mẫu trang trí không đẹp, không phù hợp cho một thành phố có nhiều du khách trong và ngoài nước đến chơi vào dịp Tết. Có thể mươi năm trước là “đẹp” nhưng giờ không còn phù hợp với một thành phố có tốc độ "hiện đại", "hội nhập" nhanh nhất nước. 

Thử nhìn ra các thành phố lớn của các nước xung quanh, họ cũng không trang trí khắp nơi trên đường phố mà chỉ làm cục bộ (ở khu vui chơi giải trí chẳng hạn). Xu hướng là không phức tạp, lòe loẹt mà chỉ đơn giản như giăng giây đèn nhỏ trên cây hay quấn vào cột điện, thêm vài chi tiết trang trí trên cột đèn đường, gần như không có băng rôn, cờ quạt với những chữ to trên đường phố…

Đặc biệt, đối với những công trình kiến trúc độc đáo (là di sản hay công trình mới) thì thường được chiếu sáng nghệ thuật để tạo “điểm nhấn” cũng như tôn vinh giá trị của công trình.

Cách thức “xã hội hóa” phổ biến nhất là để tư nhân (các cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị hàng quán, nhà dân)... tự trang trí: vừa đa dạng, phong phú, tạo nét riêng biệt, tiết kiệm công quỹ (dù là tiền của doanh nghiệp đóng góp hay đổi bằng quảng cáo thì cũng là một phần đóng vào ngân sách của TP dưới hình thức khác).

Dung trang tri tien nao quang cao ay nhu pho Sai G anh 2
Nhiều người hài hước gọi kiểu trang trí trên đường Phạm Ngọc Thạch là kiểu trang trí ở trường... mầm non. Ảnh: Lê Quân.

Để “làm mới” thật sự cho thành phố, kể cả đường hoa Nguyễn Huệ năm nay nên thay đổi cách trang trí, cần tổ chức thi tuyển các thiết kế trang trí và có sự đóng góp ý kiến của cộng đồng. Đồng thời, cũng cần sử dụng một cách hợp lý nguyên vật liệu, tiết kiệm điện và công sức, đảm bảo an toàn cho người thực hiện thi công cũng như người đi lại trên đường phố.

Trong không gian có giới hạn của đô thị, yếu tố thị giác rất quan trọng vì có nhiều ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý của cộng đồng. Vì vậy, hình thức trang trí không chỉ “rực rỡ” mà còn cần thể hiện sự hài hòa, bên cạnh những nét riêng của thành phố.

Để tất cả hài hòa và đẹp, phù hợp về thẩm mỹ thì cần được những chuyên gia về đô thị có ý kiến, thậm chí có “quyền” quyết định mẫu mã và vật liệu trang trí, quyết định hình thức quảng cáo chứ không thể tùy tiện “tiền nào quảng cáo ấy”, vì quảng cáo trên đường phố cũng là một yếu tố văn hóa.

Đoạn đường 500 m trang trí lòe loẹt ở Sài Gòn

Đèn dây trang trí đón Tết trên đường Phạm Ngọc Thạch đoạn gần nhà thờ Đức Bà (TP.HCM) đang bị người dân chê lòe loẹt, rối mắt.


Nguyễn Thị Hậu

Bạn có thể quan tâm