'Không thể mở cửa Internet sớm hơn năm 1997'
Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông cho biết, nếu mở cửa Internet chậm đi vài năm, Việt Nam sẽ bị tụt hậu thêm nhiều năm so với các nước.
Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ BCVT (nay là Bộ TT&TT). |
Nhưng trong những năm 90 của thế kỉ XX, khi đất nước đang trong giai đoạn vật lộn trong công cuộc đổi mới đầy khó khăn, phức tạp thì dù tư duy đổi mới của xã hội đã được khởi động mạnh, các nhà lãnh đạo cũng quyết tâm đổi mới, nhưng cho mở hay không cho mở Internet lúc bấy giờ cũng là thử thách rất lớn trong quá trình đổi mới bởi đây là vấn đề rất nhạy cảm. “Năm 1991, tôi đi họp và được tiếp xúc với Internet đầu tiên tại Washington DC (Mỹ). Sau đó, tại một số cuộc họp ở châu Á, nhiều nhà lãnh đạo các nước khác đã chào tôi là 'See you on Internet'. Đây là nỗi day dứt bởi mình không có Internet khi mà đã số hóa mạng lưới”, ông Trực nói.
Lúc đó, giới khoa học kỹ thuật đã thấy được lợi ích và sức mạnh của Internet, nhưng nhiều người khác thì vẫn hiểu Internet chưa nhiều. Mặc dù vậy, ai cũng nghĩ rằng, chuyện đưa Internet vào Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian, sớm hơn hoặc chậm hơn mà thôi. “Lúc đó chúng tôi cảm nhận Internet sẽ vào Việt Nam nhưng có nguy cơ chậm mở và nếu cho mở thì sẽ bị nhiều yếu tố hạn chế và sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển”, ông Trực kể. “Vì vậy, chúng tôi đã phải thuyết phục mở càng sớm càng tốt, thậm chí tạm thời chấp nhận cả những chỉ đạo mà mình không hài lòng để mở Internet rồi tính tiếp. Trên cơ sở đó, Nghị định 21 về quản lý Internet đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ban hành. Đây là Nghị định tạm thời về quản lý Internet và nếu có gì phát sinh sẽ tiếp tục điều chỉnh”.
Cũng theo ông Trực, mặc dù ông và nhiều người khác muốn đưa Internet vào Việt Nam sớm hơn nhưng để Internet vào Việt Nam phải có 3 yếu tố. Thứ nhất, mạng viễn thông phải được tự động hoá cả trong nước và quốc tế. Trong khi đó, năm 1995, ngành Viễn thông của Việt Nam đã được số hoá. Thứ hai, Internet là vấn đề mới nên cần có sự quyết định ở cấp cao nhất của đất nước. Vì vậy, phải thuyết phục lãnh đạo để có chủ trương cho mở Internet. Thứ ba, để thực thi chủ trương này thì phải có các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), người sử dụng và đại lý Internet.
Vì vậy, dù cơ sở hạ tầng viễn thông đã sẵn sàng cho việc mở Internet nhưng cần phải thuyết phục để có chủ trương cho mở Internet và tổ chức thực hiện. “Là người trong cuộc, căn cứ trên cả 3 yếu tố đó thì tôi đánh giá là chúng ta không thể mở Internet sớm hơn được. May mắn là năm 1997, chúng ta cho mở Internet không bị chậm đi mấy năm. Nếu chậm, đương nhiên chúng ta sẽ bị lạc hậu và tụt hậu thêm so với các nước khác. Việc đưa Internet vào Việt Nam lúc đó không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà là chủ trương và quyết tâm chính trị lớn của lãnh đạo để đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế”, ông Trực nhấn mạnh.
Cuối cùng, ngày 19/11/1997, Internet Việt Nam đã được mở ra. Ông Trực khẳng định, tâm trạng của mình lúc đó rất mừng vì cả một thời cơ lớn đã không bị mất đi và đất nước từ nay đã có phương tiện để thay đổi, nhất là công lao của bao nhiêu anh em lâu nay mong muốn đưa Internet vào Việt Nam bây giờ đã thành hiện thực. “Lúc bấy giờ xen lẫn vui mừng, nên khi tổ chức họp báo với các hãng thông tấn nước ngoài, tôi hứng khởi nói bằng tiếng Anh để khi các hãng này phát ra trên thế giới không bị tam sao thất bản do phải dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh”, ông Trực nói.
Theo Bưu Điện Việt Nam