TS Mai Liêm Trực - người mở đường cho Internet VN
Mất ăn mất ngủ để vận động đưa Internet về và mở cửa cơ chế quản lý Internet, Tiến sĩ Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông - được xem là người có công đầu trong việc đặt nền móng cho Internet tại Việt Nam.
Mỗi lần nhắc đến câu chuyện về hành trình phổ cập Internet tại Việt Nam, Tiến sĩ Mai Liêm Trực đều không giấu được vẻ xúc động. Trong bối cảnh đất nước đang trong giai đoạn đổi mới, ông chính là người có công lớn nhất trong việc mở cửa Internet tại Việt Nam và thuyết phục lãnh đạo thay đổi quan điểm về quản lý Internet.
Tiến sĩ Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông. |
Năm 1991, ông có cơ hội được tham dự một hội nghị mang tầm quốc tế tại Mỹ và đã được giới thiệu về Internet. Cũng ở thời điểm đó, World Wide Web ra đời, thôi thúc vị Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện (tiền thân của Bộ Bưu chính Viễn Thông) phải mang Internet về với Việt Nam. Cả một ê-kíp bao gồm các nhà khoa học công nghệ và viễn thông đã mừng rơi nước mắt khi lần đầu tiên cố Thủ thướng Võ Văn Kiệt gửi được email sang Thụy Điển. Đó cũng là động lực lớn lao để ông tin tưởng vào thành công của cuộc cách mạng do mình khởi xướng.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của việc phổ cập Internet tại Việt Nam thời điểm đó chính là công tác quản lý. Trong bối cảnh đất nước đang trong tiến trình xây dựng XHCN, những nguy cơ về việc lộ bí mật quốc gia hay các luồng thông tin bất lợi có thể tấn công vào Việt Nam do tính chất “mở” của Internet là vô cùng lớn. Với tầm nhìn của mình, tiến sĩ Trực xác định, đất nước sẽ không thể hội nhập và phát triển nếu không có Internet, thậm chí còn bị cô lập và trở nên tụt hậu.
Mang trong mình nhiệt huyết lớn lao cho sự phát triển của Internet Việt Nam, người quản lý Tổng cục Bưu điện đã thuyết phục được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ. Ông chia sẻ: “Tác động mạnh nhất tới quyết định của lãnh đạo Đảng và Nhà nước chính là niềm tin vào những con người trực tiếp thực hiện. Cái gì cũng có mặt lợi, mặt hại, anh phải hiểu bản chất vấn đề, hiểu một cách rõ ràng, cụ thể. Anh phải dũng cảm giải trình, phải biết cách thuyết phục, giải tỏa những lo ngại để làm sao giúp các lãnh đạo thấy được mở cửa Internet sẽ tốt hơn là đóng kín".
Dù đã bị thuyết phục bởi nhiệt huyết của vị Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện và chấp nhận mở cửa Internet, lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ chấp nhận quản lý Internet được đến đâu thì mở cửa đến đó. Đó đã được xem là thành công lớn đối với con người đã dành toàn bộ tâm huyết của mình cho Internet Việt Nam. Khoảng thời gian sau ngày 19/11/1997 (thời điểm diễn ra lễ ấn nút mở cửa Internet) thực sự là một quá trình mất ăn mất ngủ của người “bảo mẫu” cho Internet Việt.
Trước những thông tin mang tính chất tiêu cực xuất hiện trên Internet, một số cơ quan chức năng tỏ ra hoang mang. Trong đầu tiến sĩ Trực lại nổi lên một dòng suy nghĩ, làm thế nào để tiếp tục thuyết phục lãnh đạo. Lòng tin vào sự phát triển của Internet đã thôi thúc ông đưa ra những luận điệu xác đáng giúp củng cố lòng tin từ phía lãnh đạo.
Tên tuổi của ông gắn liền với quan điểm “năng lực quản lý phải theo kịp với yêu cầu phát triển”, thay cho tư duy “quản lý được đến đâu, mở ra đến đó”. Ảnh VOV. |
Tiến sĩ Mai Liêm Trực cũng không giấu nổi vẻ tự hào cho rằng, Việt Nam đã mở cửa Internet đúng thời điểm: “Nếu như các dịch vụ viễn thông của Việt Nam mở ra chậm hơn thế giới khoảng 40-50 năm, dịch vụ điện thoại di động chậm hơn của thế giới khoảng 15-20 năm thì Internet vào Việt Nam chậm hơn so với khởi đầu của thế giới chỉ chừng 7-8 năm”.
Sau khi những lo ngại được tạm thời dẹp yên, ông lại tiếp tục một cuộc đấu tranh khác. Đó là việc chống độc quyền trong việc cung cấp dịch vụ Internet, bởi cũng giống như bất cứ ngành dịch vụ nào khác, có cạnh tranh mới có phát triển. Nghị định 55 về quản lý Internet được ban hành năm 2011 được xem là bước ngoặt, cho phép các doanh nghiệp tham gia vào thị trường Internet. Đến lúc này, vị nguyên Thứ trưởng mới thực sự thở phào, bởi “đứa con tinh thần” của ông đã thực sự “sống”, và người ta đã nhận thấy tầm quan trọng lớn lao của Internet.
Ở thời điểm hiện tại, khi đã về nghỉ hưu, Tiến sĩ Trực vẫn hết sức tâm huyết với sự phát triển của Internet. Ông tự coi mình là một cổ động viên, không trực tiếp “đá trên sân” nhưng luôn dõi theo từng bước phát triển của nó, sống cùng với từng nhịp đập của Internet Việt.
Nhìn lại hành trình 15 năm qua, ông thấy vui mừng vì những đóng góp của mình đã được xã hội thừa nhận, đồng thời tự hào vì tốc độ phát triển của Internet Việt Nam không hề thua kém so với thế giới và khu vực. Đôi khi nghĩ lại, ông vẫn “giật mình” bởi nếu mình không đấu tranh để mở cửa Internet, chỉ cần chậm khoảng 3-4 năm thì không biết Việt Nam sẽ lạc hậu đến mức nào.
Thành Duy
Theo Infonet