Theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP HCM, hành vi dùng nhớt thải diệt sâu rầy khi trồng rau muống nước là không thể chấp nhận.
Vừa qua, ngành nông nghiệp thành phố đã phát hiện được một hộ sử dụng nhớt thải và giao cho chính quyền địa phương xử lý. Nhưng đa số người trồng rau tại quận 12 là người dân nhập cư nên cũng khó nắm bắt hết được.
Sau khi xem clip người dân dùng nhớt tưới rau muống ở phường Thạnh Xuân, bà Cúc đã cử Chi cục Bảo vệ thực vật xuống lấy 20 mẫu rau về kiểm nghiệm để xác định các hoạt chất, kim loại nặng tồn dư.
Xô chậu cùng nhiều vỏ thuốc trừ sâu vứt bên đồng rau muống ở phường Thạnh Xuân. Ảnh: Trường Nguyên. |
Khẳng định "nếu thấy tận mắt thì không dám ăn loại rau này" nhưng bà Phó giám đốc thừa nhận: "Khi nông dân mang ra chợ bán, người tiêu dùng làm sao nhận ra được rau phun nhớt. Do đó, có khi gia đình tôi cũng đã dùng các loại rau tồn dư hóa chất này rồi".
Cũng theo bà Cúc, Sở sẽ rà soát, tập huấn lại cho người dân quy trình trồng rau sạch và khuyến cáo nông dân không được sử dụng những chất không được phép. Đối với những mẫu rau không đạt tiêu chuẩn, tồn dư hóa chất, kim loại nặng sẽ không được lưu hành, người trồng rau sẽ bị địa phương xử phạt.
Khó bắt quả tang
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quít - Chủ tịch hội Nông dân quận 12- cho hay, Hội không nắm được và cũng chưa phát hiện trường hợp nào người dân dùng nhớt thải trồng rau.
Còn theo ông Nguyễn Thành Tân (Chủ tịch hội Nông dân phường Thạnh Xuân), cách đây 4-5 năm, phường có phát hiện một số hộ dân sử dụng nhiều hóa chất, đặc biệt là nhớt thải để trồng rau, nhưng gần đây chưa ghi nhận thêm trường hợp nào.
“Hội Nông dân cũng nghe phản ánh nhiều người dùng nhớt thải tưới rau nhưng qua nhiều lần kiểm tra vẫn chưa phát hiện, chỉ ghi nhận được tình trạng phun thuốc trừ sâu khiến mùi hóa chất bay vào khu dân cư. Có thể việc dùng nhớt họ làm vào buổi tối, chỉ trong ít phút nên rất khó bắt quả tang”, ông Tân nói.
Cho rằng Hội Nông dân không khuyến khích nông dân dân trồng rau sử dụng nhớt, nhưng ông Tân lại nói: "Không ai chắc nó có ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng".
Dân vẫn tưới nhớt thải cho rau
Hai ngày sau khi Zing.vn đăng clip nông dân phường Thạnh Xuân (quận 12, TP HCM) dùng nhiều hóa chất, nhớt thải tưới cho rau muống, phóng viên trở lại khu vực và ghi nhận tình trạng này vẫn diễn ra.
Tại nhiều khu dân cư cạnh các đồng rau muống, nông dân vẫn phun thuốc, bón phân cho các đồng rau xanh mướt. Mùi hóa chất, thuốc trừ sâu nồng nặc.
Chị Trang, người dân khu phố 5, phường Thạnh Xuân phản ánh, sáng sớm và chiều tối, nông dân bắt đầu xịt thuốc trừ sâu cho rau khiến mùi hóa chất bay khắp nơi. Nhiều lúc họ phun thuốc liên tục khiến mùi hóa chất xộc vào các nhà làm ai cũng lo lắng.
Theo chị Trang, dân cư quanh đây không dám mua rau vì thấy nông dân liên tục phun thuốc, có khi mới phun hôm nay, sáng mai lại cắt bán. Do vậy, nhìn rau muống xanh tốt, lá mượt nhưng không ai dám đụng tới, còn người trồng mang đi chợ đầu mối bán.
“Người trồng rau ở đây cũng không dám ăn chính rau của họ thì ai còn dám ăn nữa. Họ trồng riêng một khoảnh cho gia đình ăn, không dùng nhớt hay hóa chất. Ruộng rau 'tắm' nhớt và hóa chất thì mang ra chợ bán", chị Trang chia sẻ.
Rau muống của nông dân quận 12, Hóc Môn, Củ chi đổ về chợ nông sản vào mỗi buổi sáng. Ảnh: Trường Nguyên. |
Trong khi đó, một nông dân (quê Thái Nguyên) thuê đất trồng rau tại khu phố 2 khẳng định, việc dùng nhớt thải diệt sâu rầy khi trồng rau muống là an toàn, chi phí rẻ hơn dùng thuốc trừ sâu trong danh mục cho phép.
“Sau khi cắt bán, rau non mới nhú lên thì xuất hiện nhiều sâu rầy nên phải dùng nhớt thải. Khi tưới nhớt, sâu không bám được vào rau, rớt xuống gốc và chết, không gây hại được nữa. Người ta nói ăn rau này không an toàn nhưng gia đình tôi vẫn ăn bình thường”, nông dân này chia sẻ.
Nhận thức còn hạn chế
Còn đại diện Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an Hà Nội thừa nhận, thực trạng này khó kiểm soát bởi nhận thức người nông dân còn hạn chế.
“Phun thuốc bảo vệ thực vật mà không đeo khẩu trang, chứng tỏ họ không lo cho sức khỏe của mình. Người nông dân tiếp xúc trực tiếp với hóa chất còn chủ quan như vậy, thì khó mong họ nghĩ cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm” vị này nói.
Theo cảnh sát môi trường, các loại rau ngắn ngày như rau muống, mùi, xà lách, cần tây… hay được phun thuốc bảo vệ thực vật để kích thích phát triển, thu hoạch nhanh.
Bà Thủy (quê Ninh Bình) cho biết, vợ chồng bà vào TP HCM thuê đất trồng 9 ha rau từ gần 10 năm nay. Mỗi ngày, chồng bà Thủy hái ra chợ khoảng 300 kg, chủ yếu đưa vào các chợ nhỏ chứ không ra chợ đầu mối.
Theo chồng bà Thủy, trung bình 10 ngày người trồng rau phải phun thuốc trừ sâu một lần theo định kỳ, còn phát hiện sâu khi nào phải xịt luôn khi đó để chúng không lan rộng.
“Nhiều người vừa xịt thuốc mới được vài ngày nhưng khi thấy rau được giá thì phải cắt bán liền để có lời, nếu để qua đợt thì coi như lỗ nặng. Do vậy, gia đình phải trồng riêng luống rau để ăn, còn rau phun nhiều thuốc thì mang đi bán", chồng bà Thủy nói.
Lý giải điều này, bà Thủy bảo, gia đình bà cẩn thận vậy thôi, chứ rau phun thuốc cũng không còn chất độc, vì người mua trước khi dùng đã rửa cẩn thận.
Phun thuốc bảo vệ thực vật là bình thường
Ngày 4/12, sau khi xem clip trên Zing.vn, ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho rằng, việc người dân phun thuốc trực tiếp cho rau là bình thường và được phép, nhưng cần phun các loại thuốc trong danh mục, không vượt ngưỡng, không pha trộn nhiều loại thuốc, cách ly đủ thời gian quy định mới thu hoạch.
Về trách nhiệm quản lý, giám sát, ông Hồng cho biết, năm 2015, Chi cục lấy 400 mẫu đi kiểm tra, chỉ 5 mẫu (1,25%) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng. Năm 2014, Hà Nội sử dụng 360 tấn thuốc bảo vệ thực vật, trong khi toàn quốc là 116.500 tấn.
"Người dân thủ đô sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc chiếm 60%, còn hóa học chiếm 40%. Công tác quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở Hà Nội trong trồng rau là tốt nhất cả nước", ông Hồng nói.Khi được hỏi, trước thực trạng người dân phun thuốc bảo vệ thực vật lên rau, ông có dám mua về ăn, ông Hồng cho biết, vẫn sử dụng nếu người dân không phun thuốc ngoài danh mục cho phép. Rồi ông nói thêm, những năm qua, ở Hà Nội chưa có trường hợp nào ngộ độc thực phẩm nào liên quan đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.