- Thưa giáo sư, đề án đào hồ chống ngập tại TP HCM, trong đó có việc vận động người dân đào trong nhà giúp phân tán lượng nước ngập có tác dụng như thế nào?
- Về cơ bản, đề án này có thể phát huy hiệu quả trong thời điểm hiện nay. Trong đó các loại hồ lớn diện tích nhiều ha ở Gò Dưa, Khánh Hội, Thủ Thiêm, Vĩnh Lộc cho đến các hồ vài nghìn m2 thì có thể thực hiện được vì đây là khu vực công cộng, mặt bằng sẵn có.
Còn việc đào hồ trong nhà dân, trên lý thuyết là vậy, nhưng trong thực tế tôi nghĩ rất khó khả thi.
- Vì sao khó khả thi, thưa ông?
- Thực tế cho thấy, hiện ngập úng xuất hiện tại những khu vực trung tâm, tuyến đường đông đúc. Dân số của TP rất đông, nhà cửa chật chội, có nơi siêu mỏng siêu méo không đủ chỗ ở. Đặc biệt ở khu vực trung tâm thì "tất đất tất vàng" lấy đâu ra vài m2 để đào hồ.
Nhà ở trung tâm chen chúc, có bao nhiêu gia đình có vườn? Nếu họ có đất trống thì cũng sẽ cho thuê, kinh doanh buôn bán. Bên cạnh đó, vấn đề phong thủy người dân rất chú trọng nên việc đào một cái hồ trong khuôn viên nơi ở phải được tính toán rất kỹ.
Đường Kinh Dương Vương, đoạn gần bến xe miền Tây, luôn lâm vào tình trạng ngập nặng sau mưa lớn. Ảnh: Trường Nguyên. |
Theo tính toán, số nhà dân đủ diện tích để đào hồ ở TP chỉ trong khoảng 20-25%, nếu triển khi thì có thể được 5-10%.
Dù người dân đồng ý xây hồ thì quá trình xây dựng - vận hành - bảo dưỡng cũng tốn chi phí không nhỏ, không phải ai muốn làm cũng được, chưa kể cái hồ có thể ảnh hưởng đến các công trình xung quanh.
Bên cạnh đó, hồ trong nhà còn kèm theo nhiều vấn đề khác như ảnh hưởng kết cấu ngôi nhà, xuất hiện muỗi, rắn rết khi chứa nước…
Nên tôi cho rằng, trên lý thuyết, vấn đề đào hồ trong nhà dân rất khó khả thi.
- Vậy đề án này nên thực hiện thế nào?
- Theo tôi, trong 4 loại nêu trên thì có thể thực hiện 3 loại hồ lớn trước, còn đào trong nhà dân thì có thể bỏ qua. Hơn nữa, hồ trong nhà dân chỉ chứa vài m3 nước, cộng lại cũng không thấm vào đâu.
Cần triển khai ngay các hồ lớn để thu gom, điều tiết nước mưa cùng những hồ nhỏ tại các khu vực thường ngập úng. Trong đó, chú ý hồ ngầm trong công viên, trường học, khu công nghiệp, dưới các tiểu đảo để gom và phân tán nước.
Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP HCM). Ảnh: Trường Nguyên. |
Trong trường hợp người dân đồng tình đào hồ trong nhà thì TP phải hỗ trợ chi phí xây dựng. Tôi cho rằng hiệu quả sẽ không cao vì rất manh mún, nơi đào nơi không.
Tuy nhiên, khi thực hiện những hồ hàng chục, hàng trăm ha thì cần có kế hoạch chi tiết, rõ ràng. Phải vẽ chi tiết lưu vực của hồ, xác định chính xác đường phân thủy để tính toán được hiệu quả thu gom nước khi mưa lớn, chứ không phải muốn đào đâu cũng được.
Ngoài việc xây hồ với chức năng chống ngập, cơ quan chức năng nên kết hợp thêm thủy lợi, cảnh quan sinh thái phát triển du lịch, tạo nguồn thu để bảo dưỡng hồ.
- Trong tình hình ngập úng như hiện nay, TP nên làm gì để giảm bớt phiền hà cho người dân?
- Trước hết, để giảm tình trạng ngập úng, TP nên kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm kênh rạch đã xảy ra hàng chục năm nay nhằm bảo vệ những tuyến thoát nước chính.
Không thể để tình trạng xây dựng rồi đến phạt khi “chuyện đã rồi”. Chúng ta phải mạnh dạng “đòi lại” diện tích kênh rạch bị chiếm trái phép.
Một nhà dân trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh bị ngập nặng nhiều giờ, hư hỏng nhiều tài sản sau trận mưa lớn ngày 15/9. Ảnh: Trường Nguyên. |
Tính toán thật kỹ và triển khai xây dựng những hồ chống ngập lớn, đặc biệt là tại vùng thấp trũng. Tiếp đó đào hồ ngầm trong các khu công nghiệp, công viên, công trình công cộng, tiểu đảo trên đường để rút nhanh nước bề mặt tại những điểm ngập nặng, giảm áp lực cho hệ thống cống thoát nước cũ kỹ và xuống cấp.
Đáng lo ngại là hệ thoát thoát nước mưa của chúng ta hiện nay vẫn chưa tách riêng được với hệ thống nước thải. Có thể thấy nhiều khu vực ngập nặng không chỉ do nước mưa mà còn cả nước thải độc hại, đen ngòm hôi thối.
Do đó, TP cần phải từng bước nâng cấp và tiến tới thay mới toàn bộ hệ thống cống thoát nước và tách riêng nước thải - nước mưa.
Hiện nay vấn đề cơ sở hạ tầng ở khu trung tâm đã ổn định, khó áp dụng phương án đào hồ chống ngập bên trong. Khả quan nhất là áp dụng vào những vùng sắp đô thị hóa, thực hiện quy hoạch ngay từ đầu, buộc chủ đầu tư cam kết thực hiện trong dự án phải có hồ điều hòa, chống ngập.
Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP đang nghiên cứu đề án của Trung tâm quản lý nước và khí hậu - ĐH Quốc gia TP HCM về dự án quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng trong thời gian tới.
Những người làm dự án này đề xuất đào nhiều loại hồ theo các cấp độ khác nhau, diện tích từ hàng trăm ha ở khu vực ngoại thành cho đến hồ vài m2 trong nhà dân để tích nước mưa.
Các loại hồ được đề xuất chia làm 4 cấp độ: Cấp 1 là những loại hồ rộng vài ha đến hàng trăm ha như Gò Dưa (Thủ Đức), Khánh Hội (quận 4) đang được nghiên cứu, triển khai.
Cấp 2 là các loại hồ vài nghìn m2 trong các khu công nghiệp, khu đô thị. Cấp 3 là hồ ngầm tại công viên, trường học, bệnh viện. Cấp 4 là hồ chứa nhỏ, diện tích vài m2 ngay trong nhà dân.
Khi trời mưa, lượng nước trên mặt sẽ được phân tán vào bốn cấp độ hồ trên để ngăn ngập úng, giảm áp lực lên hệ thống cống thoát nước. Khi mưa hết, số nước này có thể thải từ từ ra cống thoát.
Trong bốn loại hồ trên, việc đào hồ ngay trong nhà dân khiến nhiều người băn khoăn.