Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không quan sát nhật thực bằng thiết bị tự chế quá 10 giây

Trao đổi với Zing.vn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết người dân cả nước có thể quan sát nhật thực ngày 9/3 với tỷ lệ khác nhau, nhưng cần đảm bảo an toàn mắt.

- Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo hiện tượng nhật thực sắp diễn ra ở Thái Bình Dương ngày 9/3. Tuy nhiên, ở mỗi khu vực khác nhau, chúng ta có thể quan sát được nhật thực một phần hay nhật thực toàn phần. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?

- Nhật thực toàn phần lần này chỉ có thể quan sát được ở khu vực Nam Thái Bình Dương, cụ thể chỉ có một số khu vực thuộc Indonesia là những vùng đất liền quan sát được.

nhat thuc,  thien van,  mat trang che khuat dia mat troi anh 1

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam, tác giả và đồng tác giả của hơn 100 bài viết dưới nhiều hình thức về thiên văn học và vật lý thiên văn bằng tiếng Việt. Ảnh: Dangvutuanson.info

Ở Việt Nam cũng như các khu vực lân cận chỉ quan sát được nhật thực một phần. Lý do là nhật thực gây ra bởi khi Mặt trăng đi vào giữa Trái đất và Mặt trời, tùy theo góc nhìn sẽ thấy Mặt trăng che toàn bộ, một phần hay không che Mặt trời.

Có thể tưởng tượng, bạn có một bóng đèn trước mặt, lấy một vật kích thước vừa phải như cuốn sách chẳng hạn đặt giữa bạn và bóng dèn sao cho cuốn sách che vừa hết bóng đèn, nhưng khi bạn di chuyển sang trái hay phải thì góc nhìn thay đổi và sẽ chỉ có thể thấy sách che một phần bóng đèn hay nếu di chuyển đủ xa khỏi vùng bị che khuất thì không còn thấy bóng đèn bị che nữa. Nhật thực cũng như vậy, với Mặt trời là bóng đèn; Mặt trăng là cuốn sách trong ví dụ.

- Nhật thực ngày 9/3 có điểm gì đặc biệt? Nó có khác so với những lần trước đó hay không, thưa ông?

- Nhật thực sẽ diễn ra ngày mai không có bất cứ đặc điểm gì khác những lần trước. Về bản chất, nó cũng chỉ là hiện tượng che khuất quang học và không gây tác động nào đến Trái đất và sinh hoạt của con người.

- Hiện tượng nhật thực có ý nghĩa như thế nào đối với khoa học nói chung và ngành thiên văn nói riêng?

- Khi có nhật thực, đặc biệt là nhật thực toàn phần, Mặt trăng che bớt ánh sáng của Mặt trời nên việc quan sát khu vực rìa ngoài của Mặt trời sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nhờ đó các nhà thiên văn có thể ghi nhận được nhiều hoạt động của Mặt trời mà thông thường khó quan sát.

Đặc biệt, nhật thực toàn phần mang lại cơ hội để quan sát sự bẻ cong đường đi của tia sáng khi đi qua gần Mặt trời như được nêu ra trong thuyết tương đối rộng của Albert Einstein. Tất nhiên, cho tới nay những nghiên cứu này đều đã không còn quá mới mẻ nên mức độ đáng chú ý của nhật thực với các nhà nghiên cứu cũng đã giảm đi nhiều. Dù vậy, nó vẫn là một hiện tượng được quan tâm.

nhat thuc,  thien van,  mat trang che khuat dia mat troi anh 2

Nhật thực toàn phần xảy ra khi mặt trăng hoàn toàn che khuất đĩa mặt trời. Ảnh minh họa: Business Insider

- Những người yêu thiên văn ở Việt Nam cũng có cơ hội chứng kiến nhật thực vào ngày mai. Vậy đâu là địa điểm quan sát lý tưởng nhất?

Ở Việt Nam, do nằm phía bắc khu vực có thể quan sát nhật thực toàn phần, nên phần bị che khuất của đĩa sáng Mặt trời cũng giảm dần về phía bắc. Điều này có nghĩa: người quan sát ở càng sâu về phía nam càng thấy phần che khuất lớn hơn, trong khi các khu vực phía bắc thì phần che khuất nhỏ hơn nhiều.

Tại Hà Nội, hiện tượng che khuất sẽ diễn ra từ 6h57 đến 8h39. Tại TP HCM, hiện tượng bắt đầu lúc 6h35 và kết thúc lúc 8h41. Tất cả các tỉnh thành trên cả nước có thể theo dõi nhật thực, nhưng tỷ lệ che khuất sẽ không giống nhau. Càng vào phía nam, tỷ lệ che khuất càng lớn. Tỷ lệ che khuất ở TP HCM là khoảng 80%, trong khi tại Hà Nội chỉ là 20%.

Để theo dõi hiện tượng này, người quan sát nên chọn vị trí là những nơi có góc nhìn thoáng về phía đông do nhật thực diễn ra khá sớm. Bên cạnh đó thời tiết cũng đóng vai trò quan trọng, nếu mưa hoặc mây mù thì không thể quan sát được. Cho đến hiện tại thì theo dự báo thời tiết, khu vực miền trung và miền nam khá thuận lợi để quan sát, trong khi khu vực miền bắc đang nhiều mây và chỉ có thể hy vọng mây sẽ tan trước lúc nhật thực diễn ra.

- Quan sát nhật thực bằng mắt thường có thể gây tổn thương cho mắt. Một số sai lầm mà mọi người thường mắc khi quan sát hiện tượng này là gì? Cách quan sát đúng nhất là như thế nào?

Bản thân việc nhìn vào Mặt trời trực tiếp luôn luôn có tác động không tốt đến mắt. Thực tế thì nếu chỉ nhìn khoảng 20-30 giây đối với người có thị lực tốt thì về cơ bản chỉ gây lóa nhất thời, chưa gây nguy hiểm hoặc hậu quả lâu dài. Nhưng tất nhiên việc tự kiểm soát thời gian như vậy không thật sự bảo đảm.

Do đó để an toàn, người quan sát cần dùng một kính nhìn Mặt trời (solar glasses). Đây là loại kính không sản xuất tại Việt Nam nhưng hiện nay cũng có nhiều cửa hàng và các câu lạc bộ thiên văn nhập về để bán cho những ai có nhu cầu.

Riêng đối với người nhìn qua ống nhòm hay kính thiên văn hoặc các loại camera có độ phóng đại cao thì cần tới một thiết bị gọi là kính lọc sắc Mặt trời (sun filter) chắn phía trước ống kính để bảo đảm an toàn. Loại thiết bị này hiện cũng không được sản xuất và rất hiếm ở Việt Nam.

nhat thuc,  thien van,  mat trang che khuat dia mat troi anh 3

Để giữ an toàn cho mắt, người yêu thiên văn cần dùng kính nhìn Mặt trời để quan sát nhật thực. 

Ảnh: Birminghammail.co.uk

Một số hiểu nhầm cho rằng việc nhìn qua phim chụp X-quang hay các loại giấy màu, kính tự chế là an toàn đều là sai. Tất nhiên, như tôi đã nói, việc nhìn vào Mặt trời kể cả bằng mắt thường trong khoảng thời gian ngắn là tương đối an toàn, nhưng việc tự kiểm soát khoảng thời gian này là không bảo đảm. Bản thân người quan sát chuyên nghiệp hay các nhiếp ảnh gia muốn thu được những tấm hình đẹp cũng thường bỏ qua các thiết bị an toàn nêu trên.

Tuy nhiên điều đó rất nguy hiểm đối với những người thiếu kinh nghiệm, đặc biệt là với trẻ em còn trong độ tuổi phát triển thị lực hoặc người vốn có thị lực không khỏe.

Do đó nếu trong trường hợp xấu nhất là không thể có bất cứ thiết bị chuyên dụng nào, người quan sát cần bảo đảm có thị lực tốt và chỉ nhìn vào Mặt trời qua các thiết bị tự chế trong khoảng thời gian liên tục không quá 10 giây.




Hải Anh (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm