Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không quân Mỹ chi bao nhiêu tiền để vận hành máy bay?

Máy bay có chi phí vận hành đắt nhất của Không quân Mỹ là E-4B với 73.123 USD/giờ bay, trong khi thấp nhất là phi cơ huấn luyện T-6A 917 USD/giờ.

Khong quan My anh 1
E-4B Nightwatch, 73.123 USD/giờ. Nó là máy bay đắt tiền với sứ mệnh quan trọng. E-4B đóng vai trò là trung tâm điều hành quốc gia trên không, nơi tổng thống, bộ trưởng quốc phòng có thể chỉ đạo lực lượng quân sự Mỹ trong tình huống khẩn cấp, chiến tranh hạt nhân. Không quân Mỹ đang vận hành 4 chiếc E-4B với ít nhất một chiếc luôn trong tình trạng sẵn sàng 24/24. Ảnh: Fotografersha.
Khong quan My anh 2
B-2 Spirit, 62.012 USD/giờ. Đây là máy bay ném bom chiến lược tàng hình duy nhất trên thế giới. B-2 gia nhập hạm đội bay của Không quân Mỹ từ năm 1993. Nó có thể thực hiện cuộc tấn công thông thường lẫn hạt nhân vào những khu vực được bảo vệ kỹ càng nhất trên thế giới. Tính đến cuối năm 2015, 20 chiếc B-2 đang hoạt động trong Không quân Mỹ. Ảnh: U.S Air Force.
Khong quan My anh 3
B-1B Lancer, 51.475 USD/giờ. Nó là máy bay ném bom chiến lược mang nhiều vũ khí nhất của Không quân Mỹ. B-1B cũng là máy bay ném bom siêu thanh duy nhất của Mỹ. Lancer đã được chuyển đổi không sử dụng vũ khí hạt nhân mà chỉ mang vũ khí thông thường. Tính đến cuối năm 2016, Không quân Mỹ đang vận hành 64 chiếc B-1B. Ảnh: U.S Air Force.
Khong quan My anh 4
F-22 Raptor, 38.005 USD/giờ. Đây là tiêm kích tàng hình thế hệ 5 đầu tiên của Mỹ cũng như thế giới. F-22 đạt được khả năng hoạt động ban đầu vào năm 2005. Sự kết hợp hoàn hảo giữa đặc tính khí động học ưu việt cùng kỹ thuật tàng hình giúp F-22 trở nên vượt trội trên không. 183 chiếc F-22 đang hoạt động đưa Mỹ trở thành quốc gia có nhiều tiêm kích tàng hình nhất thế giới. Ảnh: U.S Air Force.
Khong quan My anh 5
B-52H, 33.919 USD/giờ. Là một trong những máy bay ném bom chiến lược được sử dụng lâu đời nhất thế giới. 67 năm đã trôi qua kể từ khi được giới thiệu, B-52 vẫn là trụ cột trong lực lượng ném bom chiến lược của Mỹ với 70 chiếc đang hoạt động. Ảnh: U.S Air Force.
Khong quan My anh 6
WC-135 Phoenix, 33.173 USD/giờ. Nó là một máy bay rất đặc biệt của Mỹ cũng như trên thế giới với vai trò thu thập mẫu không khí để phát hiện vụ thử hay sự cố hạt nhân. WC-135 ra đời nhằm hỗ trợ cho Hiệp ước cấm thử hạt nhân năm 1963. 2 chiếc đang hoạt động trong Không quân Mỹ. Ảnh: Reuters.
Khong quan My anh 7
C-5 Galaxy, 25.742 USD/giờ. Nó là máy bay vận tải lớn nhất của Không quân Mỹ. C-5M có thể chở theo gần 130 tấn hàng hóa với khả năng bay xuyên lục địa. Tính đến tháng 8/2018, Không quân Mỹ đang vận hành 131 chiếc C-5, trong đó 52 chiếc đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn C-5M Super Galaxy. Ảnh: AP.
Khong quan My anh 8
JSF F-35, 18.501 USD/giờ. Chương trình máy bay chiến đấu tàng hình đắt nhất mọi thời đại đạt được khả năng hoạt động ban đầu vào năm 2016. JSF đang được phát triển với 3 phiên bản, F-35A cho không quân, F-35C cho hải quân và F-35B cho thủy quân lục chiến. Chương trình JSF đang đối mặt với hàng loạt chỉ trích vì chậm tiến độ, lỗi kỹ thuật và phát sinh chi phí. Ảnh: U.S Air Force.
Khong quan My anh 9
F-15E Strike Eagle, 17.936 USD/giờ. Là xương sống trong lực lượng tấn công của Không quân Mỹ, F-15E tham chiến ở khắp nơi trên thế giới. F-15 đã chứng minh là một trong những máy bay chiến đấu hiệu quả nhất. Không quân Mỹ đang vận hành 219 chiếc F-15E. Với phiên bản F-15C cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, chi phí vận hành cao hơn với 22.233 USD/giờ. Ảnh: U.S Air Force.
Khong quan My anh 10
C-17 Globemaster III, 16.236 USD/giờ. Đây là ngựa thồ chủ lực của Không quân Mỹ với 157 chiếc đang hoạt động. C-17 là máy bay linh hoạt nhất trong hạm đội vận tải của Không quân Mỹ. Nó có thể chở quân, hàng hóa, vũ khí, phương tiện chiến tranh. Nó cũng là phương tiện phục vụ hậu cần cho các chuyến công du của tổng thống Mỹ. Ảnh: U.S Air Force.
Khong quan My anh 11
MC-130H Combat Talon, 15.166 USD/giờ. Nó là phiên bản có chi phí vận hành đắt nhất của dòng máy bay vận tải huyền thoại C-130 Hercules. MC-130H là phiên bản cấu hình riêng cho lực lượng đặc nhiệm Mỹ để triển khai lính đặc nhiệm trên các khu vực chiến sự. Tính đến năm 2016, 18 chiếc MC-130 đang hoạt động. Ảnh: U.S Air Force.
Khong quan My anh 12
U-2 Dragon Lady, 12.496 USD/giờ. Là một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh nhưng đến nay khả năng do thám của U-2 vẫn chưa có máy bay nào so sánh được. Với khả năng hoạt động ở rìa không gian, U-2 có thể lập bản đồ toàn bộ lãnh thổ Iraq chỉ trong một lần bay. Tính đến tháng 9/2015, 33 chiếc U-2 vẫn đang hoạt động. Ảnh: U.S Air Force.
Khong quan My anh 13
F-16C/D, 8.000-8.696 USD/giờ. Dù chi phí vận hành khá thấp, F-16 vẫn được xem là một trong những máy bay chiến đấu có năng lực cao nhất trong dòng tiêm kích thế hệ 4. Nó sở hữu khả năng chiếm ưu thế trên không và tấn công mặt đất mạnh mẽ. Đến cuối năm 2015, 1.017 chiếc F-16 các phiên bản đang hoạt động trong Không quân Mỹ. Ảnh: U.S Air Force.
Khong quan My anh 14
C-130J Super Hercules, 6.651 USD/giờ. Nó là phiên bản mới nhất của dòng máy bay vận tải hạng trung huyền thoại C-130 Hercules. Hơn 60 năm trôi qua kể từ khi được đưa vào hoạt động, C-130 vẫn cho thấy giá trị sử dụng cao và chưa thể thay thế. Ảnh: U.S Air Force.
Khong quan My anh 15
T-6A Texan, 917 USD/giờ. Nó là máy bay có chi phí vận  hành thấp nhất của Không quân Mỹ. T-6A được sử dụng để huấn luyện phi công với 44 chiếc đang hoạt động. Ảnh: U.S Air Force.

Mỹ kiếm bộn tiền nhờ triển lãm máy bay quân sự

Những cuộc triển lãm máy bay quân sự trên khắp nước Mỹ và Canada hàng năm thu về hơn 110 triệu USD cho các nhà tổ chức, cùng nhiều hợp đồng béo bở.

Mỹ có thể mua phiên bản mới của chiến đấu cơ F-15 huyền thoại

Tiêm kích F-15X tuy không có khả năng tàng hình nhưng là chiến đấu cơ mang nhiều tên lửa nhất thế giới. Đây là lựa chọn hợp lý nếu ngân sách Không quân Mỹ cho phép.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm