Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không 'phong sát' các nghệ sĩ Việt vi phạm

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết chỉ tham khảo kinh nghiệm của các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, nhưng không dùng các biện pháp “phong sát” hay “cấm sóng” với nghệ sĩ.

Trấn Thành từng vướng những tranh cãi khi trêu đùa ngoại hình của ca sĩ Đức Phúc trong một chương trình truyền hình. Ảnh: VieOn.

Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ vướng vào các lùm xùm cá nhân, phát ngôn gây tranh cãi. Tại một sự kiện ra mắt dự án phim, Trấn Thành bị chỉ trích khi phát ngôn “Đời nghệ sĩ khó nuốt hơn quý vị nghĩ nhiều”. Tại cùng sự kiện, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị khán giả, báo chí và giới truyền thông đánh giá là trò lố khi tự nhận mình là “vua”.

Dù gặp nhiều ồn ào về phát ngôn phản cảm, chiêu trò PR, Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng hay bất kỳ nghệ sĩ nào ở Việt Nam cũng không bị cấm sóng. Họ dễ dàng xuất hiện trên mạng xã hội, chương trình truyền hình, sân khấu nếu đạt được thỏa thuận với nhà sản xuất, nhà phát hành.

Với các quy định đang được soạn thảo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có thể hạn chế việc xuất hiện của các nghệ sĩ có hành vi sai trái. Tuy nhiên, cả hai bộ đều nhấn mạnh sẽ không dùng những từ mạnh như "phong sát".

“Chúng tôi chưa từng đề cập đến việc phong sát, cấm sóng nghệ sĩ. Bộ TTTT nghiên cứu kinh nghiệm về việc cấm sóng từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, nhưng ở Việt Nam chỉ dùng từ ‘hạn chế hình ảnh’”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), cho biết tại họp báo thường kỳ của Bộ TTTT ngày 5/5.

phong sat anh 1

Đàm Vĩnh Hưng gặp phản ứng trái chiều khi tự nhận mình là vua trong dự án phim tiểu sử.

Giải thích nguyên nhân, đại diện Cục PTTH&TTĐT cho biết ở Việt Nam, để cấm một hoạt động của công dân thì cần có văn bản pháp luật quy định. Do đó, chưa thể nói đến việc “cấm sóng” hay “cấm xuất hiện” trên mạng hay trên truyền thông.

“Có thể sử dụng từ ‘hạn chế hình ảnh’ như một quy định mềm, vận động cơ quan báo chí, các nhà sản xuất chung tay với nhà nước trong việc làm sạch môi trường nghệ thuật biểu diễn bằng cách không mời các nghệ sĩ vi phạm bộ quy tắc mà Bộ VHTTDL đã ban hành”, ông Tự Do cho biết, lưu ý rằng đây là việc làm trên tinh thần đồng thuận, tự nguyện, không bắt buộc.

Về quy tắc cụ thể với các nghệ sĩ, đại diện Cục PTTH&TTĐT cho biết đây là vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa, quản lý nghệ sĩ và hoạt động biểu diễn, Bộ TTTT có vai trò phối hợp trong các vấn đề liên quan đến môi trường mạng.

“Phong sát” là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành giải trí Hoa ngữ, có nghĩa là là lệnh cấm vận, không cho phép một người nổi tiếng tiếp tục tham gia hoạt động nghệ thuật, hoặc xuất hiện trước công chúng do có hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật. Các phương tiện truyền thông không được phát sóng chương trình, ấn phẩm và cả tin tức liên quan đến người bị “phong sát” và phải gỡ bỏ các sản phẩm đã phát.

Tại cuộc họp tổng kết hoạt động phát thanh, truyền hình năm 2022, ông Tự Do cho biết một số nghệ sĩ nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng ở Việt Nam có các hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội, trong khi đó các mức phạt tiền không đủ răn đe, do đó các cơ quan chức năng tại Việt Nam đang tìm hiểu kinh nghiệm xử phạt theo hình thức cấm xuất hiện trước công chúng.

Trong tọa đàm "Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ" vào 19/4, ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VHTTDL cũng khẳng định sẽ có nhiều biện pháp tiếp theo để làm sạch không gian mạng và lĩnh vực nghệ thuật.

"Sẽ có những hình thức nghiêm khắc và khung pháp lý để xử lý nghệ sĩ có hành vi sai trái, thậm chí có thể có những biện pháp mạnh, chẳng hạn không cho xuất hiện. Hy vọng quy chế được áp dụng sớm hơn tháng 10”, ông Trần Hướng Dương cho biết.

Vào tháng 10, sẽ có các quy định hạn chế các hoạt động phát sóng, biểu diễn, quảng cáo đối với những nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng ban hành Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng chỉ mang tính định hướng, tham khảo. Quy định vào tháng 10 tới sẽ là lần đầu Việt Nam hạn chế hoạt động của các nghệ sĩ, KOLs vi phạm pháp luật.

Đối với vấn đề việc kiểm soát nội dung độc hại trên môi trường mạng, đại diện Bộ TTTT cho biết đã gửi công văn, kế hoạch kiểm tra TikTok đến các Bộ, ngành liên quan để cử người tham gia. Đến nay, Bộ TTTT đã hoàn thành đề cương kiểm tra và đoàn kiểm tra sẽ làm việc trực tiếp tại TikTok Việt Nam từ 15/5 đến cuối tháng.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.

Dấu hiệu nhận biết cuộc gọi deepfake lừa tiền

Dùng AI giả mạo người thân qua cuộc gọi video là hình thức lừa đảo trực tuyến mới. Người nhận cuộc gọi cần chú ý đến các dấu hiệu hình ảnh, âm thanh để tránh trở thành nạn nhân.

Sàn mua bán dữ liệu cá nhân ở Trung Quốc

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân như một yếu tố sản xuất, bất chấp việc chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng.

Hoàng Nam - Tuấn Anh

Bạn có thể quan tâm