Lịch sử bóng đá ghi dấu trong lòng người hâm mộ qua màn tỏa sáng của các cá nhân hơn là tính tập thể. Từ cú ngoặt bóng của Johan Cruyff, động tác giả của Pele, những pha khiêu vũ của Diego Maradona, cú vô lê của Marco van Basten... những pha bóng thiên tài của các cầu thủ tấn công để lại ấn tượng sâu đậm nhất.
Nhưng để một tập thể nào đó thành công ở giải đấu lớn, cá nhân trên hàng công tỏa sáng là điều chưa đủ. Thay vào đó, trước hết nhà vô địch phải là tập thể đảm bảo được khâu phòng ngự, luôn hạn chế nguy cơ thủng lưới. Phòng thủ chặt không "sexy" nhưng đóng vai trò quyết định trong việc đem lại vinh quang.
Từ vòng knock-out World Cup 2014, Đức chỉ để thủng lưới 2 bàn trước khi lên ngôi. |
Các nhà vô địch đều thủ chặt
Để minh chứng rõ hơn về điều này, hãy nhìn lại những đội đã vô địch 4 kỳ World Cup gần nhất, và 4 kỳ Euro gần nhất. Các nhà vô địch đều chỉ để lọt lưới rất ít bàn thắng trước khi nâng cúp.
Trong số đó, Hy Lạp của Euro 2004, Tây Ban Nha tại Euro 2008, World Cup 2010, Euro 2012 không để lọt lưới bàn nào kể từ vòng knock-out. World Cup 2002, Brazil chỉ để lọt lưới 1 bàn sau tình huống của Michael Owen. Nhà vô địch World Cup 2006, Italia chỉ dính cú Panenka của Zinedine Zidane ở trận chung kết.
World Cup 2014, Đức bị thủng lưới 2 bàn suốt cả chặng đường từ vòng 16 đội. Nhưng cả 2 đều chỉ mang ý nghĩa vớt vát danh dự cho đối thủ (trận Algeria và Brazil). Lần gần nhất là Euro 2016, thủ môn Bồ Đào Nha chỉ phải vào lưới nhặt bóng sau cú sút ở cự ly gần của Robert Lewandowski ở trận tứ kết.
Những con số là sự khẳng định chắc chắn. Trong 8 giải đấu lớn gần nhất, từ vòng knock-out (tính cả hiệp phụ), cứ sau 579 phút nhà vô địch mới nhận một bàn thua. Vì thế, nói không ngoa khi khả năng phòng ngự của các đội bóng là điều quyết định cơ hội giành vô địch ở World Cup 2018.
Hàng thủ Brazil gặp không ít rắc rối khi Dani Alves chấn thương. |
Cái tên đầu tiên được nhắc đến là Brazil. 2 kỳ World Cup gần nhất đều không thành công với họ khi bị loại ở tứ kết và bán kết. Trong đó, World Cup 2014 là cơn ác mộng với người dân Brazil khi đội bóng của họ bị Đức chọc thủng lưới đến 7 lần. Tiếp đó, Hà Lan dễ dàng nã vào khung thành của Julio Cesar 3 bàn ở trận tranh hạng 3.
Hướng đến World Cup 2018, hàng thủ của Brazil được đánh giá cao hơn so với 2 giải đấu trước đó. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Dani Alves thực sự là nỗi lo, dù rằng trong tay HLV Tite vẫn có Danilo, hay Fagner sẵn sàng đảm nhiệm vị trí hậu vệ phải. Nhưng thực tế cho thấy, cả hai chưa phải là phương án đáng để tin cậy.
Hướng đối diện, Marcelo là hậu vệ có khả năng tấn công thuộc hàng tốt nhất thế giới, nhưng khả năng phòng ngự của anh lại là dấu hỏi lớn. Còn nhớ trận thua 1-7 trước Đức, Marcelo là vị trí bị khai thác nhiều nhất. Ngoài ra, Thiago Silva liệu có đủ tốc độ để theo kèm đối thủ?
Tây Ban Nha đáng gờm nhất
Neuer không có phong độ tốt nhất khi chỉ mới trở lại sau chấn thương nặng. |
Xét về lý thuyết, Đức xứng đáng số một ở khả năng phòng ngự. Bộ 3 Mats Hummels, Jerome Boateng và Joshua Kimmich đã quá hiểu ý khi cùng chơi cho Bayern Munich, chưa kể trong khung gỗ là cái tên quen thuộc Manuel Neuer.
Tuy nhiên, Boateng và Neuer chưa ở trạng thái thể lực tốt nhất sau chấn thương. Nên nhớ, Hummels tương đối chậm, anh chỉ phát huy tối đa năng lực khi có sự hỗ trợ tốt của Boateng và Neuer, những cầu thủ rất nhanh nhẹn. Vị trí hậu vệ trái của Jonas Hector cũng khiến không ít người hoài nghi khi câu lạc bộ Cologne của anh vừa xuống hạng ở Bundesliga.
Trên lý thuyết, Hector là một hậu vệ cánh trái chuyên nghiệp, chắc chắn là phù hợp hơn trung vệ Benedikt Howedes hồi năm 2014. Howedes không thể sử dụng chân trái một cách thuần thục và không thể hỗ trợ tấn công. Tuy nhiên, trong khâu phòng ngự Hector là một mối lo ngại với đội tuyển Đức.
Tuyển Pháp mang đến Nga hàng phòng ngự trẻ trung, giàu nhiệt huyết khi Laurent Koscielny không thể tham dự vì chấn thương. Samuel Umtiti và Raphael Varane chắc chắn sát cánh cùng nhau ở vị trí trung vệ. Hai cánh, Benjamin Mendy và Djibril Sidibe là 2 cái tên được Didier Deschamps tin tưởng.
Phía trên, bộ tứ vệ của những cú “Gà trống Gô-loa” có sự hỗ trợ đắc lực từ N’golo Kante. Về cơ bản, hàng thủ của tuyển Pháp thật sự đáng gờm, nhưng không phải không có điểm yếu. “Tử huyệt” ở đây là thủ thành Hugo Lloris, người vừa mắc sai lầm chết người sau pha bóng của Julian Green (tuyển Mỹ).
Ngày đẹp trời, Lloris có thể hóa giải mọi cú sút của đối thủ, điều đó thể hiện rõ ở thời gian anh khoác áo Tottenham và tuyển Pháp. Nhưng không ít thời điểm, Lloris nghiệp dư một cách khó hiểu, và một sai lầm của anh đủ để khiến tuyển Pháp ôm hận như trận giao hữu vừa rồi.
Pique và Ramos đang ở giai đoạn chín nhất của sự nghiệp. |
Tây Ban Nha sở hữu bộ tứ vệ đều ở độ chính nhất của sự nghiệp. David De Gea được rất nhiều người ca tụng là “siêu nhân” trong khung gỗ, trong khi độ lão luyện của Gerard Pique và Sergio Ramos là điều không thể bàn cãi.
Hai hành lang cánh, Jordi Alba là một trong những hậu vệ trái hay nhất thế giới. Dani Carvajal cũng đã kịp bình phục chấn thương. Phía trên, Tây Ban Nha có sự hỗ trợ tuyệt vời từ Sergio Busquets. Lối chơi ngắn, di chuyển liên tục của xứ đấu bò luôn khiến đối thủ chịu áp lực từ giữa sân, thế nên hàng thủ cũng nhẹ gánh hơn rất nhiều.
Đánh giá tổng quan tình hình hàng thủ của các đội, có vẻ như Tây Ban Nha là đội chiếm ưu thế để bảo toàn mảnh lưới ở các trận knock-out. Bộ tứ vệ Carvajal - Ramos - Pique - Alba của Tây Ban Nha đang ở giai đoạn chín mùi của sự nghiệp. Nhưng liệu sự thay đổi huấn luyện viên đột ngột có ảnh hưởng đến sự vững vàng của Tây Ban Nha?