Trong các video AI, hình ảnh người hoặc vật thể biến dạng một cách phi lý, không tuân theo các quy luật vật lý hay logic. Ảnh: Bilibili. |
Mặc dù có sự đầu tư đáng kể từ các công ty lớn như OpenAI, Google, đôi khi các video do AI tạo ra vẫn khó đạt được tính chân thực, thuyết phục người xem. Một số sai sót thú vị được chia sẻ khắp nơi trên Internet, khơi dậy một trào lưu mới trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc như TikTok và Bilibili.
Cụ thể, người dùng nước này đua nhau tạo video chế nhạo khiếm khuyết của các nội dung do AI tạo ra. Xu hướng này dần lan sang X (trước đây là Twitter), cũng là nơi người dùng thường xuyên chia sẻ những meme hài hước.
Đoạn video nhại lại hiệu ứng AI hài hước. Ảnh: Bilibili. |
Các video này thường nhại lại các video của AI tạo sinh. Trong đó, hình ảnh người hoặc vật thể biến dạng một cách phi lý, không tuân theo các quy luật vật lý hay logic.
Thay vì chỉnh sửa hay dùng hiệu ứng cắt ghép đặc biệt, người dùng mạng xã hội Trung Quốc khéo léo uốn éo cơ thể, sắp xếp đạo cụ và các thủ thuật trên máy quay để tái hiện những chuyển động siêu thực này. Điều này tạo ra những đoạn video kỳ quặc và hài hước.
Nổi bật nhất phải kể đến một video do người dùng @theGioM chia sẻ trên X. Đoạn clip mô phỏng các hiệu ứng biến hình vụng về của AI. Những nhân vật trong video thực hiện đủ loại động tác ngẫu nhiên và hỗn loạn, kỳ lạ y hệt các video do AI tạo ra.
Video này đã thu hút được hơn 5 triệu lượt xem, nhận được không ít khen ngợi từ cộng đồng mạng.
"Đây là nghệ thuật trình diễn ở mức đỉnh cao. Giờ đây đã đến lúc nghệ thuật bắt chước AI, thật cảm động đến rơi nước mắt”, một người dùng nhận xét. “Các bạn có thể nhận ra sự khác biệt không? Vì tôi không thể”, một người dùng nói. Người này cho rằng phong cách quay video chế rất giống với các video do AI tạo ra.
Một người dùng khác hóm hỉnh gợi ý: "Tôi nghĩ rằng nó vẫn cần một chiếc mô tô biến thành tàu siêu tốc và bay lên trời. Nhưng nhìn chung, tác phẩm xuất sắc”. Những video chế này không giải trí mà còn cho thấy tình hình hiện tại của các công nghệ AI. Chúng vẫn còn một chặng đường dài trước khi có thể tái hiện thực tế một cách hoàn hảo.
Ý tưởng chế nhạo các thiếu sót của AI không phải là mới. Hồi đầu năm, diễn viên Will Smith đã đăng tải video nhại lại meme ăn mì spaghetti của chính mình được tạo bởi AI. Đoạn video AI được nhận xét là một cảnh tượng kinh hoàng, thay vì một bữa ăn ngon. Video này nhanh chóng trở nên nổi tiếng vì động tác kỳ lạ và không thoải mái của “bản sao Will Smith”.
Video Will Smith ăn mì gây sốt. |
Đây cũng không phải là sự cố duy nhất. Tháng 5/2023, một quảng cáo bia tạo bởi AI được tạo ra bằng mô hình Gen-2 của Runway, cũng gây tranh cãi vì những cảnh phim phi logic.
AI này tạo ra một câu chuyện siêu thực, rời rạc, khiến người xem bối rối. Những thất bại này khiến không ít người dùng hoài nghi và tò mò đối với khả năng thật sự của AI.
OpenAI và Runway là 2 công ty AI liên tục cải thiện độ chân thực và logic của các video tạo bởi AI, bằng cách mở rộng dữ liệu đào tạo và tăng cường sức mạnh tính toán để xử lý dữ liệu này tốt hơn.
Được công bố vào tháng 2, Sora của OpenAI có khả năng tạo ra các cảnh quay chân thực. Nhưng thành công của nó phần lớn phụ thuộc vào sự tương đồng của các đoạn phim với bộ dữ liệu có sẵn.
Điều này có nghĩa là mặc dù Sora có thể tạo ra nội dung video logic theo câu lệnh của người dùng, nó vẫn gặp khó khăn khi được yêu cầu tạo ra các cảnh không nằm trong phạm vi đã được đào tạo. Video cuối cùng hoặc sẽ rất chân thực, hoặc sẽ rất kỳ lạ với các đối tượng và nhân vật hành xử theo những cách phi thực tế.
Dùng ChatGPT thế nào để không tạo ra nội dung vô tri
Sự phát triển của AI mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít mối lo đối với ngành xuất bản, đặc biệt là nhóm tác giả viết sách.
Các tác giả sách cần phải chấp nhận sự vươn lên của AI, sử dụng chúng như một "siêu trợ lý" thay vì chối bỏ trào lưu. Chia sẻ với Tri thức - Znews, nhiều cây viết cho rằng người làm sách vẫn có thể đứng vững trong thời đại AI nếu biết cách tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.