Chiều 15/10, mưa ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) bắt đầu nặng hạt hơn. Dọc tuyến đường 71 dẫn vào thủy điện Rào Trăng 3, từng đoàn xe chuyên dụng, cấp cứu vẫn liên tục ra vào. Xa xa phía ngọn núi phủ đầy mây, bộ đội công binh và công nhân gấp rút sửa đường.
Ông Hoan (cha của một công nhân mất tích) 3 ngày qua vẫn đứng, ngồi ở quán nước gần ngã ba đường có chốt cảnh sát. Nhìn về dãy núi với ánh mắt đăm chiêu, người đàn ông ngoài 60 tuổi hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến với con trai đang ở đâu đó phía thủy điện vừa xảy ra sạt lở.
"Chưa có tin tức gì của con tôi"
Chiều 15/10, 13 thi thể đã được tìm thấy ở tiểu khu 67, trong đó có thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4.
Trong cơn mưa tầm tã, xe cứu thương chở người gặp nạn về Bệnh viện Quân y 268 (TP Huế) để nhận dạng. Người dân xã Phong Xuân không cầm được nước mắt. Họ đứng bên đường, nhìn theo từng chiếc xe chở thi thể khuất dần vào bóng tối.
“Các anh ấy không ngại nguy hiểm, vượt mưa đêm, gió lạnh để vào hiện trường tìm kiếm người gặp nạn nhưng rồi chính các anh lại hy sinh”, một người dân nói.
3 ngày rồi, vẫn chưa có tin tức gì của con tôi. Không còn hy vọng nhưng tôi vẫn mong có phép màu đến.
Ông Lê Văn Hoan
Ngồi thẫn thờ ở góc quán cạnh tỉnh lộ 11B, ông Hoan (trú xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) hướng đôi mắt đầy lo âu về dãy núi đầy mây sương, nơi từng đoàn quân đang tiến vào hiện trường vụ sạt lở đất.
Đã 3 ngày trôi qua, ông cùng người thân ở đó chờ thông tin về con trai tên Lê Văn Sáng (37 tuổi). Mỗi khi xe cấp cứu hú còi chạy qua, ông bật dậy, cố nhìn vào trong xe xem có con mình hay không. Nhưng cả chục lần như thế, người cha vẫn bặt tin con.
"Đến nay vẫn chưa có tin tức gì của con tôi. Không còn hy vọng nhưng tôi vẫn mong có phép màu", ông Hoan trầm ngâm.
Con trai ông Hoan làm nghề lái máy công trình đã hơn 10 năm. Khoảng 3 năm nay, một chủ thầu cùng quê gọi anh Sáng vào Thừa Thiên - Huế lái máy cho công trình thuỷ điện đang xây dựng. Đầu tháng 10, Sáng lên đường vào Rào Trăng 3 nhưng gặp mưa lớn. Qua điện thoại, anh nói với gia đình rằng sẽ quay về sau khi đưa máy vào công trình.
Trưa 12/10, ông Hoan nghe tin thuỷ điện Rào Trăng 3 bị sạt lở, vùi lấp nhiều người. Ông liên lạc với con nhưng không được. Người họ hàng cùng làm ở thuỷ điện sau đó thông báo anh Sáng gặp nạn khi đang ở nhà điều hành.
"Người ta bảo đã tìm được thi thể cháu và liên hệ gia đình vào nhận dạng nên tôi thuê xe vượt hơn 300 km vào đây. Tuy nhiên, hơn 3 ngày, Sáng vẫn bặt vô âm tín", ông buồn rầu.
Cùng đến Phong Xuân ngóng chờ tin con, bà Nguyễn Thị Hằng (47 tuổi, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) mắt đỏ hoe, chỉ biết lắc đầu khi người xung quanh hỏi thăm.
Những chuyến xe đưa thi thể nạn nhân rời hiện trường. Ảnh: Việt Linh. |
Con trai bà Hằng là Bùi Đức Thọ (25 tuổi) là một trong số 16 người còn mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3.
Khi đọc tin tức về vụ sạt lở, bà linh tính có chuyện chẳng lành nên gọi điện cho con nhưng không được. Số máy những người bạn cùng đi làm với Thọ cũng mất liên lạc.
Bà Hằng gọi điện cho chỉ huy công trình. Người này thông báo Thọ đã chạy thoát sang thủy điện Rào Trăng 4, cách hiện trường sạt lở khoảng 10 km. Nhưng khi rà soát những người thoát nạn, họ không thấy Thọ.
Lo lắng và bất an, gia đình bà bắt ôtô từ Quảng Trị vào Thừa Thiên - Huế. Họ dò hỏi để đến công trình thủy điện nhưng tuyến đường nguy hiểm đang được lực lượng chức năng chốt chặn. Nghe tin một thi thể được đưa về Bệnh viện Bình Điền, vợ chồng bà Hằng thuê xe chạy đến nhận dạng. Nhưng nạn nhân này không phải con trai họ.
Ba ngày qua, người mẹ 47 tuổi cũng ngồi ở quán nước ven tỉnh lộ 11B ngóng tin con.
Cõng nhau tháo chạy
Là một trong những người may mắn thoát nạn khi đống đất, đá đổ ập xuống khu nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3, anh Hồ Văn Thoàn (27 tuổi, trú huyện Đắkrông, Quảng Trị) đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng.
Ầm một cái, nửa quả đồi sạt xuống, đè bẹp nhà điều hành, lán trại.
Anh Hồ Văn Thoàn
"Ầm một cái, nửa quả đồi sạt xuống, đè bẹp nhà điều hành, lán trại. 7 người sống sót phải men theo khe suối, chạy lên quả đồi không bị sạt lở. Suốt đêm mưa lạnh, không ai dám ngủ, chỉ chờ trời sáng, nhìn rõ đường lại chạy khỏi nơi sạt lở”, anh Thoàn nhớ lại.
Nam thanh niên vừa thoát nạn với chi chít vết trầy xước trên cơ thể nói rằng nhiều ngày trước hôm sạt lở, khu vực thủy điện Rào Trăng 3 mưa lớn. Cán bộ kỹ thuật đã yêu cầu công nhân chia thành tốp nhỏ trú ẩn trong nhà kỹ thuật và một số lán trại trên núi cao để đảm bảo an toàn.
Rạng sáng 12/10, khi Thoàn cùng 6 công nhân đang ngủ trong lán ven núi, một tiếng nổ lớn vang cả khu rừng. Sau chốc lát, hàng nghìn khối đất đá và nước ào ào đổ xuống, san phẳng tất cả.
Bảy người trong nhóm Thoàn có một người bị cây đè lên, một người bị bong gân. Những người còn lại phải thay nhau cõng nạn nhân bị thương lên các ngọn đồi không bị sạt lở. Giữa đêm mưa, họ đứng cạnh nhau, không ai chợp mắt.
Anh Hồ Văn Thoàn nhớ lại đêm tháo chạy khỏi Rào Trăng 3. Ảnh: H. Long. |
Còn ông Nguyễn Đình Minh (63 tuổi, trú Quảng Trị) kể lúc hàng nghìn khối đất đá đổ sập xuống, có cành cây đè vào người ông. Những người trong nhóm đã đưa ông ra ngoài, dìu lên núi để trú tránh.
“Đó là đêm dài nhất với chúng tôi. Ai cũng bị thương nhưng cố dìu nhau chạy lên núi. Đói, lạnh, không ai dám ngủ, mọi người chia nhau từng miếng mỳ gói nhặt được mà không biết mình có qua nổi nguy hiểm này không”, ông Minh nhớ lại.
Theo ông Minh, dọc hành trình di chuyển đến thủy điện Rào Trăng 4 lánh nạn, họ may mắn gặp ôtô của thủy điện nhưng đi được một đoạn phải chuyển sang ghe và đi bộ vì sạt lở.
Đến trưa 13/10, nhóm công nhân trên tiếp cận được thủy điện Rào Trăng 4. Một ngày sau, 5 người bị thương được lực lượng cứu hộ đưa về Bệnh viện Đa khoa Bình Điền (thị xã Hương Trà) điều trị.
Nhớ lại giây phút kinh hoàng ngọn đồi đổ sập và hành trình di chuyển thoát khỏi cõi chết, ông Minh, anh Thoàn và những người trong nhóm vẫn không thể tin có thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Bệnh viện Đa khoa Bình Điền cho biết 5 nạn nhân được điều trị tại đây có tên Nguyễn Thanh Quốc, Hồ Văn Diêu, Hồ Văn Thoàn, Nguyễn Đình Minh và Hồ Văn Triều. Sức khỏe nhóm công nhân đã ổn định.