Sáng 6/2, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 11 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và có hiệu lực pháp luật từ 1/7/2020.
Vụ trưởng Vụ pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Đinh Dũng Sỹ cho biết tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật ngày càng gia tăng. Đến nay, các bộ, cơ quan Chính phủ đang còn nợ đọng 24 văn bản hướng dẫn các luật có hiệu lực từ ngày 1/ 1/2020.
Trong 24 văn bản nợ đọng hiện nay, Bộ Công an có 15 văn bản (12 nghị định, 3 thông tư).
Ông Sỹ nhận định Bộ Công an có trách nhiệm rất nặng nề, vì năm 2019 bộ có rất nhiều luật được thông qua, trong đó có những luật rất khó, như các văn bản hướng dẫn Luật An ninh mạng là một vấn đề mới, nhạy cảm, phức tạp, cần nhiều thời gian.
Xin cử người tham gia cũng hàng tháng trời không cử
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), ghi nhận các cơ quan chuyên môn của Chính phủ hỗ trợ bộ rất nhiều, song vướng mắc lớn nhất hiện nay là trách nhiệm của các bộ, ngành chưa thực sự cao trong tham gia phối hợp xây dựng văn bản, ngay khâu gửi xin ý kiến cử người tham gia cũng “hàng tháng trời không gửi”.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an). Ảnh: Hoài Vũ. |
“Ví dụ với 1 thông tư, ngày 24/10/2019 chúng tôi đề nghị gửi kết quả về Bộ Công an nhưng đến nay vẫn không gửi. Nếu những bộ ngành này không gửi thì không thể trình được, bị trả lại để về xin thêm ý kiến”, tướng Ngọc Anh nói.
Ông cũng dẫn chứng quy định về pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự, trong đó yêu cầu Bộ Công an tổng kết thực tiễn, nhưng Bộ “đã làm ngày nào đâu mà tổng kết”.
Dù rất nỗ lực và quyết tâm, theo trung tướng Ngọc Anh, để có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh là rất khó. “Gọi điện hết chỗ này đến chỗ nọ để xin, đến khi có ý kiến thì ý kiến cũng rất gọn là đề nghị tổng kết thực tiễn, dự báo để văn bản phù hợp với thực tiễn, như thế thì không biết làm thế nào đây”, Cục trưởng Cục Pháp chế - Bộ Công an nói.
Chia sẻ đã có hơn 40 năm trong lĩnh vực, ông nói Bộ Công an, đặc biệt Bộ trưởng, có trách nhiệm rất nặng nề. Cứ một tuần phải có báo cáo toàn bộ văn bản, còn không là kiểm điểm, tất cả phải ngồi nghe.
Trước thực tế công tác phối hợp chậm giữa các cơ quan, trung tướng Ngọc Anh đề nghị Tổ công tác có báo cáo với Thủ tướng giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các bộ, ngành phải có trách nhiệm. Nếu văn bản xin ý kiến thì phải nêu rõ trong bao nhiêu ngày, chứ cuối cùng chẳng ai làm gì, chẳng ai bị kiểm điểm thì rất khó.
“Về phần mình, tôi cũng xin nhận khuyết điểm trong việc đôn đốc nội bộ chưa được tốt, đồng thời xin cam kết với Tổ công tác sẽ hoàn thành nhiệm vụ này”, ông Ngọc Anh nói.
Đại diện Văn phòng Chính phủ đề nghị trung tướng Ngọc Anh có cam kết là với văn bản nợ thì chậm nhất 15/4 ban hành. Còn các văn bản có hiệu lực từ 1/7/2020 thì ban hành chậm nhất là 15/5.
Cục trưởng Cục Pháp chế - Bộ Công an ngay lập tức cam kết sẽ thực hiện nhiệm vụ này và coi đây là lời hứa đầu năm.
Không nhất thiết cử thứ trưởng đi họp "cho đẹp”
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, thành viên Tổ công tác Thủ tướng, thừa nhận khâu yếu hiện nay là khâu phối hợp, chậm ngay từ việc cử người phối hợp.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa. Ảnh: H. Vũ. |
“Tôi dự họp rất nhiều cuộc thì thấy hầu như là vắng, người được cử đến được khoảng 50% là hiếm lắm”, ông Thừa nói. Theo ông, nếu các cơ quan cử người đi thay và người đó có trách nhiệm thì càng tốt, vì nhiều khi thứ trưởng, vụ trưởng chưa chắc nắm chắc vấn đề bằng chuyên viên làm trực tiếp.
“Tôi nhớ Thủ tướng, Phó thủ tướng nói nếu nắm chắc vấn đề thì hãy đi. Vì vậy đề nghị các bộ, ngành ủy quyền cán bộ tham dự họp thì có văn bản xin ý kiến và phải cử người có hiểu biết sâu chứ không nhất thiết cứ phải cử thứ trưởng đi họp cho đẹp đâu”, ông Thừa nhấn mạnh.
Ông nhắc các lãnh đạo Chính phủ ở nhiệm kỳ trước hay bây giờ Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đều lưu ý mời họp nên mời những người trực tiếp làm đến dự và cho ý kiến.
Về việc gửi văn bản xin ý kiến các cơ quan liên quan, ông Thừa đề nghị tóm lược và chỉ rõ cần xin ý kiến những nội dung nào chứ không phải gửi sang cả tập tài liệu dày nửa gang tay với mấy chục vấn đề.
Để tăng cường trách nhiệm phối hợp của các bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Thủ tướng giao cho phó thủ tướng phụ trách các bộ gọi và triệu tập các bộ lên họp để đôn đốc.
"Nếu phó thủ tướng thay mặt Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp thì sẽ làm được", ông Thừa nói.