Ông Nguyễn Văn Du - Quyền chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng - cho biết Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu tất cả ngân hàng thương mại rà soát và báo cáo hoạt động cho vay, bảo lãnh dự thầu đối với các khách hàng tham gia/trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đến hiện tại, gần hết các tổ chức tín dụng đã báo cáo liên quan vụ việc, chỉ một số ít các ngân hàng vẫn chưa có báo cáo hoặc xin báo cáo muộn do nhiều nhân viên mắc Covid-19.
Không chỉ căn cứ báo cáo của các tổ chức tín dụng, đại diện cơ quan giám sát ngân hàng còn cho biết đã thực hiện rà soát qua hệ thống CIC (Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia).
"Qua rà soát có 4 công ty trúng đấu giá đất Thủ Thiêm gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần Dream Republic, Công ty Cổ phần Sheen Mega và Công ty TNHH Đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh. Đến nay không có tổ chức tín dụng nào cho vay để doanh nghiệp đặt cọc tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm”, ông Du bổ sung.
Không có tổ chức tín dụng cho vay vụ đấu giá Thủ Thiêm. Ảnh: Chí Hùng. |
Quay lại với vụ đấu giá đất ồn ào, các doanh nghiệp trên đã trúng thầu với tổng giá trị đưa ra là 37.346 tỷ đồng, gấp 7 lần giá khởi điểm. Riêng công ty Ngôi Sao Việt trúng thầu một lô đất với giá cao nhất 24.500 tỷ đồng nhưng cũng là đơn vị đầu tiên xin bỏ cọc.
Ngay sau phiên đấu giá trên, Cục Thanh tra giám sát ngân hàng đã có văn bản đề nghị lãnh đạo các ngân hàng báo cáo thực trạng cấp tín dụng gồm cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu… với các doanh nghiệp tham gia đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm.
Nội dung báo cáo gồm thông tin khách hàng; thông tin hợp đồng tín dụng; mục đích cấp tín dụng; dư nợ đến thời điểm báo cáo (gồm phân loại nợ, nợ gốc, nợ lãi, nội bảng, ngoại bảng, nợ đã xử lý...). Trường hợp xác định khoản cấp tín dụng có liên quan tới mục đích tham gia đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm, Cục Thanh tra giám sát ngân hàng đề nghị các ngân hàng cung cấp toàn bộ hồ sơ cấp tín dụng liên quan.
Sau chỉ đạo trên, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên có văn bản cho biết chưa phát sinh bất kỳ khoản cấp tín dụng cho việc đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua, tiếp ngay đó là SHB cũng ra thông báo tương tự.
Nói thêm về định hướng tín dụng năm 2022, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết dòng vốn sẽ được ưu tiên cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực khó khăn vì Covid-19; trong khi đó kiểm soát chặt chẽ cho vay vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Tú khẳng định Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi rất sát và sẽ có những hội nghị chuyên đề liên quan đến bất động sản nhằm mục đích vừa cảnh báo, vừa định hướng vừa tăng cường kiểm tra giám sát dòng tiền.
"Tuy nhiên điều này không có nghĩa là dòng tiền không vào bất động sản nữa, mà Ngân hàng Nhà nước chỉ hạn chế dòng tiền vào những phân khúc đầu cơ, rủi ro của những dự án lớn. Còn bất động sản phục vụ cho nhu cầu để ở của người dân, cho nhà ở xã hội thì ngân hàng vẫn cho vay", ông Tú giải thích.
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết thêm tăng trưởng tín dụng với ngành bất động sản trong những năm qua đã có xu hưởng giảm, từ mức hơn 26% vào năm 2018 xuống còn dưới 12% trong năm 2020.
Theo số liệu cập nhật đến hết tháng 11/2021, tăng trưởng tín dụng với lĩnh vực bất động sản cũng khoảng 12%. Trong đó dư nợ cho vay với mảng kinh doanh bất động sản chỉ tăng 8,9% còn tín dụng với bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng tăng hơn 13%.