Ngồi vắt chéo chân có thể gây hại cho sức khỏe. Ảnh: Pexels. |
Thực tế cho thấy, nhiều người ngồi vắt chéo chân để tạo cảm giác dáng ngồi đẹp hơn, tăng sự thoải mái. Nhưng nhiều chuyên gia y tế cho rằng không nên ngồi vắt chéo chân bởi ảnh hưởng đến sức khỏe.
ThS.BS Lê Bảo Lệ, Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết mỗi người có một thói quen ngồi để tạo sự thoải mái tuy nhiên không phải tư thế thoải mái nào cũng tốt cho sức khỏe cả. Tư thế bắt chéo chân rất thường gặp trong cuộc sống, nhất là phụ nữ. Theo bác sĩ Lệ, ngồi bắt chéo chân về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến đau vùng cổ, vùng lưng, vùng hông, vùng gối, về lâu dài có thể khiến gia tăng tình trạng nặng hơn đối với những người bị suy giãn tĩnh mạch thậm chí ảnh hưởng đến dáng đi của chúng ta.
Cũng theo bác sĩ Bảo Lệ, khi ngồi bắt chéo chân có nghĩa là chân một bên đặt lên đùi chân còn lại, làm trụ hông của chúng ta không còn cân bằng mà phải nghiêng về một bên. Để cơ thể cân bằng trở lại, vùng cột sống phải lệch sang phía bên đối diện, lâu dần sẽ làm cột sống và lưng cổ không còn thẳng và vô tình phải chịu lực nhiều hơn so với bình thường.
Phần lưng, cổ phải chịu lực nhiều hơn, phần hông, gối thì phải chịu sự đè nén của chân bên kia vắt lên nên về lâu dài thì sẽ gây đau các vùng này. Ngoài ra, khi vắt chéo chân thì vùng phía dưới, sau kheo bị đè thì làm cho tĩnh mạch hồi lưu của vùng cẳng chân đi lên trở lại tim sẽ kém hơn và làm nặng hơn tình trạng suy giãn tĩnh mạch.
"Và một vấn đề nữa là khi ngồi vắt chéo chân thì nó làm cho cột sống bị cong lại bên đối diện, vùng hông chịu lực không đều dẫn đến các cơ vùng cột sống, hông cũng sẽ phát triển không đều. Theo đó, bên chịu lực nhiều hơn sẽ to hơn, bên kém chịu lực hơn sẽ nhỏ hơn. Cái đó dẫn đến tư thế của chúng ta sẽ không còn được thẳng như lúc đầu nữa", bác sĩ Bảo Lệ cho hay.
Theo ThS.BS Lê Bảo Lệ, tư thế ngồi tốt nhất cho sức khỏe là hai chân ngồi đặt song song, lưng và cổ thẳng. Đây là tư thế làm cho lực được phân bố đồng đều xuống cổ, lưng, chậu hông. Vì nó phân bố đều, không có một điểm nào chịu nhiều thiệt hại hơn so với điểm còn lại, do vậy cơ sẽ được phát triển cân đối, dáng ngồi chuẩn.
Chữa lành bằng sách
Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:
Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.