Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, cựu Đại sứ Việt Nam tại 5 quốc gia. Ảnh: Duy Hiếu |
- Trước ngày 11/9/2001, vị thế của Mỹ trên thế giới dường như không thể bị đe dọa, tuy nhiên, sau vụ tấn công, Washington phải phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Theo ông, Mỹ được và mất gì sau sự kiện 11/9?
- 11/9 là một thảm kịch đối với nước Mỹ. Nhà cầm quyền Mỹ đã đối mặt với các mối đe dọa mới từ cái được gọi là "khủng bố quốc tế" nhằm vào an ninh nội địa nước Mỹ một cách có trách nhiệm. Tuy nhiên, khi chính quyền của Tổng thống George Bush phát động hai cuộc chiến nhân danh chống khủng bố, nước Mỹ đã phải trả giá cực kỳ đắt về sinh mạng, của cải và uy tín.
Các cuộc chiến tranh này đã làm suy yếu nước Mỹ. Khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 đã bộc lộ "khủng hoảng kép" của nước này về kinh tế và uy tín quốc tế.
Ông Barack Obama từng lên án và gọi cuộc chiến tại Iraq là một sai lầm. Ngay khi lên cầm quyền, ông chấm dứt cuộc xung đột và rút quân về nước. Tuy nhiên, Obama vẫn nghe theo đề xuất của các nhà quân sự Mỹ đưa thêm lính vào Afghanistan với mong muốn chấm dứt cuộc chiến tại đây và nhận ra Washington đã bị sa lầy. Ngoài vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh ở quốc gia Trung Á, nước Mỹ cũng đang theo đuổi những mục tiêu địa chính trị khác.
Ngày nay, khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thách thức sự ổn định của khu vực Trung Đông và lợi ích của Mỹ, chính quyền Obama đã tránh đưa lính bộ binh vào tham chiến. Đó chính là vì Mỹ đã rút ra bài học trực tiếp từ những cuộc chiến sa lầy sau vụ 11/9/2001.
- Ông nghĩ thế nào về nhận định, vụ khủng bố đã "vĩnh viễn làm thay đổi thế giới"?
- Sự kiện 11/9 đã thay đổi thế giới một cách sâu sắc và là một vấn đề nghị sự toàn cầu mới xuất hiện. Đó là "chủ nghĩa khủng bố quốc tế" với các biến tướng khác nhau. Ngày nay, không riêng gì nước Mỹ mà nhiều quốc gia khác trên thế giới phải đối phó với các cuộc khủng bố, đặc biệt do các thế lực Hồi giáo cực đoan gây ra. Từ đó, thế giới đã đoàn kết lại, các quốc gia đã phối hợp với nhau để chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế ấy.
Lính cứu hỏa kéo lá quốc kỳ Mỹ trên đống đổ nát của tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001. Ảnh: AP |
- Nhà nước Hồi giáo là một "quái thai" của lịch sử, khi nó tàn phá các di tích lịch sử và văn hóa của nhân loại, tàn sát và khủng bố thường dân vô tội hay hành hình nhiều công dân của các nước theo những cách thức dã man thời trung cổ.
IS không chỉ đe dọa hay tấn công nước Mỹ mà còn nhiều nước khác. Nhóm cực đoan này là kẻ thù của nhân loại tiến bộ trên thế giới.
- Sau 14 năm chống khủng bố, nước Mỹ hiện có an toàn hay không? Liệu một vụ 11/9 có thể xảy ra trong tương lai?- Mỗi quốc gia đều phải đối mặt với nhiều loại thách thức. Nhiều quốc gia còn phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Nước Mỹ là mục tiêu tấn công của một số nhóm khủng bố quốc tế và thế lực cực đoan. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đang thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm an toàn cho dân chúng. Họ tham gia vào một số cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu một cách có chọn lọc, trước hết để ngăn chặn từ xa những mối hiểm họa khủng bố đối với nước Mỹ. Chúng ta có thể tin tưởng và không nên làm thầy bói về một vụ 11/9 trong tương lai.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường là một nhà ngoại giao kỳ cựu. Ông từng là cựu Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan. Hiện ông đảm trách cương vị Chủ tịch của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế.