Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không khí lạnh suy yếu, AQI Hà Nội chạm ngưỡng nguy hại

Chuyên gia cho rằng chất lượng không khí Hà Nội bị ảnh hưởng khi đợt gió mùa suy yếu. AQI tăng cao do không có gió, hoặc chỉ có gió quẩn gây tích tụ chất gây ô nhiễm.

9h sáng 21/2, chất lượng không khí trung bình tại Hà Nọi theo 3 trang quan trắc AirVisual, PamAir và Moitruongthudo đều ở mức rất xấu khi AQI từ khoảng 230 đến 270. Đây là ngày thứ hai liên tiếp chất lượng không khí ở thủ đô suy giảm.

Theo AirVisual, chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất đo được tại điểm quan trắc Tây Hồ là 300, còn Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) là 281, Tô Ngọc Vân 278, Phạm Văn Đồng 270 đơn vị. Khu vực trung tâm thành phố, chất lượng không khí cũng ở mức rất xấu khi Hoàn Kiếm là 242, còn Hàng Đậu là 256. Trang quan trắc này xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 2 thế giới.

Tại trang quan trắc chính thức của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội tại Moitruongthudo.vn, AQI được đo theo phương pháp trung bình 24h cũng ở mức tương tự. Hoàn Kiếm đo được là 226, Thành Công 231, Trung Kính 259, Hàng Đậu 262.

Một số điểm có chỉ số AQI thấp hơn, nhưng vẫn tiệm cận mức rất xấu như Mỹ Đình 194, Đại sứ quán Pháp 187, Tây Mỗ 193. Đáng chú ý, PamAir ghi nhận chất lượng không khí ở một số điểm lên ngưỡng nguy hại như Trần Quang Khải 345, Cầu Diễn 342, Nguyễn Trãi 306.

Ha Noi o nhiem thu 2 the gioi anh 1

Theo PamAir, AQI sáng nay ở Hà Nội hầu hết trên mức 200, có nơi trên 300. Ảnh: PamAir.

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia về chất lượng không khí Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cho rằng chất lượng không khí thủ đô xấu do ảnh hưởng của gió quẩn và đợt không khí lạnh đã suy yếu.

Theo TS Sơn, học sinh thủ đô nghỉ học, lượng phương tiện lưu thông giảm nhưng điều này không tác động nhiều đến chất lượng không khí. Các nguồn thải vẫn giữ nguyên nên việc thành phố không có gió, hoặc chỉ có gió quẩn gây tích tụ chất gây ô nhiễm dẫn đến AQI tăng cao.

Vị chuyên gia nhận định chất lượng không khí chỉ có thể được cải thiện nếu Hà Nội đón nhận thêm các đợt gió mùa và không khí lạnh mới. Khi đó độ ẩm không khí giảm sẽ hạn chế được hiện tượng sương mù.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, không khí lạnh tại Bắc Bộ đã bắt đầu suy yếu khiến nền nhiệt khu vực tăng dần. Trời ấm lên kèm theo độ ẩm không khí cao đã gây ra hiện tượng sương mù. Tại Hà Nội, sương mù che phủ thành phố suốt cả ngày khiến bầu không khí trở nên âm u.

Hiện tượng này sẽ còn kéo dài trong những ngày tới khi nhiệt độ tiếp tục tăng. Từ nay đến hết tháng 2, trạng thái chủ yếu tại Bắc Bộ là mưa phùn, sáng sớm có sương mù, trưa và chiều trời nắng.

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đề nghị người dân hạn chế ra ngoài, nhất là người già, trẻ em và người có bệnh về hô hấp, tim mạch. Khi ra ngoài, người dân cần đeo khẩu trang, kính mắt để bảo vệ sức khỏe.

Hà Nội sắp quyết định ngày học sinh đi học trở lại

Ông Nguyễn Đức Chung nói chỉ khi nào người dân yên tâm hoàn toàn thì mới cho học sinh đến trường. Ngày 21/2, Chủ tịch UBND Hà Nội sẽ đưa ra quyết định chính thức.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm