Trung tâm hội nghị Ifema ở Madrid, Tây Ban Nha, từng gây ấn tượng với thế giới bởi những khu vườn trong nhà tươi tốt, sân khấu trang trí công phu và khu vực thảm đỏ hoành tráng khi đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu COP25.
Giờ này đây, nó đang được quân đội nước này chuyển đổi thành một trong những bệnh viện dã chiến lớn nhất cả nước với hàng nghìn giường bệnh nối dài san sát nhau, trong bối cảnh Tây Ban Nha đã trở thành một trong những tâm dịch Covid-19 lớn nhất thế giới.
Nhân viên bệnh viện vỗ tay động viên các nhân viên y tế trên tiền tuyến tại một bệnh viện ở rìa Madrid. Ảnh: Shutterstock. |
Số người chết vì Covid-19 ở Tây Ban Nha tuần trước đã vượt qua Trung Quốc, và hiện chỉ đứng thứ hai châu Âu sau Italy.
Hôm 30/3, số người nhiễm virus đã lên tới 85.195, tăng 6.398 trường hợp so với một ngày trước đó. Số ca tử vong là 7.340 ca, đã gấp đôi Trung Quốc.
Thủ tướng Pedro Sánchez đã thắt chặt việc phong toả đất nước và ban hành lệnh cấm các di chuyển không cần thiết, yêu cầu người dân phải ở nhà trong hai tuần tới. Trong một thông báo được truyền hình trực tuyến, ông nói các biện pháp “vô cùng cứng rắn” là cần thiết khi đất nước nỗ lực ngăn chặn đại dịch.
"Chúng tôi quá tải rồi"
Một trong số những người đã tử vong có cha của Yolanda Cumia, ông Juan. Hai người nói chuyện lần cuối là vào ngày 16/3, sau khi người đàn ông 87 tuổi kể lại việc bị ngã tại viện dưỡng lão nơi ông đang sống.
Vài giờ sau, lúc 2h sáng, điện thoại của cô lại reo lên, đó là một nhân viên của viện gọi điện thông báo cha cô đã qua đời.
Vài ngày trước đó, hai người có liên quan tới viện dưỡng lão này đã dương tính với Covid-19. “Cô ấy nói với tôi, ‘Yolanda, chúng tôi bị quá tải. Theo những gì tôi biết, chúng tôi đã có 15 người tử vong rồi’”, Cumia kể lại với Guardian.
Viện dưỡng lão không trả lời yêu cầu bình luận.
Các binh sĩ đang chuyển đổi Trung tâm hội nghị Ifema thành một bệnh viện dã chiến chống Covid-19 khổng lồ. Ảnh: Getty Images |
Cumia cùng một số người khác đã gửi tin cho báo giới khi số trường hợp tử vong tại viện dưỡng lão của cha cô lên đến ít nhất là 17. Những người khác từ khắp đất nước cũng chia sẻ câu chuyện tương tự, cho thấy viễn cảnh một bệnh truyền nhiễm liên tục tấn công và cướp đi sinh mạng những người cao tuổi, với tuyến phòng thủ duy nhất chỉ là những nhân viên điều dưỡng được trang bị nghèo nàn.
Chính phủ Tây Ban Nha đã huy động quân đội khử trùng các cơ sở này. Những gì họ phát hiện ra khiến cả đất nước kinh hoàng.
“Quân đội đã chứng kiến một số người già hoàn toàn bị bỏ rơi, thậm chí có những người đã chết ngay trên giường ngủ”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Margarita Robles nói với đài truyền hình Telecinco.
Phát hiện này là một đòn giáng mạnh vào đất nước từ lâu đã tự hào về những chính sách và đối xử tốt với người lớn tuổi. “Đây là thế hệ đã trải qua một cuộc nội chiến khủng khiếp và thời kỳ hậu chiến”, ông Cumia nói. “Và hiện tại họ lại đang phải chết một mình".
Hệ thống y tế không được chuẩn bị đủ
Khi nước này bước vào tuần thứ ba bị phong toả gần như hoàn toàn, số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận đã tăng vọt lên trên 85.000. Con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều, vì những người có triệu chứng nhẹ được yêu cầu tự cách ly hơn là đi xét nghiệm.
Ở một số thành phố, sự gia tăng đột biến các trường hợp đã khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe nước này, vốn được xếp hạng trong top 20 thế giới, bên bờ vực sụp đổ, sau khi đã bị suy yếu bởi các biện pháp thắt lưng buộc bụng cắt giảm hàng tỷ euro từ ngân sách.
“Bệnh viện của tôi có 265 giường, mà hôm nay có 700 bệnh nhân”, bác sĩ Ana Giménez của bệnh viện Infanta Leonor ở Madrid cho biết. “Hàng trăm người đang ngồi trên ghế hoặc nằm trên sàn, tất cả các bệnh viện ở Madrid đều quá tải".
Tình hình trở nên trầm trọng hơn do thiếu trang thiết bị bảo hộ. “Chúng tôi không có gì cả. Chúng tôi không có khẩu trang, chúng tôi không có găng tay, chúng tôi không có áo khoác chống thấm nước. Chúng tôi không có gì”, cô nói. “Chúng tôi đang ‘trần trụi’ trong cuộc chiến chống lại virus”.
Trong khi người Tây Ban Nha dành hàng đêm bên cửa sổ và ban công của họ để hoan nghênh những nỗ lực của nhân viên y tế, chính phủ vẫn hứa rằng nguồn cung vật tư y tế đang trên đường vận chuyển. Trong khi đó, các nhân viên y tế buộc phải tìm cách tự chế các túi rác thành quần áo bảo hộ.
Một lễ mai táng tại một nghĩa trang ở Madrid vào tuần trước. Số người chết ở Tây Ban Nha hiện đứng thứ hai thế giới, sau Italy. Ảnh: AP. |
9.444 ca nhiễm bệnh ở Tây Ban Nha là các nhân viên y tế. Những người đã tử vong bao gồm một y tá và hai bác sĩ. Nhiều người đã tự hỏi liệu họ có vô tình là trung gian lan truyền virus hay không.
“Tôi không chắc liệu mình có lây nhiễm virus cho gia đình và đồng nghiệp hay không”, Giménez nói. Cô cũng đã có các triệu chứng cúm khoảng 10 ngày trước.
Cô vẫn chưa xét nghiệm, nhưng cấp trên của cô, người vất vả gồng gánh một hệ thống y tế đang “rên rỉ”, đã yêu cầu những người có triệu chứng nhẹ vẫn tiếp tục làm việc.
“Đây không chỉ là một dịch bệnh, mà còn là tai ương gây ra bởi một chính phủ thực sự tồi tệ”, cô nói.
Chính phủ Tây Ban Nha đã hứng chịu sự chỉ trích từ dư luận vì phản ứng quá chậm chạp, cho phép các cuộc biểu tình chính trị, các trận bóng đá và buổi hòa nhạc vẫn tiếp tục tổ chức ngay cả khi nước láng giềng Pháp ban hành lệnh cấm các cuộc tụ họp đông người.
Sự chậm trễ trong việc phong toả đã khiến nhiều người Madrid kịp rời khỏi thành phố, lây lan virus sang khu vực bờ biển và nông thôn, trong khi những người khác chen chúc vào siêu thị để mua đồ dự trữ.
Người hứng chịu hậu quả của những sai lầm này chính là các nhân viên y tế, buộc họ phải đứng trước một trong những lựa chọn khó khăn nhất trong sự nghiệp, Giménez kể lại việc các bác sĩ cân nhắc xác suất sống sót khi phân bổ máy thở. “Hầu hết chúng tôi, mỗi ngày tan ca và trở về nhà, đều khóc".
Đầu tháng này, công đoàn của Giménez, Amyts, đại diện cho các bác sĩ ở Madrid, đã bắt đầu cung cấp dịch vụ trị liệu miễn phí cho nhân viên y tế.
“Mỗi ngày”, Giménez nói, “một trong những đồng nghiệp của tôi đều nói, ‘mẹ tôi đã chết hôm qua; anh tôi đã chết hôm qua’”.
Ở Igualada, gần Barcelona, các quan chức đang quay cuồng chiến đấu với một trong những bệnh dịch nguy hiểm nhất thế giới. Cuộc đấu tranh của họ càng trở nên khó khăn hơn bởi truyền thống văn hoá cộng đồng có sự liên kết chặt chẽ khiến số lượng ca nhiễm từ gia đình, bạn bè liên tục tăng lên.
Một bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu tại Bệnh viện 12 Octubre ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters. |
Thậm chí, trong một khu vực, tỷ lệ tử vong hàng ngày đã dao động khoảng 63,1 người trên 100.000 dân, vượt xa tỷ lệ 27,9 ở Madrid và ở Lombardy, Italy, chính quyền xứ Catalan cho biết.
Khu vực này đã bị phong toả trước tất cả các vùng còn lại ở Tây Ban Nha, với cảnh sát canh phòng ngăn chặn cư dân rời khỏi nhà ngoại trừ khi có việc thiết yếu. “Không có bất kỳ lãnh thổ nào khác phong toả chặt chẽ như chúng ta", Thị trưởng Marc Castells nói.
Một loạt các bệnh viện địa phương buộc nhân viên phải cách ly và cố gắng gồng gánh hoạt động dù thực sự quá tải. Trong số 508 trường hợp nhiễm bệnh trong khu vực, 140 người là nhân viên y tế. Với sự giúp đỡ từ tổ chức Bác sĩ không biên giới, các quan chức khu vực đang cấp tốc biến một trung tâm thể thao thành một bệnh viện dã chiến 100 giường.
Đó là tình thế mà Castells không bao giờ nghĩ rằng ông và thành phố của ông sẽ gặp phải khi chứng kiến virus bắt đầu lây lan gây chết người trên toàn châu Á vào cuối năm ngoái.
“Có quá nhiều thứ phải xử lý, nhưng chúng tôi có thể bỏ cuộc”, ông nói. “Tôi muốn nói rằng, chúng ta không phải đang ở trong giếng. Chúng ta ở trong một đường hầm. Chúng ta có thể chưa thể nhìn thấy lối ra ngay bây giờ, nhưng sẽ có một ánh sáng ở cuối con đường”.