Phía sau chuyện tăng phí
Ngay khi Bộ Tài chính thông báo mức thu phí đường bộ sẽ tăng gấp đôi, câu chuyện phí chồng phí, tăng phí lại trở nên ồn ào. Dư luận quan tâm là điều hiển nhiên bởi kinh tế khó khăn, thấy phải chi thêm tiền thì việc phản đối gần như trở thành phản xạ mang tính tự vệ bản năng.
Và trong phản xạ ấy, vấn đề tưởng chừng đã được làm rõ khi Chính phủ thông qua việc thu Quỹ Bảo trì đường bộ một lần nữa lại được xới lại. Chắc nhiều người vẫn còn nhớ, khi đó, Bộ GTVT đã phải giải thích rất rõ ràng đó là chủ trương đã được thống nhất từ trước trong Nghị định 18 của Chính phủ. Việc thu tiền hoàn vốn vẫn tiến hành song song với việc thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện. Bởi thu phí qua đầu phương tiện chỉ để duy tu, nâng cấp hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ không phải các tuyến BOT. Còn các tuyến BOT, nhà đầu tư phải thu phí để hoàn vốn đầu tư, đồng thời duy tu, sửa chữa.
Việc không có chuyện phí chồng phí đã rõ, nhưng chuyện tăng phí sử dụng đường của ô tô lên gấp đôi thì nhiều người vẫn chưa thuận.
Cũng như y tế, điện, xăng, việc đi lại là nhu cầu thiết yếu của con người. Nhu cầu ấy sẽ không được đáp ứng tốt nếu đơn vị cung cấp không đủ sức gánh vác trọng trách được giao. Giống như một cơ thể ốm yếu vốn được nuôi bằng tiền ngân sách phải gánh trên vai nào là bao tải “chất lượng”, va li “hiệu suất”... sẽ gục ngã khi không đủ ăn.
Ở trường hợp này, hãy xem những con đường lâu nay không được cung cấp đủ tiền bảo trì, bảo dưỡng đã như một cơ thể thiếu đói cần được cho ăn mà ở đây là cần được đầu tư nâng cấp, thậm chí là xây mới.
Thế nhưng “miếng ăn” cho có như hiện nay trên thực tế không đủ để nuôi chính bản thân tuyến đường. Và hệ quả là không một nhà đầu tư nào muốn bỏ tiền vào làm đường - đáp ứng nhu cầu cực kỳ thiết yếu cho xã hội.
Các tuyến đường được tổ chức thực hiện thu phí phải hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp theo dự án đã phê duyệt. |
10 năm nay, mức phí tính trên xe cơ sở (xe con) là 10.000 đồng đã làm nản lòng nhiều nhà đầu tư và cả cơ quan quản lý khi không thể xã hội hóa việc đầu tư hạ tầng giao thông. Bởi với 10.000 đồng, vòng thời gian hoàn vốn một dự án có thể lên tới 30 năm hoặc dài hơn. Không ai muốn bỏ ra một núi tiền để thu hồi lại sau từng ấy năm. Và chắc chắn, trong khi đầu tư công đang giảm, nếu không trả mức phí hoàn vốn về một giá tương đối hợp lý với mặt bằng giá cả hiện nay, thì không thể có được những tuyến đường hiện đại được làm bằng vốn xã hội hóa.
Và cả xã hội sẽ phải đi lại, trên những con đường già nua, xuống cấp, thậm chí không có nổi cả dải phân cách giữa để đảm bảo an toàn.
Vì vậy, sau câu chuyện tăng phí, sau những phản ứng tức cần sự thấu hiểu và cái nhìn dài hạn hơn.
Tăng phí sau 10 năm
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 159/2013/TT-BTC Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014.
Theo Thông tư 159, các mức phí đường bộ quy định với từng chủng loại xe đều tăng so với mức phí hiện hành tại Thông tư 90/2004/TT-BTC ban hành năm 2004.
Lý giải tại sao mức phí đường bộ lại tăng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: "Hiện nay, việc thu phí theo Thông tư 90 được quy định từ năm 2004, tức là 10 năm trước, mức thu phí đã lạc hậu so với mặt bằng giá. Cho nên, việc thay thế Thông tư 90 là một yêu cầu cần thiết. Đây là mức phí tương đối chấp thuận được so với mặt bằng giá sinh hoạt hiện nay. Đồng thời, với mức phí này, các dự án xây dựng đường bộ mới có khả năng hoàn vốn. Chúng tôi đã nhận được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này".
Khi thay đổi mức thu phí, Bộ GTVT cùng với Bộ Tài chính đã tính toán mức thu nhập tại thời điểm hiện nay. Thông tư 159 cũng đã đưa ra một lộ trình để tăng phí phù hợp. Thời điểm hiện nay điều chỉnh tăng phí so với mức Thông tư 90 trước đây 10 năm là cần thiết.
Hoàn thành mới phu phí
Trạm thu phí trên QL5. |
Theo ông Đỗ Văn Quốc - Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ GTVT, Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ để hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh. Đối với các dự án đầu tư khác thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính (đối với đường quốc lộ) hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (đối với đường địa phương).
Thông tư quy định, loại đường bộ được tổ chức thực hiện thu phí phải có đủ một số điều kiện, trong đó phải hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp công trình đường bộ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Trạm thu phí phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định; Tuyến đường cũng đã hoàn thành các công trình phụ trợ phục vụ việc thu phí, như: Xây dựng trạm thu phí (như địa điểm bán vé, kiểm soát vé), hệ thống chiếu sáng, đầy đủ các loại vé thu phí, bộ máy tổ chức thu và kiểm soát vé; Đã được Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu phí đối với quốc lộ hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ra nghị quyết quy định mức thu đối với đường địa phương.
Như vậy, các đoạn tuyến QL1 đang thực hiện đầu tư mở rộng theo hình thức BOT, chỉ thu khi dự án hoàn thành đầu tư, xây dựng xong các trạm thu phí và được Bộ Tài chính đồng ý. Các dự án này đều vừa mới khởi công xây dựng, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong khoảng 18-24 tháng tới và xong toàn tuyến vào năm 2016.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết thêm: "Các tuyến đường BOT đã hoàn thành đang thực hiện thu phí thì vẫn tiếp tục thu theo mức thu hiện tại.Thông tư 159 đã ban hành, tuy nhiên việc tăng cụ thể ở các trạm thu phí BOT hiện nay thì phải có quyết định của Bộ Tài chính, theo lộ trình đã ký với Bộ GTVT".
Do vậy, không phải tất cả các trạm thu phí đều tăng đồng loạt vào thời điểm này, mà phải có lộ trình phù hợp với hợp đồng đã ký kết cùng các nhà BOT.