Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tăng phí qua Xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu từ 1/1/2014?

UBND TP.HCM vừa có tờ trình HĐND TP xem xét điều chỉnh mức thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại các trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội và tại cầu Bình Triệu.

Theo đó, UBND TP đề nghị HĐND TP thông qua chủ trương cho phép Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) được áp dụng mức thu phí tại các trạm trên theo mức tối thiểu đã được Bộ Tài chính quy định và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Các mức đề nghị mới tăng đối với ba nhóm xe và giữ nguyên đối với hai nhóm xe.

Trạm thu phí cầu Bình Triệu 1 mới đưa vào sử dụng từ ngày 1/8/2012.

Cụ thể, nhóm xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt phải chịu mức thu tăng so với mức đang thu là 1,5 lần. Nhóm xe từ 12-30 ghế ngồi, xe có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn: mức thu tăng 1,35 lần. Nhóm xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn: mức thu tăng 1,16 lần. Hai nhóm xe được giữ nguyên mức đang thu gồm: xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, container 20 feet; xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và container 40 feet.

Theo UBND TP, các mức phí đang thu căn cứ vào thông tư 90 (năm 2004) của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, tháng 11-2013 Bộ Tài chính có thông tư 159 bãi bỏ thông tư 90 trước đó, ấn định thời gian có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, đồng thời quy định đối với các trạm thu phí hiện hành đang thực hiện thì chỉ được phép điều chỉnh, áp dụng mức thu theo hướng dẫn của thông tư 159 sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP - cơ quan thẩm tra tờ trình - đề nghị trong quá trình điều hành cần cân nhắc đến chỉ số giá tiêu dùng trong thời điểm nhạy cảm vào đầu năm mới.

Trong khi đó, đại biểu HĐND TP Lâm Thiếu Quân băn khoăn trong tờ trình về thu phí không ghi rõ việc thu phí được thực hiện trong bao nhiêu năm. Do vậy thời gian thu phí, thời gian hoàn vốn đầu tư của mỗi dự án cần công bố cho mọi người biết và thông qua HĐND TP.

Ông nói thêm ngay như các tờ trình trước đây hoàn toàn chỉ nêu mức phí thu mà không nêu thời gian hoàn vốn đầu tư cũng như thời gian cho phép thu phí, nên “đây là những thông tin cần nêu cụ thể” - đại biểu Quân kiến nghị. Cũng theo đại biểu Quân, mức thu phí tương ứng với thời gian thu phí là điều cực kỳ quan trọng để tính toán thời gian hoàn vốn đầu tư.

Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, phó tổng giám đốc CII, cho biết hợp đồng trước đây thời gian thu phí trên xa lộ Hà Nội là 12 năm. Với mức đề xuất tăng như tờ trình thì theo nguyên tắc, thời gian thu phí trên xa lộ Hà Nội cũng như trạm Bình Triệu sẽ được rút ngắn. Vậy CII đã tính được thời gian rút ngắn cụ thể? Bà Trâm cho biết đang tiến hành tính toán lại nên chưa biết khoảng thời gian cụ thể.

Còn ông Lương Hoàng Trung, phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP, cho rằng: “Nếu thấy việc tăng mức thu phí là việc chẳng đặng đừng thì tôi mong chủ đầu tư cũng như các cơ quan chức năng khi xem xét thông qua tờ trình tăng mức thu phí phải tính toán rút ngắn thời gian thu phí cho phù hợp. Có như vậy mới công bằng và hợp lý đối với các đơn vị vận tải”.

 

Theo đề xuất của UBND TP, nhóm xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt: tăng từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng/lượt; tăng từ 300.000 đồng lên 450.000 đồng (vé tháng); tăng từ 800.000 đồng lên 1,2 triệu đồng (vé quý).

Nhóm xe từ 12-30 ghế ngồi, xe có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn: mức tăng từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt; tăng từ 450.000 đồng lên 600.000 đồng (vé tháng); tăng từ 1,2 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng (vé quý).

Nhóm xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn: tăng từ 22.000 đồng lên 25.000 đồng/lượt; tăng từ 660.000 đồng lên 750.000 đồng (vé tháng); tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2 triệu đồng (vé quý).

 

 

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm