Trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia luật và đại biểu Quốc hội đánh giá cao trước việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vào cuộc, quyết định thanh tra đột xuất đối với dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sau khi báo chí chỉ ra những bất thường tại dự án này.
Cần “đại phẫu” cao tốc
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng, tỏ ra bức xúc trước việc cao tốc xuất hiện chi chít "ổ gà, ổ trâu" khi vừa được đưa vào khai thác. "Tôi càng bức xúc hơn khi đại diện Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng lên báo biện hộ đường hỏng do trời mưa", ông Sơn nói.
Vị đại biểu này cho biết sau khi báo chí phản ánh đoạn tuyến từ Đà Nẵng đi Tam Kỳ xuất hiện "ổ gà", ông đã lái xe lên hiện trường, kiểm tra. "Dự án có số tiền đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng mà mới đưa vào khai thác đã hỏng như thế thì làm sao chấp nhận được", ông Sơn bày tỏ.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhìn từ trên cao. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Ông Sơn cho biết từ nhiều năm trước, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã có điều tiếng, bị người dân và dư luận phản ứng. "Thanh tra Bộ GTVT biết những vụ việc trên mà tại sao không xử lý?", ông Sơn đặt câu hỏi rồi nói những "ổ gà" trên cao tốc chỉ là một phần nổi và rất có thể nhiều khuất tất vẫn đang bị chôn vùi dưới lòng đất.
"Từ những thông tin báo chí phản ánh thì rõ ràng dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có bất thường. Người dân có cơ sở để nghi ngờ chất lượng công trình này kém chất lượng. Đến hôm nay, sự khuất tất bắt đầu lộ diện”, ông Sơn nhấn mạnh.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng nói nước ta đang còn nghèo nên phải đi vay vốn nước ngoài để đầu tư làm cao tốc, phục vụ dân sinh. Sau này, Nhà nước phải trả hàng chục nghìn tỷ đồng cho đối tác. Đây là tiền thuế do dân đóng góp.
“Với tầm quan trọng của tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mà xảy ra tình trạng như hiện nay thì khó chấp nhận được", ông Sơn nói và đề nghị các cơ quan Trung ương tiến hành "đại phẫu" dự án này để tìm ra những dấu hiệu sai phạm mà dư luận đang đặt ra.
Vị đại biểu Quốc hội này hoan nghênh Bộ GTVT đã có những chỉ đạo, xử lý kịp thời. "Những đoạn nào hư hỏng cần phải làm lại cho đạt tiêu chuẩn chứ không phải chỉ là câu chuyện thảm lại mặt đường. Phải làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, các nhà thầu, đơn vị thi công và tư vấn giám sát", ông Sơn kiến nghị.
Cận cảnh một "ổ gà" trên đoạn tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cho biết vụ cao tốc 34.500 tỷ đồng mới khai thác đã hỏng đang gây bức xúc dư luận nên cần được đưa ra diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp tới.
"Các đại biểu sẽ chất vấn Bộ GTVT về vấn đề này. Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan Thanh tra, tôi tin vụ việc sẽ được xử lý nghiêm minh chứ họ không có chuyện chìm xuồng", ông Sơn nhấn mạnh.
Vi phạm luật Đấu thầu?
Theo hồ sơ, ngày 19/8/2014, Bộ Xây dựng cho phép Công ty Posco Engineering & Construction Co. ,Ltd (gọi tắt là Posco E&C) của Hàn Quốc, thực hiện gói thầu A5, đoạn Km 124+700 đến Km 139+204 (thuộc địa bàn các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành của tỉnh Quảng Ngãi). Giá trị gói thầu này là 1.394 tỷ đồng.
Sau khi ký hợp đồng với chủ đầu tư, Công ty Posco E&C không thực hiện theo cam kết mà "bán thầu" 100% cho 17 công ty khác, trong đó có một số nhà thầu phụ không đủ năng lực thi công công trình.
Công nhân cào lớp nhựa bong tróc để sửa lại đường cao tốc. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Biên bản thanh tra của Thanh tra Bộ GTVT thể hiện có nhiều hợp đồng giữa Công ty Posco E&C với các nhà thầu phụ có giá trị trên 50 tỷ đồng. Nhiều hợp đồng không được chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp nhận. Biên bản còn cho thấy có trường hợp Công ty Posco E&C ký với nhà thầu phụ nhưng không báo cáo chủ đầu tư.
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho biết dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được triển khai bằng nguồn vốn ngân sách và vốn vay nước ngoài. Do đó, việc tổ chức đấu thầu phải được thực hiện theo các quy định của luật Xây dựng và luật Đấu thầu.
Về nguyên tắc, không thể có chuyện nhà thầu chính chuyển nhượng toàn bộ (100%) khối lượng thi công trình (gói thầu A5) cho nhà thầu phụ. Theo luật Đấu thầu năm 2013 (trước đây là luật Đấu thầu 2005), nhà thầu phụ chỉ được phép thực hiện một phần công việc nhất định từ nhà thầu chính, nhưng phải được chủ đầu tư chấp thuận.
Theo ông Cao, luật không cho phép nhà thầu bán toàn bộ 100% gói thầu mà mình ký hợp đồng với chủ đầu tư. Công ty Posco E&C không thi công mà ký hợp đồng chuyển nhượng công trình ở gói thầu A5 với các đơn khác là vi phạm khoản 8, Điều 89 của luật Đấu thầu năm 2013.
Sau sửa chữa mà chất lượng công trình không đảm bảo đúng thiết kế thì nhà thầu phải làm lại. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Từ những viện dẫn trên, luật sư Lê Cao kiến nghị cơ quan Thanh tra rà soát các hoạt động chuyển nhượng thầu trái pháp luật của các bên liên quan. "Cơ quan chức năng phải xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu chính về hành vi bán thầu không hợp pháp", luật sư nói.
Ông Lê Cao cho rằng sau khi báo chí phản ánh những hư hỏng trên cao tốc, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT vào cuộc là một dấu hiệu đáng mừng. Nếu cơ quan chức năng phát hiện vi phạm thì chế tài xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan, được áp dụng tại Điều 90, luật Đấu thầu.
"Theo Điều 90, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", ông Cao cho hay.
Trường hợp chuyển nhượng thầu trái phép mà gây thiệt hại trên 100 triệu đồng thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 222, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017. "Với tội danh này, tùy theo tính chất, mức độ, người vi phạm có thể bị phạt tù với mức cao nhất là 20 năm", luật sư Cao chốt lại.
- 19/5/2013 dự án được khởi công.
- 2/8/2017 thông xe đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ.
- 2/9/2018 thông xe toàn tuyến cao tốc.
- 8/10 Zing.vn phát hiện "ổ trâu, ổ gà" trên cao tốc, từ Km 0+00 đến Km 65+00.
- 9/10 Các chuyên gia, kỹ sư cầu đường bác lý giải của ông Thành. 'Nói cao tốc 34.000 tỷ hỏng do xe quá tải và mưa là khó chấp nhận'.
- 10/10 Tổng cục Đường bộ vào cuộc kiểm tra 'ổ gà' trên cao tốc.
- 11/10 Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ GTVT làm rõ nguyên nhân hỏng mặt đường, trách nhiệm đơn vị thi công.
- Chiều 11/10 Dừng thu phí, khắc phục các điểm hư hỏng.
- 12/10 Tổng giám đốc VEC và Ban quản lý dự án bị xử lý trách nhiệm
- 13/10 Thứ trưởng Lê Đình Thọ thị sát và khẳng định dự án "có vấn đề"
- 14/10 Cao tốc lại xuất hiện ổ gà, nham nhở sau khi sửa chữa.
- 15/10 Bộ GTVT phê bình VEC, nhà thầu, tư vấn giám sát. VEC đính chính thông tin "đường hỏng do mưa" là không chính xác.
- Chiều 15/10 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Quốc hội làm rõ vụ cao tốc hỏng.
- 16/10 Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan.
- Các chuyên gia tiếp tục kiến nghị thanh tra toàn diện dự án.
Chiều 16/10, Bộ GTVT có quyết định thanh tra đột xuất đối với dự án.