Trong quá trình thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các nhà thầu có nhiều sai phạm đã được cơ quan chức năng chỉ ra trong các kết luận thanh tra, nhưng chưa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xử lý kịp thời.
Bán thầu nhiều lần
Hồ sơ thể hiện tháng 4/2017 Thanh tra Bộ GTVT đã có biên bản thanh tra gói thầu A5, thuộc nguồn vốn World Bank (WB) - dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Ông Lê Văn Doãn, Phó chánh Thanh tra Bộ (Trưởng đoàn Thanh tra), đã làm việc với Công ty Posco Engineering & Construction Co. ,Ltd (Posco E&C) của Hàn Quốc.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhìn từ trên cao. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Trong quyết định số 91 (ngày 19/8/2014), Bộ Xây dựng cho phép công ty này thực hiện gói thầu A5, đoạn Km 124+700 đến Km 139+204 (thuộc địa bàn các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành). Giá trị gói thầu này là 1.394 tỷ đồng.
Sau khi ký hợp đồng với chủ đầu tư, Công ty Posco E&C không thực hiện theo cam kết mà thuê thầu phụ thi công 100% toàn bộ các hạng mục công việc.
Cụ thể, Posco E&C đã thuê các công ty: Á Đông, INCICO, Công ty CP xây dựng cầu 75 - Cienco 8, Sông Đà Thăng Long Miền Nam, Cơ giới và Xây lắp số 9 (Licogi 9), Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng B.M.T; Công ty cổ phần sở hữu Thiên Tân (Evemew)… thi công các hạng mục của gói thầu.
Khi các nhà thầu phụ đang tiến hành thi công thì cơ quan giám sát phát hiện nhà thầu chính "bán thầu" nên báo cáo chủ đầu tư. VEC đã yêu cầu các nhà thầu phụ dừng thi công. Thanh tra Bộ GTVT cũng kết luận Posco còn ký hợp đồng với 5 nhà thầu phụ khác, nhưng chủ đầu tư đã kịp thời phát hiện nên không chấp thuận.
Một vị trí hư hỏng trên cao tốc. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Với kinh nghiệm quản lý nhiều dự án lớn, kỹ sư Mai Công Sơn cho biết tình trạng bán thầu như trên đang khá phổ biến. Các nhà thầu chính thường tìm cách "chạy" để trúng thầu dự án nhưng không thi công mà bán lại cho các đơn vị khác (tạm gọi là B).
"Chủ thầu bán thầu cho đơn vị khác thì phải có lời, từ 10 đến 15% giá trị hợp đồng", ông Sơn nói và cho biết việc bán thầu tiếp tục diễn ra theo "hình bậc thang". Tức là công ty B sẽ chia gói thầu trên làm nhiều hạng mục khác nhau để bán thầu cho các đơn vị C, D, E...
"Việc bán thầu diễn ra nhiều lần thì số tiền bị cắt xén càng lớn", ông Sơn phân tích.
Ông Sơn lấy ví dụ, một gói thầu có số tiền 1.000 tỷ đồng được giao cho nhà thầu chính. Sau đó, nhà thầu chính bán cho các công ty B thì số tiền còn khoảng 900 tỷ. Đến lượt Công ty B bán cho nhà thầu nhỏ hơn thì số tiền còn lại sẽ còn ít đi, vì trừ đi tiền hoa hồng sau mỗi lần bán thầu.
Cứ như thế, khi đến đơn vị X thi công thì số vốn của gói thầu chỉ còn vài trăm tỷ. Với số tiền này, đơn vị trực tiếp thi công sẽ "cân đong đo đếm" để có lời.
Để có lời, đơn vị nhận thầu cuối phải dùng các vật liệu giá rẻ hơn, thậm chí là bớt xén vật liệu để thi công. Cuối cùng, những hạng mục đó vẫn hoàn thành nhưng chất lượng sẽ không đảm bảo.
"Nếu muốn biết chất lượng công trình có đúng hồ sơ thiết kế hay không, thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc thanh tra toàn diện đối với dự án", ông Sơn nói.
Nhiều sai phạm
Thanh tra Bộ GTVT cũng nêu rõ hồ sơ khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công ở gói thầu A5 có một số tồn tại. Cụ thể, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công hạng mục xử lý nền đất yếu chưa được chủ đầu tư ký xác nhận trong từng trang bản vẽ theo quy định.
Bản vẽ mặt cắt ngang chi tiết công tác mặt đường, khối lượng nhựa dính bám không tính riêng cho từng lớp mà tổng hợp cho cả ba lớp hoặc hai lớp. Bản vẽ thi công không tính khối lượng đất đắp chọn lọc mà tính gộp chung với khối lượng đắp đất thông thường.
Công nhân sửa chữa những vị trí hư hỏng. Ảnh: Tiến Đạt. |
Trong báo cáo kết quả khảo sát địa chất bổ sung của cầu Trà Khúc (ngày 23/5/2015), đơn vị thực hiện là Công ty cổ phần Thành Tân An không ký xác nhận trong hồ sơ.
Ngày 10/6/2015, Bộ GTVT có văn bản số 7410 chấp thuận việc thu hẹp bề rộng nền mặt đường. Theo đó, một số cống tròn, cống hộp, cống chui phải điều chỉnh chiều dài tương ứng nếu chưa tiến hành thi công trước tháng 6/2015.
Đến tháng 1/2016, đơn vị mới bắt đầu triển khai thi công tại các đoạn tuyến cao tốc (bao gồm các vị trí của bốn cống tròn, bốn cống hộp) nhưng chưa lập bản vẽ thi công điều chỉnh chiều dài các cống trên và đã nghiệm thu thanh toán các hạng mục... Biên bản này cũng chỉ ra phần đệm dải phân cách không tương ứng với hồ sơ thiết kế kỹ thuật và không thống nhất với các gói thầu đã triển khai thi công.
Theo kỹ sư Trần Dân, Phó chủ tịch Hội Cầu đường TP Đà Nẵng, từ khi dự án này khởi công đã có điều tiếng. Khi dự án này đưa vào khai thác thì cũng còn ngổn ngang, chưa hoàn thành theo hồ sơ thiết kế.
"Công trình có số vốn hơn 34.500 tỷ đồng, mới khai thác khoảng 14 tháng mà bị hỏng, dù lớn hay nhỏ thì cũng tạo ra nghi ngờ rất lớn từ dư luận. Bộ GTVT nên thanh tra toàn diện đối với dự án này", ông Dân kiến nghị.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Văn Hùng (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xác định nguyên nhân của những hư hỏng trên cao tốc 34.500 tỷ.
"Nếu cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu đơn vị thi công bớt xén vật liệu, làm ẩu thì họ sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xử lý theo luật định", luật sư cho hay.