Sáng 10/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tại hội nghị, sau khi nghe báo cáo của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh, Phó thủ tướng đặt câu hỏi việc tồn tại một thông tư đã cũ khiến các doanh nghiệp tốn thời gian, chi phí vì kiểm tra chuyên ngành.
Toàn cảnh hội nghị sáng nay. Ảnh: VGP. |
“Tôi nghe anh Cung - (TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) nói các anh chậm sửa đổi, ban hành Thông tư 28 của Bộ về Quy định hợp chuẩn, hợp quy, và đánh giá sự phù hợp sau hàng loạt lời hứa hẹn, nêu lý do. Ngay tại đây, tôi muốn các anh hứa và xử lý vấn đề, bao giờ sẽ sửa đổi, ban hành để thuận lợi hoá cho người dân", Phó thủ tướng truy lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thông tư này được ban hành vào năm 2012, và đã hết thời hạn hiệu lực. Tháng 10/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp thay thế nội dung Thông tư 28. Tuy nhiên, đến nay nội dung Thông tư 28 vẫn ràng buộc các doanh nghiệp.
“Bây giờ nghị định đã ban hành thì theo nguyên tắc, nghị định không đợi thông tư. Vì thế, khi trình nghị định lên Chính phủ, các anh phải có thông tư rồi", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Trần Việt Thanh cho hay trong vòng 1-2 tháng nữa, Thông tư 28 sẽ được sửa đổi, sửa chữa theo nghị định trên.
Không đồng tình với sự chậm trễ, Phó thủ tướng phát biểu: “Các anh phải nhanh chóng soạn và ký thông tư hướng dẫn, nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện.
Không để nghị định có hiệu lực rồi mà phải đợi thông tư. Hơn nữa các anh phải hứa và nói với cộng đồng, chứ không phải hứa với Chính phủ, với cá nhân tôi”.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh hứa trong vòng 15 ngày sẽ ban hành thông tư mới theo nghị định mới.
Các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong 2 năm qua. Đồ họa: Kiều Linh. |
Điểm lại 4 năm thực hiện Nghị quyết 19, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng VIện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng tốc độ triển khai thực hiện các giải pháp mà Nghị quyết 19 đưa ra còn rất chậm.
Theo ông Cung, “kết quả hàng năm chỉ như một phép cộng đơn giản”. Chính phủ chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.
Ông khẳng định muốn đạt trung bình ASEAN 4 trên 10 tiêu chí về môi trường kinh doanh trong năm nay, kết quả hiện tại phải tăng theo cấp số nhân, cấp lũy thừa.
Nghị quyết 19 đặt mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh.
Giai đoạn 2017-2020, cải thiện điểm số trên 4 nhóm trụ cột: Môi trường kinh doanh (theo WB); Năng lực cạnh tranh toàn cầu (theo WEF); Đổi mới sáng tạo (Theo Tổ chức Trí tuệ thế giới); Chính phủ điện tử (theo Liên Hợp Quốc). Trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương được gắn với gần 250 chỉ tiêu cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đánh giá bằng Nghị quyết 19, lần đầu tiên Việt Nam định vị và đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng toàn cầu. Việt Nam cũng đồng thời xây dựng và thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế.
Trước hội nghị này một ngày, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chuyến “vi hành” khảo sát thực tế hoạt động của Phòng Đăng ký kinh doanh Hà Nội. Trao đổi với Phó thủ tướng về tình hình đăng ký kinh doanh tại đây, nhiều ý kiến người dân, doanh nghiệp cho biết thủ tục còn rườm rà.
Phó thủ tướng yêu cầu phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký kinh doanh được thuận tiện, rõ ràng, công khai. Bên cạnh đó cần nghiên cứu mở rộng diện tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh cho cả các doanh nghiệp, thay vì chỉ Nhà nước làm như hiện nay.