Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sách Trắng 2017: Doanh nghiệp ngoại ‘than’ gặp khó ở VN

Tại buổi công bố Sách Trắng 2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định sẽ cải thiện môi trường kinh doanh sau khi nghe doanh nghiệp ngoại than gặp khó về thủ tục.

Sáng nay (2/3), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tổ chức công bố Sách Trắng 2017.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng đây là cơ sở để Bộ đưa ra các giải pháp hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, phát triển môi trường kinh doanh tại Việt Nam, góp phần mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Sau khi đọc Sách Trắng 2017, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định Liên minh Châu Âu (EU) là một trong các đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy năm 2016, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu gần 34 tỷ USD, chiếm trên 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Chưa kể Hiệp định thương mại Việt Nam-EU đã được ký kết, đang trong quá trình rà soát pháp lý, dự kiến sẽ được phê chuẩn và có hiệu lực vào năm 2018.

Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu, nhận định đây là công cụ thiết thực, chuyển tiếp những thông điệp từ cộng đồng doanh nghiệp đến Chính phủ Việt Nam.

Trong khi đó, ông Michael Behrens, Chủ tịch EuroCham cho biết ấn phẩm này là bản tập hợp những quan ngại và kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, gửi gắm thông điệp chung từ nhiều ngành nghề và doanh nghiệp khác nhau cùng những kỳ vọng và khuyến nghị của các thành viên và đối tác của EuroCharm.

Điểm mới của ấn phẩm năm nay là EuroCharm dành riêng một chương đề cập tới Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA), việc thực thi và tác động của Hiệp định này đến hoạt động kinh doanh.

Vốn FDI hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng

Sach Trang 2017 anh 1
3 quốc gia dẫn đầu về vốn đầu tư FDI tại Việt Nam tính đến ngày 20/2/2017. (Đơn vị: Triệu USD). Đồ họa: Kiều Vui. 

 

Sách Trắng 2017 nêu rõ với tỷ lệ biết chữ và trình độ học vấn cao, mức lương tương đối thấp, ở vị trí cầu nối và trung tâm trong khu vực ASEAN, Việt Nam ngày càng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn làm trung tâm hoạt động để cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho khu vực Mê Kông và các khu vực xa hơn.

Hơn nữa, nét đặc trưng hấp dẫn của Việt Nam được thể hiện qua thu hút một cách rộng rãi vốn FDI vào các hoạt động sản xuất. Điển hình là việc mở cửa dần hầu hết ngành dịch vụ theo lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam bắt đầu từ năm 2007 đã được hoàn thành vào năm 2015.

Trong một số lĩnh vực, pháp luật trong nước đã nới rộng khả năng tiếp cận thị trường còn vượt ra ngoài các cam kết WTO như nới tỷ lệ cổ phần nắm giữ tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty đại chúng từ mức 49% lên tới 100%.

Ngoài ra, Việt Nam cũng áp dụng các ưu đãi đầu tư như cắt giảm thuế trong một số lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ môi trường, nông nghiệp. Đây là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp châu Âu luôn dẫn đầu trên toàn cầu.

Tuy nhiên, theo các lãnh đạo EuroCham, điểm trừ là các quy định hướng dẫn cho nhiều văn bản luật mới vẫn chưa được ban hành, quá trình xử lý hồ sơ cho các nhà đầu tư đang còn bị trì hoãn.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam “than” còn gặp cản trở trong làm thủ tục hành chính. Việc đăng ký thuế, thông quan, đăng ký kinh doanh và các thủ tục hành chính khác thường xuyên bị chậm trễ, kết quả xử lý hồ sơ không lường trước được.

Điều này khiến các doanh nghiệp phải tiêu tốn nhiều nguồn lực để cho các thủ tục hành chính mà đáng lẽ có thể sử dụng để phát triển các hoạt động kinh doanh.

Đề xuất gỡ bỏ một số chính sách

Liên quan đến việc nâng cao sinh kế cho người dân, Sách Trắng 2017 đề xuất Việt Nam nên gỡ bỏ chính sách giá trần đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đồng thời cho phép quay trở lại với cơ chế giá thị trường và không nên tiếp tục áp dụng các biện pháp áp đặt giá bán tối đa như hiện tại, cũng như không ban hành các biện pháp quản lý giá khác.

Đại diện EuroCham cho rằng việc nhà nước can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua các biện pháp hành chính như áp đặt giá bán tối đa đi ngược với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường.

Theo EuroCham, kể từ khi biện pháp giá trần được áp dụng vào năm 2014, rất nhiều khoản chi phí đội lên tác động tới hoạt động của nhà sản xuất và phân phối sữa.

Ước tính trên thị trường Việt Nam có hơn 888 sản phẩm sữa khác nhau, chia thành 3 phân khúc: Cao cấp, trung bình và bình dân.

Với thực tế hiện nay, EuroCham kiến nghị, chỉ áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong một khoảng thời gian giới hạn nhất định và đối với các sản phẩm thiết yếu "đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người" như quy định trong luật giá.

Còn đối với thị trường sữa công thức, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ không nên kiểm soát giá bán của các sản phẩm ở phân khúc cao cấp và trung bình, mà chỉ nên áp dụng biện pháp bình ổn giá lên phân khúc bình dân để đảm bảo khả năng tiếp cận sản phẩm của người tiêu dùng có thu nhập thấp.

Tại buổi công bố Sách Trắng, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh tầm quan trọng của FTA giữa Việt Nam và EU.

Theo ông Lộc, với hàng chục FTA được ký kết và cả những FTA đang đàm phán, Việt Nam hiện là trung tâm kết nối kinh tế toàn cầu.

Lãnh đạo VCCI kiến nghị Chính phủ cũng như các doanh nghiệp của cả Việt Nam và châu Âu có nhiều giải pháp hỗ trợ để nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh, nhằm tận dụng được cơ hội do VEFTA mang lại.

“Phải có sự chuẩn bị thực chất cho các doanh nghiệp qua đó có thể đón đầu các cơ hội mà hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU mang lại,” ông Lộc nói.

Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam hơn 700 triệu USD

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Việt Nam đang đạt hơn 721,7 triệu USD.

k

Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm