Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Không để cổ đông lớn chi phối ngân hàng'

Đây là thông điệp được người đứng đầu Nhà nước đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2013 sáng ngày 9/1.

'Không để cổ đông lớn chi phối ngân hàng'

Đây là thông điệp được người đứng đầu Nhà nước đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2013 sáng ngày 9/1.

"Các ngân hàng thương mại phải tự mình cơ cấu lại để hoạt động mạnh hơn, hiệu quả hơn. Không để tình trạng ngân hàng cổ phần để một số cổ đông lớn chi phối, lập ra ngân hàng coi như của mình, lập công ty con kê khống tài sản rút tiền ra", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Một trong những nhiệm vụ mà Thống đốc giao cho Ngân hàng Nhà nước là vừa kiểm soát lạm phát vừa phải đưa tín dụng tới doanh nghiệp, qua đó phát triển nông nghiệp, tạo việc làm, ổn định vĩ mô. Bởi theo Thủ tướng, việc phát triển của đất nước dựa chủ yếu vào thị trường tiền tệ.

“Thị trường vốn chưa phát triển thì bây giờ phải làm gì? Các ngân hàng thương mại phải xem xét cái này. Đưa vốn ra để phục vụ sản xuất, các đồng chí xuống địa phương, cá tra, ba sa đang vấp phải do thiếu vốn, thiếu tiền. Do đó, ngân hàng phải đưa vốn vào nền kinh tế để tín dụng tăng, nhưng đúng mục tiêu, hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là nhiệm vụ chung không chỉ của Ngân hàng Nhà nước, quản lý Nhà nước mà cả của các ngân hàng thương mại. Lợi ích của ngân hàng thương mại cũng là lợi ích của doanh nghiệp. Muốn được vậy, ngân hàng phải chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi thông điệp tới lãnh đạo các ngân hàng thương mại có mặt tại hội nghị.

Ngoài ra, Thủ tướng còn yêu cầu ngành ngân hàng phải làm tốt việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. “Đây là vấn đề nổi cộm của nền kinh tế hiện nay. Ngân hàng phải là người xử lý trước hết và chủ yếu về nợ xấu, xem xét cái nào đưa về công ty quản lý tài sản, cái nào đưa vào trích lập dự phòng rủi ro, rồi bán tài sản xử lý….”, Thủ tướng nhấn mạnh thêm.

Theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước, hiện tại, nợ xấu đã có chiều hướng tăng chậm lại đáng kể. Dự phòng rủi ro đã trích lập chưa sử dụng đến cuối tháng 11/2012 đạt 78,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 58,31% nợ xấu), tăng 33% so với cuối năm 2011. Nợ xấu được các tổ chức tín dụng xử lý ước đạt 45 nghìn tỷ đồng; các biện pháp cơ cấu lại nợ đã góp phần kiềm chế nợ xấu tăng nhanh và hỗ trợ khách hàng vay vốn. Nhiều tổ chức tín dụng đã chấp nhận giảm lợi nhuận, tiết giảm chi phí, kể cả tiền lương, tiền thưởng của người lao động để tập trung trích lập dự phòng rủi ro cho xử lý nợ xấu.

Để xử lý căn bản nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Đề án xử lý nợ xấu và Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản. 2 Đề án này sẽ sớm được Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Theo đánh giá của Thủ tướng, nợ xấu gắn với hàng tồn kho. Do đó, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng tập trung xử lý vấn đề này trong năm 2013. Và cũng theo yêu cầu của Thủ tướng, ngành ngân hàng cần công khai dân chủ các ngân hàng yếu kém.

“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tự mình cơ cấu lại để hoạt động mạnh hơn, hiệu quả hơn. Phải cơ cấu lại để không còn ngân hàng yếu kém; không để tình trạng ngân hàng cổ phần để một số cổ đông lớn chi phối, lập ra ngân hàng coi như của mình, lập công ty con kê khống tài sản rút tiền ra. Cái đó là vi phạm pháp luật, là lừa đảo. Chúng ta phải đưa hoạt động ngân hàng thực sự lành mạnh, theo thông lệ quốc tế, kinh tế thị trường. Tôi tha thiết đề nghị các đồng chí làm ngân hàng là nghiêm túc”, Thủ tướng nhấn mạnh thêm.

Theo Thủ tướng, ngành cần cơ cấu lại để không còn ngân hàng yếu kém.

Để lạm phát cao, Thống đốc chịu trách nhiệm

Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong năm 2012, chúng ta chưa lường đoán được hết các khó khăn, thách thức nên có những mục tiêu, nhiệm vụ đưa ra không sát thực tế. Song những kết quả đạt được trong năm 2012 là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát có sự đóng góp rất lớn của ngành ngân hàng. Thủ tướng ghi nhận ngành ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng, đặc biệt là điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, qua đó góp ổn định lạm phát, tỷ giá, giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Và một trong những thành công của ngành ngân hàng, theo đánh giá của Thủ tướng, là góp phần đưa lạm phát từ 19% năm 2011 về còn 6,8% trong năm nay. Do đó, “năm 2013, chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát thấp hơn mức 6,8% của năm 2012 là hoàn toàn có cơ sở. Chính việc kiềm chế lạm phát năm 2012 đã tạo tiền đề một cách bài bản cho năm 2013 dù nhân tố tiềm ẩn gây lạm phát có, còn nhưng không lớn”, Thủ tướng nói.

Với mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, người đứng đầu Chính phủ đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo các ngân hàng thương mại đồng lòng lấy mục tiêu chung của đất nước mà phấn đấu. Ngân hàng Nhà nước cần làm tốt hơn chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước của mình, làm tốt hơn điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàg trung ương, ngân hàng mẹ.

“Để lạm phát, trước hết Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Lạm phát là tiền. Thống đốc điều hành như thế nào kiểm soát được lạm phát phải thấp hơn và tăng trưởng phải cao hơn. Đây là nhiệm vụ kép, nếu tăng trưởng dưới 5% thì không tạo thêm công ăn việc làm, thì thất nghiệp…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh thêm, Ngân hàng Nhà nước “phải bám sát việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, hiệu quả hơn, sát với cuộc sống để đạt được yêu cầu kiểm soát được lạm phát thấp hơn 2012. Đây là quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tổng dư nợ tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, thị trường mở hoạt động thế nào, cung ứng tiền thế nào tôi quyết liệt giao cho Thống đốc, kể cả phát hành, cung ứng tiền…”.

Cùng với mục tiêu kiềm chế lạm phát, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước quản lý tốt thị trường vàng, ngoại tệ. Thủ tướng cho rằng: “Không thể có đất nước mà bán cái gì cũng qui ra vàng, USD, thanh toán bằng USD thì sao phù hợp với người Việt. Đây là mục tiêu chiến lược, không có gì mới. Thị trường vàng phải phát huy kết quả đã đạt được, không để vàng trở thành đồng tiền chủ yếu trên thị trường. Yêu cầu thứ hai là đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân. Cố gắng tính mọi cách thích hợp để vàng trở thành vốn, thành nguổn đầu tư cho nền kinh tế”.

Theo Dân Trí

Theo Dân Trí

Bạn có thể quan tâm