Ngân hàng Nhà nước cần thông tin rõ nợ xấu
Theo đại biểu Trần Du Lịch, nếu không biết thực chất nợ xấu bao nhiêu, nằm ở đâu mà vẫn theo kiểu nhà băng nói 4%, Ngân hàng Nhà nước báo 8% thì không giải quyết được vấn đề.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), báo cáo của Chính phủ nêu trong năm 2012 kinh tế Việt Nam “quý sau cao hơn quý trước”, tuy nhiên đây là một thông lệ, chuyện bình thường. “Chính phủ đừng xem đó như là một tín hiệu kinh tế đã phục hồi. Không đâu. Chúng ta đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn, chưa có dấu hiệu gì phục hồi cả”, ông Ngân nhấn mạnh. Ông dẫn chứng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể là trên 40.000 doanh nghiệp (đến tháng 9/2012), kéo theo nhiều hệ lụy về thất nghiệp, an sinh xã hội, nợ xấu tiếp tục gia tăng.
Đại biểu Doãn Thế Cường - trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên - nói hiện có 3 khu vực nóng bỏng nhất trong nền kinh tế, đó là bất động sản, ngân hàng và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. 3 khu vực này ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế, trong khi đó lâu nay chưa đánh giá được mức độ ảo trong hoạt động, bây giờ quay lại giá trị thực đang rất khó khăn.
“Có lẽ trên thế giới chỉ Việt Nam là nhiều ngân hàng như vậy trong khi quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn. Bao nhiêu ông làm ăn như một số người từng có liên quan đến Ngân hàng ACB vừa rồi? Tôi nghe nói là có nhiều ông như thế chứ không ít. Sở hữu chéo thì chằng chịt, nếu đổ một cái là hiệu ứng domino ngay”, ông Cường nói.
Đại biểu Trần Du lịch (TP.HCM) trong một phiên thảo luận tại tổ. |
Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải thông tin rõ ràng nợ xấu hiện nay là bao nhiêu (tính theo tiêu chuẩn Ngân hàng Việt Nam), không thể có chuyện ngân hàng thương mại nói 4% trong khi Ngân hàng Nhà nước nói 8%. Nếu không biết thực chất nợ xấu bao nhiêu, nằm ở đâu thì không giải quyết được vấn đề, do vậy phải công khai, minh bạch. Ô
Ông Lịch cũng kiến nghị các ngân hàng thương mại phải lập quỹ dự phòng rủi ro nợ xấu đúng tiêu chuẩn, phải lấy lợi nhuận để làm, giảm lương, giảm thưởng… Đồng thời phải chế tài rất mạnh ngân hàng nào giấu nợ xấu. Về lâu dài hơn, ông Lịch thiết tha đề nghị lập một Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế do Thủ tướng đứng đầu. Ủy ban này phải đứng ra tái cơ cấu cả ngân hàng, giải quyết nợ xấu, doanh nghiệp nhà nước…
Hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, sản xuất thép, các đại biểu Lê Quang Hiệp (Thanh Hóa) và Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) có chung kiến nghị đã đến lúc Chính phủ có giải pháp kích cầu để gỡ khó cho doanh nghiệp. Là một doanh nhân, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng điều tiết kinh tế vĩ mô đang có vấn đề.
“Điều quan trọng nhất là điều tiết dòng chảy của nền kinh tế giống như điều khiển dòng nước làm sao cho tốt, chứ chỉ vặn chặt cái vòi vào để kiềm chế lạm phát thì rất dễ. Nhưng hậu quả của nó là đang làm cho nền kinh tế tê liệt. Tôi cho rằng trên thực tế, doanh nghiệp đang khó khăn hơn rất nhiều so với đánh giá của Chính phủ. Cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn, nhiều người rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp”, ông Bảo nhận định.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi lưu ý vấn đề đảo bảm lộ trình tăng lương trong năm 2013, vì hiện nay đời sống của người làm công ăn lương đã rất khó khăn, nếu không tăng lương thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý xã hội.
Theo Tuổi Trẻ