Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Không để cảnh màn trời chiếu đất xảy ra trong vùng di dân'

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các lực lượng chức năng, chính quyền các tỉnh miền Trung nêu cao trách nhiệm, không để dân đói, ốm đau, dịch bệnh, không để cảnh màn trời chiếu đất xảy ra.

Chiều tối ngày 9/11, sau khi đi kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 14 tại Quảng Ngãi và Quảng Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng Chính phủ - chủ trì cuộc họp khẩn cấp với các bộ, ngành trung ương, các địa phương ven biển miền Trung về triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 14.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng chống bão tại Quảng Ngãi.

Theo Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo tiền phương đối phó với bão số 14, đến 17h ngày 9/11, các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên đã chủ động triển khai phương án sơ tán, di dời hơn gần 184.000 hộ/684.000 người dân ở các vùng ven biển, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng thuộc 69 quận huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên di dời xong lúc 16h, các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng di dời xong trước 19h.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp khẩn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương thực hiện ngay các giải pháp cần thiết, cấp bách. Trước 19h ngày 9/11, phải kiên quyết di dời hết dân ra khỏi những vùng nguy hiểm. Hướng dân neo buộc tàu thuyền đúng quy định và phải kiên quyết đưa ngư dân ra khỏi tàu, lên bờ an toàn trước khi bão đổ bộ. Tiếp tục chằng chống kho tàng, công sở, nhà dân... trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. 

Các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương nêu cao trách nhiệmm không để dân đói, ốm đau, dịch bệnh, không để cảnh màn trời chiếu đất xảy ra. Bão số 14 còn diễn biến phức tạp, hoàn lưu lớn, đường đi khó lường, nên phải thường xuyên xử lý thông tin, bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành thông suốt từ Trung ương đến tận xã phường, thôn, tổ dân phố.

Tại Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP, biết Đà Nẵng đã tổ chức di dời 46.000 hộ/162.000 người ở vùng ven biển và huyện Hòa Vang đến nơi an toàn. Đà Nẵng cũng thành lập ba Đội cứu hộ trên sông (Bộ đội Biên phòng phụ trách), Đội cứu nạn (Bộ chỉ huy quân sự TP phụ trách) và Đội cứu sập (Sở Cảnh sát PCCC phụ trách) sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống.

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5, cho biết: “Khi bão đổ bộ, chúng tôi sẽ tổ chức từng bộ chỉ huy, các xe thiết giáp, xe lội nước. Sở chỉ huy quân khu có xe cứu hộ, cứu nạn đa năng chỉ huy và các phương tiện, có quân y đi theo để giúp nhân dân trong bão khi cần thiết".

Bộ chỉ huy quân sự TP.Đà Nẵng cho biết đã thành lập 3 đội cứu hộ - cứu nạn để ứng phó với các tình huống xảy ra. Đội Cứu hộ trên sông (do Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP chỉ huy) gồm 9 phương tiện và lực lượng với 8 ca nô và 1 xe cấp cứu sẽ phối hợp với các địa phương các vùng ven biển giúp sơ tán dân; sau khi bão tan tiến hành  cứu vớt, phục vụ cho việc tiếp tế lương thực đến các vùng bị cô lập.

Đội Ứng cứu sập đổ công trình (do Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy chỉ huy) với xe tải, xe đào, xe xúc, xe nâng, phương tiện cơ động sẽ phối hợp giúp địa phương sơ tán dân, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học… Sau bão tiến hành cứu, kéo người bị nạn, khắc phục các công trình bị sập đổ.

Đội Ứng cứu khẩn cấp trong bão với 2 xe thiết giáp PTR152 và các lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy quân  sự TP, sẽ hỗ trợ lãnh đạo đi thị sát, chỉ huy nắm tình hình; sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp như cấp cứu người bị nạn…

Hàn Giang

Bạn có thể quan tâm