Tận dụng thời điểm mua sắm lớn nhất trong năm, nhiều cơ sở kinh doanh tung ra các đợt khuyến mãi lớn cho các mặt hàng mới. Bên cạnh đó, những đợt xả hàng với mức giảm giá “sốc” lên đến 70-80% cũng được quảng cáo rầm rộ khắp các tuyến đường, khu mua sắm, trang mạng xã hội…
Không còn tin tưởng
Bà Kim Loan (quận 1, TP HCM) cho biết: “Gia đình tôi không bao giờ mua hàng khuyến mãi, vì nghe bạn bè nói đó là những mặt hàng loại 2, loại 3 chứ không phải loại tốt. Tôi nghĩ, một món hàng rẻ đi phân nửa hay một phần ba giá thì chắc là không tốt, một là không còn mô-đen, hai là quá hạn sử dụng, ba là quá cũ”.
Cùng ý kiến với bà Kim Loan, anh Nguyễn Tuấn Huy (quận 11, TP HCM) bức xúc kể lại: “Mình có mua một sản phẩm tại một cửa hàng giảm 50-70% ở đường 3 Tháng 2, nhưng khi tìm hiểu thì mới biết thực tế giá chỉ giảm 10.000-20.000 đồng, không như quảng cáo của cửa hàng”.
Do phải chờ đợi quá lâu nhiều dòng người đã ùn lên bất chấp bảo vệ ngăn cản. |
Anh Huy kể thêm, lần khác, anh có ghé vào một cửa hàng đề biển “xả hàng”. Anh đã mua một cái áo, dù biết là sản phẩm lỗi thì mới giảm giá nhưng do lựa gấp, khi mang về nhà, anh Huy khá bất ngờ vì phần lỗi quá lớn, không thể mặc được.
“Có hai loại hàng khuyến mãi là những sản phẩm lỗi mốt, tồn kho thì giảm giá thật. Còn những sản phẩm mới mà quảng cáo giảm 50-70% thì chỉ là hình thức. Người ta đã đội giá lên trước rồi mới giảm”, anh Huy nói.
Trường hợp của anh Nguyễn Mạnh Đình (quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng tương tự. Cái áo anh Đình mua được tại một cửa hàng khuyến mãi đã bị sứt chỉ ở đường may hai bên thân áo, phải may lại mới sử dụng được.
Anh Đình ngán ngẫm: “Khi gặp hàng khuyến mãi thì ai cũng phấn khích nên ít chịu lựa kĩ. Phải mua nhanh, mua gấp vì sợ người khác lấy mất. Về nhà thì tá hỏa vì sản phẩm bị lỗi, lúc ấy thì đành chịu, vì hàng khuyến mãi mà”.
Theo chị Trương Thị Tươi (TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) thì đại bộ phận người Việt Nam có tâm lý đám đông, nên khi thấy nơi nào giảm giá, tập trung đông người là vào chen lấn lựa mua bất chấp sản phẩm có cần thiết với mình hay không.
Chị Tươi bày tỏ: “ Cứ thấy rẻ là mua nên các cơ sở kinh doanh thường đánh vào tâm lý này”. Một số mặt hàng giảm giá cuối năm có thể vì hàng tồn kho hoặc vì sức mua mạnh nên cơ sở sản xuất với số lượng nhiều dẫn đến giá giảm mạnh.
Chị Tươi kể: “Cháu tôi trong một lần mua quần áo giá rẻ đã mua nhầm hàng lỗi, nhưng vì là khuyến mãi nên không ai cho đổi trả. Bởi vậy sau này, ít khi nào gia đình tôi mua hàng giảm giá”.
Chọn khuyến mãi để tiết kiệm
Anh Nguyễn Mạnh Đình cho biết, dịp cuối năm là dịp mua sắm lớn nhất của gia đình anh, từ quần áo cho đến các sản phẩm gia dụng. Vì vậy, việc mua những mặt hàng khuyến mãi, xả hàng sẽ giúp túi tiền của gia đình tiết kiệm hơn.
Gần 80 thương hiệu thời trang, mỹ phẩm cao cấp đồng loạt giảm giá 50% đã thu hút lượng lớn người dân đến mua hàng. |
“Hàng khuyến mãi cũng rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Giá cả thấp nên sinh viên, người lao động nghèo sẽ có thêm cơ hội mua sắm Tết”, anh Đình chia sẻ.
Còn chị Nguyện Thị Thanh Kim thường chọn mua đồ điện máy vào dịp cuối năm, vì các siêu thị điện máy thường có những đợt xả hàng. Sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng đảm bảo. Riêng về quần áo, chị Kim chia sẻ: “Đôi khi có những mẫu khuyến mãi không còn hợp xu hướng. Hàng khuyến mãi thì nhiều lắm, phải chịu khó chọn lựa kĩ thì mới được sản phẩm giá rẻ mà tốt”.
“Trước khi mua bất kì sản phẩm nào, đặc biệt là hàng khuyến mãi cần phải xác định cần mua cái gì. Phải có trước những tiêu chuẩn riêng như màu sắc, hình dáng, họa tiết, chức năng để áp vào những sản phẩm thực tế. Đừng vì khuyến mãi mà ham mua, quên đi những tiêu chuẩn ban đầu. Vừa mất tiền mà không được sản phẩm như mong muốn”, Anh Nguyễn Mạnh Định nhắn nhủ.
Khuyến mãi thực chất là gì?
Chị Trương Thị Tươi cho rằng, khi mua hàng giá trị cao, người mua thường kiểm tra rất kĩ vì sợ phí tiền. Nhưng trớ trêu, khi mua hàng giảm giá, khuyến mãi, người mua lại chọn số lượng nhiều và chọn rất nhanh, mà không xem kĩ màu sắc, kiểu dáng, so sánh với mặt bằng chung của giá cả thị trường.
“Chính điều này dẫn đến việc bỏ tiền mua hàng về rồi mà không sử dụng được”, chị Tươi nhấn mạnh.
Là một chủ một cửa hàng kinh doanh, hơn ai hết, chị Nguyễn Thị Thanh Kim (shop thời trang Bích Ngọc - Trung tâm thương mại Phú Mỹ, huyện Phú Tân, An Giang) cho biết: “Người ta thường giảm giá những mặt hàng tồn kho từ các năm trước, còn các mặt hàng mới thì hiếm khi giảm giá. Người tiêu dùng phải thông minh trong lựa chọn, vì nhiều cửa hàng kê giá sản phẩm lên rất cao rồi mới cho giảm giá 50-70%, nhưng thực sự giá sau khi giảm chỉ là giá trị thực của sản phẩm”.
Nhiều gian hàng giảm giá tới 90%. |
Chị Kim cho biết thêm, với hàng tồn kho chị thường bán thanh lý giá rẻ, còn những hàng mới chị khuyến mãi theo dạng mua mặt hàng này được tặng một sản phẩm khác.
Lý giải về nguyên lý kinh doanh hàng khuyến mãi, ông Huỳnh Thế Du - giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho biết: “Về bản chất, bán hàng khuyến mãi là đánh vào tâm lý người tiêu dùng để họ cảm thấy thích thú, kích thích việc mua hàng”.
Mục tiêu chính của khuyến mãi là bán được thêm nhiều hàng. Lúc nhu cầu lớn nhất như dịp Tết âm lịch thì các chương trình khuyến mãi trở nên rầm rộ, tạo hiệu ứng mạng lưới, thấy người khác mua thì mình cũng mua, cả xã hội đều mua.
Chia sẻ về những sự thật đằng sau các hình thức khuyến mãi, ông Du cho biết, tâm lý con người luôn nghĩ những sản phẩm đắt là chất lượng cao. Lợi dụng điều này, nhiều cơ sở kinh doanh ngay từ đầu đã đội giá sản phẩm lên rất cao khiến hiếm người tiêu dùng nào có thể mua.
Tuy nhiên, thời gian sau, họ giảm giá 50% làm người tiêu dùng chú ý. Thực tế, sản phảm ban đầu 100.000 đồng, đội giá lên thành 300.000 đồng, khi giảm xuống thì còn 150.000 đồng vẫn cao hơn giá thực.
Bên cạnh đó, các hình thức khuyến mãi mua một tặng một, mua hai tặng một cũng thường được sử dụng thay vì khuyến mãi giảm giá trực tiếp. Bán hàng đồng giá được sử dụng khi có một loạt sản phẩm có mức giá tương đương, tuy nhiên hình thức này chỉ phù hợp cho hàng có giá trị thấp.
Khuyến mãi để "làm mồi" thường được sử dụng trong các siêu thị. Ông Du phân tích: “Thực tế không ai vào siêu thị chỉ để mua một quả bưởi vốn có giá 30.000 đồng, hôm nay còn 20.00 đồng. Khuyến mãi như thế làm người tiêu dùng chọn mua quả bưởi nhưng đồng thời sẽ kéo theo mua thêm những sản phẩm khác trong siêu thị”. Ông Du cho rằng, trước khi muốn mua một sản phẩm khuyến mãi, xả hàng, người tiêu dùng cần cân nhắc kĩ, đừng để bị ấn tượng ban đầu về mức độ khuyến mãi lôi cuốn .
Nếu thị trường phát triển, chất lượng hàng hóa giảm giá sẽ luôn đảm bảo nên điều quan trọng là phải biết nhu cầu của bản thân mình. Không phải cứ khuyến mãi là hàng không tốt.