Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ điện máy đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, và phần thắng chỉ thuộc về những “đại gia” có nguồn lực cùng năng lực quản trị tốt.
Thông tin hệ thống siêu thị điện máy của nhà bán lẻ Topcare đóng cửa hàng loạt gây khá nhiều bất ngờ cho thị trường. Mặc dù chưa có thông báo chính thức từ phía DN, nhưng qua quan sát, một số điểm bán hàng của Topcare đang phong tỏa và kiểm kê hàng.
Người bán vốn, kẻ rút lui
Khi khai trương điểm bán tại đường Hoàng Minh Giám (Thanh Xuân - Hà Nội) vào 2 tháng trước, đại diện của hãng này còn bày tỏ sự lạc quan, khi khẳng định công ty đã vượt qua khó khăn và sẽ phát triển mạnh mẽ: “Topcare sẽ tiếp tục khai trương các siêu thị tiếp theo trong thời gian từ nay đến năm 2015 để đứng ở vị trí dẫn đầu thị trường điện máy phía Bắc”.
Trước đó vào tháng 8/2014, hệ thống siêu thị này cũng gây chú ý khi thay đổi nhận diện thương hiệu từ gam màu đỏ xanh màu xanh dương, gần giống với logo của Tập đoàn Đại Dương, đã làm dấy lên tin đồn hệ thống này bị thâu tóm. Mặc dù hai bên đều bác bỏ thông tin, song được biết Topcare hiện đang vay vốn của ngân hàng này.
Tuy nhiên, ít ai biết cách đây hơn 2 tuần, công ty CP Đầu tư và Thương mại Ngôi sao châu Á (đơn vị quản lý chuỗi siêu thị Topcare), những cổ đông sáng lập ra hệ thống siêu thị này, đã thay đổi Giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 8, vào ngày 10/1/2015. Theo đó, mặc dù có vốn điều lệ là 36 tỷ đồng, song 3 cổ đông sáng lập của DN này đã không còn nắm cổ phần nào của công ty.
DN này đang có 43 ngành nghề kinh doanh, với ngành chính là kinh doanh bất động sản, và kinh doanh siêu thị nay chỉ là một trong những ngành nghề đi kèm. Địa điểm đăng ký kinh doanh của siêu thị này cũng chỉ là một văn phòng nhỏ và không có biển tên.
Nhìn vào bức tranh kinh doanh ngành bán lẻ điện máy cho thấy có rất ít DN có được lợi nhuận lớn. |
Trước đó, thị trường bán lẻ điện máy cũng lùm xùm với thương vụ ông lớn bán lẻ điện máy Thái Lan Central Group mua lại 49% cổ phần của công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT, đơn vị sở hữu 100% cổ phần của công ty CP Thương mại Nguyễn Kim, chuỗi siêu thị điện máy có thị phần lớn nhất Việt Nam.
Chưa vội bàn đến chuyện Nguyễn Kim có được hời hay không ở thương vụ này, song việc bán vốn cho đối tác ngoại đã cho thấy chiến lược khôn ngoan của DN này.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, kinh doanh điện máy tại Việt Nam là lĩnh vực có tính cạnh tranh cao, tỷ suất lợi nhuận lại thấp, nên buộc các DN phải liên tục mở rộng quy mô và “có nghề” mới có thể tồn tại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để tăng được sức cạnh tranh, DN phải trường vốn song nguồn lực lại có hạn.
“Túm nhau” cùng xuống
Cùng với việc liên tục mở rộng hệ thống từ 4 điểm bán vào năm 2010 lên 21 điểm vào năm 2013, Nguyễn Kim đặt mục tiêu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 50%/năm và đạt khoảng 35 - 40% thị phần của cả nước.
Thế nhưng, từ năm 2013 đến nay, Nguyễn Kim chưa phát triển thêm được điểm bán lẻ mới nào. Trong khi đó, hàng loạt các đổi thủ khác như Thế giới Di động, Điện máy Trần Anh, Pico, HC… vẫn “rượt đuổi” nhau trong cuộc đua mở chuỗi hệ thống để chiếm lĩnh thị phần, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn vươn ra các tỉnh.
Theo tính toán, để mở một siêu thị có quy mô, vốn đầu tư lên tới 30-40 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận là bài toán đầy thách thức giữa bối cảnh tiêu dùng chưa khởi sắc và cạnh tranh khốc liệt.
Bình luận về những diễn biến trên thị trường bán lẻ điện máy, ông Phạm Tất Thắng, chuyên gia thương mại cao cấp, cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, kinh tế khó khăn và sức tiêu dùng lại giảm sút, việc các DN điện máy phải bán cổ phần cho đối tác ngoại để có “chỗ dựa”, hay thậm chí là phải đóng cửa, là chuyện bình thường của thị trường.
Theo quy luật đào thải, với áp lực phải liên tục mở rộng hệ thống để tăng sức cạnh tranh, DN nào không có nguồn lực tài chính vững mạnh, hay kinh nghiệm quản trị tốt, tất yếu sẽ không thể tồn tại trên thị trường đầy khắc nghiệt và có tính đào thải cao này.
Nhìn vào bức tranh kinh doanh ngành bán lẻ điện máy cho thấy, có rất ít DN có được lợi nhuận lớn. Như với điện máy Trần Anh, mặc dù có doanh thu nghìn tỷ, khi đạt 2.415 tỷ đồng, nhưng chi phí phát sinh cao nên lợi nhuận chỉ nằm ở con số khiêm tốn với 3,9 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận của DN này rơi vào tình trạng báo động, khi lợi nhuận/doanh thu chỉ đạt 0,16%, lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt 1,34%. Theo các chuyên gia, đặc thù kinh doanh điện máy là phải có nguồn vốn lớn, song hầu hết các DN đều phải sử dụng vốn đi vay và dùng chính tài sản là siêu thị cùng hàng hoá để thế chấp, nên nguồn vốn thực chất mà các DN được xem là “đại gia” này có được, là không nhiều.
Trong khi đó, để cạnh tranh, DN phải liên tục mở rộng chuỗi hệ thống, cùng sức ép thu hút khách hàng, nên phải chạy đua trong cuộc chiến giảm giá, khuyến mãi, nên càng khiến cho DN điện máy rơi vào vòng xoáy “cùng dìm nhau” theo giá.
Theo đại diện một siêu thị điện máy giấu tên tại Hà Nội, cuộc đua của ngành hàng điện máy sẽ ngày càng khốc liệt hơn, và sẽ có thêm DN bị loại ra khỏi cuộc chơi. Cũng bởi, cuộc chơi bán lẻ điện máy không chỉ đơn thuần là các DN trong nước tham gia, mà còn có thêm những nhân tố mới có rất nhiều tiềm lực với sức cạnh tranh ngày càng lớn hơn.
Đó là sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài như Central, hoặc đại gia Vincom Group với thương hiệu VinPro… Thực tế, một số hãng bán lẻ điện máy vẫn mở điểm bán, song chỉ hoạt động cầm chừng và chờ đợi được “bán mình” để tìm chỗ đứng.
Chạy đua với chiến dịch mở chuỗi cùng các chương trình giảm giá, khuyến mãi khủng, các DN điện máy rồi sẽ đi về đâu với một thị trường mà yêu cầu người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn?
Do đó, các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ “chạy đua” theo kiểu “anh có, tôi cũng có” mà không trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu khách hàng và thị trường, phù hợp với quy hoạch, một mét vuông có đến 3-4 siêu thị điện máy, thì kết cục cũng chỉ là “chuột chạy cùng sào”?
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội
Chuyện mua bán sáp nhập, đóng cửa giải thể trong cơ chế thị trường là bình thường, không có gì ngạc nhiên. Nhưng đằng sau câu chuyện đó là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nhìn vào bức tranh thị trường cho thấy niềm tin tiêu dùng chưa được đảm bảo, giá cả sản phẩm lên xuống thất thường, DN nào ôm nhiều bị thua lỗ, không giải phóng tồn kho được. Chu kỳ sử dụng hàng điện máy dài, nên chu kỳ mua sắm ồn ã đã qua rồi, việc mua sắm cũng không có sự thay đổi.