Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không có vốn ngoại tệ giá rẻ cho Việt Nam

Tín hiệu xấu từ nền kinh tế vĩ mô đang là thách thức với các ngân hàng khi phát hành trái phiếu quốc tế.

Không có vốn ngoại tệ giá rẻ cho Việt Nam

Tín hiệu xấu từ nền kinh tế vĩ mô đang là thách thức với các ngân hàng khi phát hành trái phiếu quốc tế.

>>Ngân hàng Việt Nam đầu tiên phát hành thành công trái phiếu quốc tế

 
 Xu hướng phát hành trái phiếu quốc tế của các ngân hàng thương mại được giới ngân hàng coi là xu hướng tất yếu.

Không có vốn ngoại tệ giá rẻ trên thị trường quốc tế dành cho các tổ chức tín dụng Việt Nam lúc này và cả trong ngắn hạn, sau khi Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) bán hết 250 triệu đô la Mỹ trái phiếu quốc tế kỳ hạn 5 năm với lãi suất cuống phiếu 8%/năm và lợi suất 8,25%. Giới chuyên môn cho rằng các tín hiệu xấu từ tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam và sự thay đổi liên tục của thị trường thế giới đang là thách thức với các ngân hàng đi sau Vietinbank.

Phong trào “bán mình”

Không riêng Vietinbank, xu hướng tìm vốn ngoại tệ dài hạn trên thị trường quốc tế đã manh nha hình thành từ cuối năm 2010. BIDV (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam), Vietcombank (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam), ACB (Ngân hàng TMCP Á Châu) và STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín) đều có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế trong năm nay với lý do muốn thay đổi cơ cấu nguồn vốn ngoại tệ dài hạn trước nhu cầu trong nước đang tăng cao.

Vietcombank đặt mục tiêu huy động 1 tỉ đô la Mỹ từ năm 2012, ACB dự kiến đợt đầu tiên sẽ bán 100 triệu đô la Mỹ, BIDV muốn ít nhất 500 triệu đô la Mỹ. Sacombank tại Đại hội đồng cổ đông ngày 26/5 cũng đã trình phương án phát hành 200 triệu đôla Mỹ trái phiếu quốc tế, kỳ hạn 5 năm, dự kiến phát hành vào quí 2 hoặc quí 3 tới.

Các ngân hàng trên là những ngân hàng có thế mạnh về ngoại tệ nhưng vẫn phải tính đường tăng thêm nguồn vốn ngoại tệ dài hạn. Bởi họ đã nhìn thấy nguy cơ cạn kiệt dòng vốn dài hạn ngoại tệ trong nước, khi mà nền kinh tế có nhu cầu đầu tư cho các dự án quy mô lớn mà sự có mặt của ngân hàng đôi khi mang tính sống còn. Nếu các ngân hàng trong nước không đủ sức, thị phần tài trợ vốn ngoại tệ dài hạn sẽ vào tay khối ngân hàng ngoại.

Xu hướng phát hành trái phiếu quốc tế của các ngân hàng thương mại được giới ngân hàng coi là xu hướng tất yếu. “Nguồn vốn đô la Mỹ giá rẻ trong nước đang khan hiếm, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất huy động 2% đối với đô la Mỹ, những nguồn vốn lớn và dài hạn khó huy động trong nước nhưng nhu cầu tín dụng ngoại tệ của nền kinh tế không suy giảm.

Vì thế, việc huy động vốn ngoại tệ dài hạn và ổn định là cần thiết với ngân hàng. Chúng tôi cho rằng vấn đề lớn nhất với các ngân hàng Việt Nam hiện nay khi phát hành trái phiếu quốc tế là đưa ra được mức lãi suất vừa hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế nhưng lại đảm bảo chi phí không quá đắt để có thể kinh doanh có lãi khi dùng nguồn vốn này cho vay tại thị trường trong nước”, đại diện Vietinbank nói.

Một trong đại diện các ngân hàng đang chuẩn bị phát hành trái phiếu quốc tế cho biết, cơ cấu vốn ngoại tệ trong các ngân hàng Việt Nam không khác nhiều cơ cấu nguồn vốn nội tệ, trung bình 85-90% ngắn hạn và còn lại là vốn dài hạn. Trong khi nhu cầu vay của thị trường tối thiểu nửa tổng nguồn vốn là dài hạn. Ví dụ với Vietinbank, họ cần bù đắp thiếu hụt về nguồn vốn đô la Mỹ hiện tại của ngân hàng và đáp ứng nhu cầu vay đô la Mỹ còn cao ở thị trường trong nước. Theo Báo cáo trái phiếu của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt, các khoản cho vay bằng đô la Mỹ của ngân hàng trị giá 2,5 tỉ đô la Mỹ, trong khi tổng lượng tiền gửi bằng đô la Mỹ chỉ có 1,3 tỉ. Vì vậy, ngân hàng phải vay thêm 1,2 tỉ từ các tổ chức tín dụng khác.

Không chỉ các ngân hàng, các doanh nghiệp lớn cũng khát ngoại tệ từ lâu. Tập đoàn Than và Khoáng sản (Vinacomin), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Dầu khí (PVN) và nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đều có kế hoạch huy động vốn trái phiếu quốc tế từ hai năm qua.

Vinacomin đã ra nước ngoài thực hiện một số chương trình giới thiệu (roadshows) năm 2010 song phải từ bỏ việc “bán mình” vì tín hiệu thị trường quá yếu. PVN cũng phải dừng lại kế hoạch gọi vốn trái phiếu quốc tế vì vụ việc Vinashin “bùng lên”, sự quan tâm của thị trường gần như không còn. Sang năm 2011, tình hình thị trường tài chính ngày càng khó khăn và lãi suất đi vay đô la Mỹ của Việt Nam trên thị trường quốc tế trong nhiều tháng đã lên mức rất cao, 11%/năm. Một số doanh nghiệp đành quay sang thực hiện những khoản vay thông thường bằng ngoại tệ nhưng giá vốn và các điều kiện đi kèm cũng không hề rẻ.

"Khẩu vị" thị trường luôn thay đổi

Không phải ngẫu nhiên mà tại các roadshow với nhà đầu tư quốc tế về đợt phát hành theo benchmark size (khối lượng chuẩn, theo thông lệ thị trường benchmarke size vào cỡ là 200-500 triệu đô la Mỹ) của Vietinbank cuối tháng 3 vừa qua ở Singapore, Hongkong, London, Boston, New York và Los Angeles, một phần ba các câu hỏi được giới đầu tư quan tâm đều liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tình hình các tổng công ty và các doanh nghiệp nhà nước, tình hình trả nợ của Vinashin, các vấn đề của hệ thống ngân hàng Việt Nam, sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và thế giới...

“Khi họ đầu tư bất kỳ khoản nào, rủi ro phải được minh bạch hóa để sau đó, nếu họ quyết chấp nhận thì sẽ mua. Cái mà họ sợ là nói thì không rủi ro mấy nhưng thực tế xảy ra sau đó lại rất rủi ro”, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nói. “Điều mà giới tài chính quốc tế băn khoăn là liệu rằng việc ứng xử với các khoản nợ quốc tế của Vinashin thời gian qua có phải là thói quen và tiền lệ của Việt Nam hay không? Với các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam, khi doanh nghiệp không trả được nợ thì sự hỗ trợ của nhà nước là gì?”, ông Hải nói tiếp.

Vì sao Vietinbank bán trái phiếu có vẻ suôn sẻ hơn các tổng công ty nhà nước trước đó? Ông Hải giải thích: “Cùng là doanh nghiệp quốc doanh nhưng giới đầu tư quốc tế nhìn thấy ngân hàng là một đặc thù so với công ty nhà nước khác ở Việt Nam. Vinashin sụp đổ, ảnh hưởng nặng nhất với lĩnh vực đóng tàu nhưng ngân hàng thì khác. Ngân hàng mất tiền không chỉ mất vốn của chủ sở hữu mà mất tiền của người dân đang gửi ở đó. Vietinbank có thị phần tín dụng và tiền gửi khoảng 14% toàn hệ thống, lớn thứ hai trong nước về giá trị vốn hóa và họ tin Chính phủ không để ngân hàng sụp đổ”.

Song, nhìn về dài hạn, ba vấn đề nhà đầu tư quốc tế luôn đặt dấu hỏi và coi như nút thắt cổ chai với nền kinh tế Việt Nam là: sự ảnh hưởng ngày càng rộng của khu vực nhà nước, đầu tư công và tái cấu trúc nền kinh tế và các ngân hàng. Kinh tế vĩ mô là cái bóng bao phủ mà các tổ chức phát hành không thể không đối mặt khi muốn vay nợ tại bất cứ đâu. “Kể cả khi doanh nghiệp có tốt đến mấy mà môi trường kinh doanh bất ổn thì nhà đầu tư vẫn lo ngại. Cái đó sẽ hơi khó cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay”, ông Hải nói. So với các quốc gia như Sri Lanka, Philippines, Thái Lan, Indonesia thì Việt Nam vẫn bị coi là thị trường nhiều rủi ro hơn, bởi các quốc gia này sau khi giải quyết những bất ổn chính trị đã bật lên rất nhanh trên thị trường vốn quốc tế.

Theo báo cáo mới đây của Nomura về đợt phát hành của Vietinbank, các ngân hàng Việt Nam cần đặc biệt quan ngại hơn về 2 yếu tố: Tính minh bạch về chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam là khá yếu do sự dễ dãi trong việc phân hạng nợ xấu theo chuẩn mực; Sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam cho các doanh nghiệp quốc doanh có thể không mạnh mẽ như thị trường kỳ vọng, sau sự việc Vinashin vỡ nợ vào cuối năm 2010. Với mức nợ nần cao của các doanh nghiệp tại Việt Nam (sau một thập kỷ tăng trưởng tín dụng quá nóng), tình hình lạm phát, lãi suất cao, và tính thanh khoản yếu trong một số lĩnh vực, Nomura vẫn đang rất để phòng khả năng còn nhiều doanh nghiệp nhà nước sẽ vỡ nợ, khi mà Chính phủ có thể không cung cấp sự hỗ trợ tới toàn bộ các doanh nghiệp này.

Bộ phận nghiên cứu của Citigroup nhận định trong một báo cáo phát hành ngày 11/5: “Với tình hình tài chính yếu, được xếp hạng tín nhiệm ở nhóm thấp nhất trong hệ thống ngân hàng toàn cầu, kế hoạch của chính phủ sẽ bán thêm cổ phần tại Vietinbank, và sự thực về khả năng trả nợ của các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam vẫn đang gây quan ngại, chúng tôi tin rằng các ngân hàng Việt Nam nên giao dịch ở mức giống như là mức rủi ro của trái phiếu ngân hàng của Mông Cổ với kỳ hạn 5 năm, tức khoảng 9-10%”.

“Trái phiếu là cuộc chơi của thời điểm và ăn nhau ở chỗ ‘chớp’ đúng thời điểm, vì những gì bán được hôm nay chưa chắc bán được vào ngày mai. Thị trường biến động cực nhanh và thay đổi liên tục nên vấn đề là người bán cần xác định rõ ngưỡng chấp nhận của mình đến đâu”, Tổng thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam Đỗ Ngọc Quỳnh nói.

Trong nước, việc huy động nguồn vốn đô la Mỹ trung dài hạn là hầu như không khả thi, đặc biệt là tại các kỳ hạn ba năm trở lên trong khi các ngân hàng cần ngoại tệ dài hạn, mà đợi thì đến bao giờ? Trong khi kinh tế thế giới xì xụp cả năm qua và các tín hiệu xấu từ châu Âu chưa biết bao giờ chấm dứt? Ở trong nước, tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn. Đó là lý do nhiều đề án phát hành trái phiếu ngoại tệ đang nhấp nhổm trên bàn các ngân hàng, doanh nghiệp lớn.

Theo TBKTSG

Theo TBKTSG

Bạn có thể quan tâm