Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Không có thêm 8 giám sát viên, các hãng phải ngừng tăng máy bay'

Đây là khẳng định của Cục phó Hàng không Võ Huy Cường khi chia sẻ về tình hình nhân lực quản lý bay trong bối cảnh các hãng liên tục nhận thêm máy bay để khai thác.

Sáng 9/12, Cục phó Hàng không Võ Huy Cường đã khẳng định nguồn nhân lực trong quản lý bay thì cơ quan này hiện không hề thiếu. "Chúng tôi đảm bảo nguồn nhân lực và công nghệ liên tục cập nhật để điều hành vùng thông báo bay hiệu quả, an toàn", vị này chia sẻ.

"Chúng tôi có những hợp tác với các tổ chức đào tạo chuyên môn về quản lý bay cũng như về tiếng Anh như Australia hay New Zealand. Về nhân lực, chúng tôi khẳng định đảm bảo an toàn bay trong mọi tình huống và không thiếu", Cục phó cho hay.

cuc hang khong thieu giam sat bay anh 1
Cục phó Hàng không, ông Võ Huy Cường, khẳng định nếu vài tháng tới không có thêm 8 giám sát viên, các hãng bay sẽ phải ngừng việc tăng máy bay biên chế và lượng tàu bay sẽ phải giữ nguyên so với thời điểm hiện tại. Ảnh: VEF.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước lại đang bị vướng về cơ chế. Ông thông tin khi một hãng hàng không tăng thêm 10 chiếc máy bay, thì quản lý Nhà nước phải có thêm 2 giám sát bay. Việc này vừa giám sát về tính khả thi, vừa giám sát về an toàn khai thác bay.

Do đó, ông này cho biết nếu không đủ số lượng giám sát bay sẽ bị mất chứng nhận CAT 1 của Cục Hàng không Mỹ đã cấp.

Quy định hiện hành, cứ 2 người nghỉ hưu biên chế mới tăng được một người. Trong khi đó, gần đây các hãng lại tăng đột biến về số lượng máy bay, nhưng quản lý Nhà nước thì không có nguồn nhân lực bổ sung. Đại diện nhà chức trách cho rằng đây là một nút thắt quan trọng.

Cũng theo Cục phó, giám sát viên bay, giám sát an toàn bay phải là công chức, nhưng việc tinh giản biên chế vô tình lại gây ra những khó khăn cho công tác này của cơ quan này. Ông cho hay Nhà nước dành cho 30 tỷ đồng/năm dành cho công tác giám sát bay, nhưng không có công chức để thực hiện, vì vậy Cục Hàng không phải thuê nhân lực là phi công của các hãng.

"Chúng tôi làm gì có tiền để trả lương cho phi công khi thuê làm giám sát viên bay. Họ làm phi công với mức lương 300 triệu đồng/tháng, gấp bao nhiêu lần công chức của Cục Hàng không", Ông Võ Huy Cường chia sẻ về khó khăn hiện nay.

Ông cũng khẳng định nếu vài tháng tới không có thêm 8 giám sát viên, các hãng bay sẽ phải ngừng việc tăng máy bay biên chế và lượng tàu bay sẽ phải giữ nguyên so với thời điểm hiện tại.

Trước đó vào đầu tháng 10, trong bối cảnh Cục Hàng không Việt Nam cần bổ sung giám sát viên an toàn vào năm 2020, các hãng bay mới đã đề xuất được cử người hỗ trợ cơ quan này.

Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng khi đó cho hay đây mới chỉ là đề nghị của doanh nghiệp. Cục sẽ xem xét các tiêu chí để chấp thuận. Ông Thắng cho hay nếu các nhân sự đáp ứng được theo quy định của Cục Hàng không thì tổng lực lượng giám sát viên bay an toàn của Cục sẽ được tăng thêm 12 người.

Theo kế hoạch phát triển đến năm 2025 của Cục Hàng không đặt ra, tổng số máy bay khai thác tại Việt Nam đạt 449 chiếc trong đó 384 máy bay khai thác kinh doanh vận chuyển hàng không và 65 máy bay kinh doanh hàng không chung.

Vì vậy, Cục Hàng không cần bổ sung thêm 37 giám sát viên an toàn (so với thời điểm năm 2019) để có thể đảm bảo năng lực giám sát an toàn khai thác đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam.

Vietnam Airlines muốn bỏ trần giá vé máy bay nội địa

Trong khuôn khổ Diễn đàn cao cấp Du lịch lần thứ 2 sáng ngày 9/12, đại diện Vietnam Airlines đề nghị bỏ quy định trần giá vé bay chặng nội địa để thị trường tự điều tiết.


Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm