Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không có dự án nổi bật, vì sao cổ phiếu Novaland tăng suốt 16 phiên?

Bị chặn đứng đà tăng trong phiên giao dịch hôm nay, nhưng với 16 phiên tăng giá liên tiếp trước đó, vốn hóa của Novaland đang vượt ngưỡng 50.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 thị trường BĐS.

Mở đầu phiên giao dịch sáng nay (16/1), giá cổ phiếu Novaland (NVL) đã quay đầu giảm từ 78.000/cổ phiếu xuống còn 77.700 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên giảm đầu tiên sau 16 ngày tăng liên tiếp trước đó.

Cụ thể từ 22/12/2017 tới 15/1/2018, cổ phiếu NVL đã tăng liên tiếp từ 61.500 đồng lên 78.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 27%. Đây là mức tăng kỷ lục của NVL kể từ ngày niêm yết trên sàn.

Việc duy trì đà tăng trong hơn 2 tuần lễ là điều khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ, đặc biệt trong bối cảnh giá cổ phiếu này có xu hướng giảm nhẹ ở năm 2017. Mức giá đang niêm yết hiện tại giúp vốn hóa thị trường Novaland đã vượt ngưỡng 50.000 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp bất động sản (BĐS) có vốn hóa lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán, sau Vingroup.

co phieu novaland tang 16 ngay anh 1
Novaland chỉ đứng sau Vingroup về vốn hóa đối với các doanh nghiệp BĐS.

Nhìn lại năm 2017, NVL không có hoạt động kinh doanh hay dự án nổi bật được đưa ra thị trường. Doanh nghiệp này chủ yếu tập trung hoàn thiện các dự án cũ. Và kết quả kinh doanh cũng không như kỳ vọng.

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2017, doanh thu Novaland chỉ đạt 5.737 tỷ đồng – giảm 20%. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 14% so với cùng kỳ 2016, chỉ đạt 1.344 tỷ đồng. So với kế hoạch đặt ra trong năm 2017, với doanh thu hơn 17.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 3.100 tỷ đồng thì con số này cách rất xa.

Theo nhận định của một số nhà đầu tư, có thể đà tăng của cổ phiếu NVL những ngày cuối 2017 và đầu 2018 là sự kỳ vọng lớn về hoạt động tài chính của doanh nghiệp trong năm mới. Bởi hàng loạt dự án triển khai trước đó đã hoàn thành, nên việc hoạch toán doanh thu sẽ được bổ sung trong quý I.

Nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sau khi ổn định tình hình pháp lý của các dự án cũ thì doanh nghiệp này sẽ triển khai nhanh dự án mới, bởi quỹ đất khá lớn. VDSC dự đoán trong năm 2018, Novaland sẽ mở bán 4 dự án mới, bao gồm giai đoạn 2 dự án Victoria Village (1.209 căn), Water Bay (4.613 căn), dự án F (2.165 căn), Harbor City (3.995 căn). Với các dự án này, sự kỳ vọng về tăng trưởng doanh thu trong năm 2018 là rất lớn.

Một yếu tố nữa là việc phát hành cổ phần ưu đãi cùng trái phiếu chuyển đổi để tăng vốn điều lệ đã thúc đẩy giá cổ phiếu tăng lên.

Cụ thể, HĐQT đã trình phương án phát hành thêm tối đa 100 triệu cổ phần ưu đãi cổ tức chuyển đổi năm 2018, để tăng vốn điều lệ lên gần 7.297 tỷ đồng. Tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 5.000 tỷ đồng.

Trước đó, kế hoạch ĐHĐCĐ thông qua chỉ phát hành thêm 23 triệu cổ phần ưu đãi, tăng vốn điều lệ lên gần 6.527 tỷ đồng; tổng số tiền dự kiến thu về 1.150 tỷ đồng. Như vậy, phương án mới đã tăng mạnh số lượng cổ phần phát hành và lượng vốn huy động.

Một nội dung quan trọng khác là việc lấy ý kiến phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi. Theo đó, tổng giá trị trái phiếu chào bán là 250 triệu USD tương đương với 5.675 tỷ đồng, tăng mạnh so với phương án trước đó chỉ huy động 100 triệu USD (khoảng 2.275 tỷ đồng). Thời gian dời từ nửa cuối 2017 sang năm 2018.

Ngoài ra, Novaland còn thông qua phương án phát hành ESOP đợt 2 với số lượng hơn 9,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,51%), phát hành trực tiếp cho nhân viên công ty và nhân viên các công ty con.

Công ty này cũng vừa thực hiện đăng ký tăng vốn điều lệ từ 6.297 tỷ đồng lên 6.497 tỷ đồng.


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm